Trong công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng quản trị là "to" nhất?

Hiểu Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) ''điều hành" HĐQT của Công ty cổ phần (CP) là không chính xác. Cách hiểu này đã, đang và tiếp tục gây nhiều hệ lụy không tốt cho doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty CP

Nhiều người cho rằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) là chức danh quan trọng và "to" nhất trong công ty cổ phần (CP). Tuy nhiên, thực tế cũng như theo quy định của pháp luật thì không hẳn vậy. Nếu tìm hiểu kỹ các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 (kế thừa quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005) thì thấy rằng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐQT, HĐQT là khá rõ ràng. Có nghĩa, chủ tịch Hội đồng quản trị không phải là "to" nhất, theo một số cách hiểu hiện nay.

 Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Căn cứ pháp lý quy định về chủ tịch Hội đồng quản trị trong Công ty cổ phần


Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về chủ tịch Hội đồng quản trị như sau:

"Chủ tịch Hội đồng quản trị: 1- Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác. 2- Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. 3- Chủ tịch Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây: a- Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; b- Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị; c- Tổ chức việc thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị; d- Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị; đ- Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng quản trị; e- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty". (Điều 152)

Vai trò của Chủ tịch HĐQT trong Công ty CP là gì?


Nhiều người cho rằng vị Chủ tịch HĐQT sẽ có quyền lực "tối cao" trong Công ty CP, có quyền quyết định tất cả mọi việc, từ việc xác định tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược công ty, chiến lược kinh doanh… đến việc điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của Công ty CP. Số khác thì cho rằng, việc điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty là việc của Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc điều hành); còn Chủ tịch HĐQT chỉ có quyền điều hành HĐQT.

Đây là ngộ nhận rất phổ biến mà nhiều người, kể cả giới truyền thông, và cả những thành viên HĐQT thiếu am hiểu luật pháp, cũng thường hay mắc phải. Tổng giám đốc (hay giám đốc) điều hành trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh hang ngày của công ty là chính xác, nhưng cho rằng Chủ tịch HĐQT “điều hành” HĐQT là sai hoàn toàn.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, mỗi thành viên HĐQT đều có quyền biểu quyết ngang nhau và hoàn toàn bình đẳng với nhau. Cho nên, không có chuyện ai điều hành ai, cho dù người đó có là cổ đông lớn nhất, cổ đông sở hữu cổ phần chi phối, hay Chủ tịch HĐQT. Vậy thì, nếu cho rằng, Chủ tịch HĐQT “điều hành” HĐQT là hiểu không đúng. Cách hiểu sai lầm như vậy sẽ gây nhiều hệ lụy không tốt cho các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty CP.

Quy định của pháp luật về Chủ tịch HĐQT trong Công ty CP như thế nào?


Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Hội đồng quản trị: "Hội đồng quản trị thông qua quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết" (khoản 3 Điều 149).

Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT như sau: "a) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị; c) Tổ chức việc thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị; d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị; đ) Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng quản trị; e) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty" (khoản 1 Điều 152)

Như vậy, Chủ tịch HĐQT chỉ có quyền và nghĩa vụ chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp HĐQT; triệu tập và chủ tọa các cuộc họp HĐQT, và tham gia ý kiến như mọi thành viên khác trong HĐQT. Khi biểu quyết, chủ tịch HĐQT cũng chỉ có một phiếu biểu quyết duy nhất như mỗi thành viên HĐQT khác, mà không phải nhiều hơn. Chỉ khi nào hai bên có số phiếu biểu quyết bằng nhau mà trái ý nhau thì bên nào có phiếu của Chủ tịch HĐQT mới có giá trị quyết định.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, dù Nghị quyết HĐQT thường do Chủ tịch HĐQT ký, nhưng chữ ký này thay mặt HĐQT chứ không phải dưới tư cách cá nhân Chủ tịch HĐQT. Chủ tịch HĐQT chỉ có thẩm quyền chung trong việc điều hành hoạt động của HĐQT và làm chủ tọa họp ĐHĐCĐ, mà không tham gia trực tiếp vào hoạt động điều hành doanh nghiệp, trừ khi vị này kiêm nhiệm vào hoạt động điều hành doanh nghiệp kiêm nhiệm Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc).


Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Vai trò thực sự của Chủ tịch HĐQT trong Công ty CP là như thế nào?


Chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm dẫn dắt HĐQT, đảm bảo tính hiệu quả của HĐQT ở tất cả mọi góc độ, lịch trình hoạt động. Chủ tịch HĐQT đóng vai trò chính trong việc cung cấp thông tin cho các thành viên HĐQT một cách chính xác và kịp thời và đảm bảo việc truyền thông đến các cổ đông một cách hiệu quả. Chủ tịch HĐQT cũng chính là người tổ chức đánh giá thường xuyên kết quả/hiệu quả làm việc của HĐQT, các thành viên HĐQT và Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc Ban điều hành. Trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT là xây dựng một cơ chế hoạt động hiệu quả cho các thành viên HĐQT độc lập nhằm giúp họ có thể đóng góp nhiều nhất cho công ty, là đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên, đặc biệt là giữa những thành viên HĐQT điều hành và thành viên HĐQT độc lập.

Khác với Giám đốc là người điều hành kinh doanh dưới sự ủy quyền của HĐQT trong việc thực hiện các chính sách và chiến lược, Chủ tịch HĐQT là người dẫn dắt HĐQT xây đựng chiến lược và hoạch định các chính sách đó. Chính vì vậy, việc tách biệt hai vai trò Giám đốc (Tổng giám đốc) và Chủ tịch HĐQT thường được khuyến khích.

Chủ tịch là người động viên, hỗ trợ Giám đốc và Ban điều hành nhằm giúp họ thực hiện tốt các chiến lược và kế hoạch đã vạch ra nhằm thỏa mãn các cổ đông. Hiển nhiên công việc của Chủ tịch HĐQT cũng bao gồm công tác giám sát và phản biện nhưng theo chiều hướng tích cực chứ không phải là tạo ra những rào cản.

Vai trò quan trọng nhất của Chủ tịch HĐQT là đảm bảo rằng, HĐQT thể hiện sự lãnh đạo (và kiểm soát) mà mọi người mong đợi ở HĐQT. Do đó, việc lãnh đạo có tính chuyên nghiệp từ các cuộc họp HĐQT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Nguồn lực mà Chủ tịch HĐQT nắm giữ và phải tận dụng tốt, đó là thời gian và tài năng của các thành viên HĐQT. Chủ tịch HĐQT dù thực ra là không “to” nhưng đóng vai trò trung tâm, làm việc với và thông qua Giám đốc (Tổng giám đốc) tác động đến công ty thể hiện sự liên hệ, nhưng không tác động trực tiếp vào hoạt động bình thường của công ty. Chủ tịch HĐQT là người kiến tạo sự thống nhất của các thành viên HĐQT và tránh cạnh tranh với Giám đốc (Tổng giám đốc).

Tóm lại, hiện trạng có khá nhiều Công ty CP, nhất là những công ty có yếu tố gia đình, Chủ tịch HĐQT (thường là người có cổ phần cao nhất) được tôn sùng quá mức. Điều đó khiến cho những thành viên HĐQT khác chỉ có cho "đủ số lượng". Điều này gây nhiều hệ lụy không tốt cho Công ty khi Chủ tịch HĐQT, vì nhiều lý do khác nhau đã đưa ra những quyết định sai lầm, nhưng không ai, kể cả các thành viên HĐQT khác, dám lên tiếng ngăn cản hay phản đối. Ngoài ra, không ít công ty hiện nay, chủ tịch HĐQT có thể là người “ngoại đạo” hoàn toàn vì không tham gia chức vụ điều hành nào, cũng không sở hữu một cổ phiếu nào.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương - Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.