Có nên đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp?

Doanh nghiệp cần phải lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực kinh doanh mong muốn triển khai, đảm bảo bổ trợ cho việc kinh doanh và xin các giấy phép con khi thành lập doanh nghiệp...

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền "tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm" và trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện nay không cần phải ghi ngành nghề kinh doanh. Tức là, ngoài danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của Nhà nước thì doanh nghiệp có thể kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào doanh nghiệp lựa chọn mà không cần phải được sự "cho phép kinh doanh" của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, có nên đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp không?

Luật gia Đặng Thị Hương Nhi - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Dưới đây là một số ý kiến liên quan đến việc "Có nên đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khi thàn lập doanh nghiệp?", cụ thể:

Thứ nhất, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, ngành nghề kinh doanh không được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng vẫn được Phòng đăng ký kinh doanh ghi nhận trên Giấy xác nhận thông tin doanh nghiệp và niêm yết công khai trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia. Doanh nghiệp là công cụ để tạo dựng sự nghiệp và phát triển kinh doanh. Do đó, chúng ta cần chú ý và tận tâm cho nó. Việc đăng ký nhiều ngành nghề làm cho hồ sơ thông tin doanh nghiệp trở nên loãng khi đối tác muốn nắm bắt lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khi đó, việc đăng ký nhiều ngành nghề mang lại tác dụng ngược theo tiêu chí niềm tin ở các đối tác.

Thứ hai, có nhiều doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề với tâm lý rằng "đăng ký càng nhiều ngành nghề càng tốt để sau này tránh phải thay đổi giấy phép kinh doanh". Đây là một quan điểm sai nghiêm trọng. Đăng ký nhiều ngành nghề nhưng doanh nghiệp không biết lĩnh vực nào doanh nghiệp đang được phép kinh doanh, lĩnh vực nào không được phép kinh doanh. Việc này dẫn đến hàng loạt những sai phạm như: xuất hóa đơn khi chưa đăng ký kinh doanh, chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn kinh doanh,...

Thứ ba, có quan điểm cho rằng "đăng ký nhiều ngành nghề để tránh trường hợp sau này pháp luật thắt chặt không đăng ký được nữa". Quan điểm này hoàn toàn sai. Các doanh nghiệp nên nhớ ngành nghề có trên Giấy phép kinh doanh chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành thì mới được kinh doanh. Khi quy định mới áp dụng thì luôn có điều khoản kế thừa, điều khoản chuyển tiếp để áp dụng cho doanh nghiệp đăng ký ngành nghề trước và sau khi văn bản pháp luật có hiệu lực. Do đó, việc đăng ký nhiều ngành nghề với quan điểm như trên không giúp cho doanh nghiệp có được các lợi ích là được bỏ qua các điều kiện về kinh doanh.

Như vậy, doanh nghiệp nên đăng ký ít ngành nghề, nên đăng ký một bộ ngành nghề cùng loại, ví dụ: công ty xây dựng thì không nên đăng ký các ngành nghề về buôn bán thực phẩm, buôn bán đồ dùng gia đình,... Doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ và đảm bảo khi đăng ký ngành nghề đáp ứng đủ sau này kinh doanh hiệu quả và bổ trợ cho việc kinh doanh cũng như xin các giấy phép con có liên quan.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Đặng Thị Hương Nhi - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, Tổng đài (24/7): 1900 6198