Một số đặc điểm pháp lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể thuộc sở hữu của một tổ chức, hoặc một cá nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một loại hình doanh nghiệp, loại hình công ty không có tư cách pháp nhân, không có quyền phát hành cổ phần, do một tổ chức hay một cá nhân làm chủ sở hữu và chỉ phải chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ, nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội - Công ty Luật TNHH Everest

 Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Thứ nhất, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ có một thành viên duy nhất.

Đây là dấu hiệu nổi bật để phân biệt công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với các loại hình công ty khác. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên thì số lượng thành viên từ hai đến năm mươi thành viên, đối với công ty cổ phần thì số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không giới hạn số lượng tối đa, đối với công ty hợp danh thì số lượng thành viên hợp danh tối thiểu phải là hai. Tuy nhiên, đặc điểm này lại có phần giống với doanh nghiệp tư nhân, loại hình doanh nghiệp có một chủ, nhưng chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể là một cá nhân mà không thể là tổ chức như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Theo khoản 1 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014, tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp trừ trường hợp bị cấm theo khoản 2 Điều này. Quy định này tiến bộ hơn ở chỗ đã khẳng định rõ ràng việc tổ chức không có tư cách pháp nhân thì không được thành lập doanh nghiệp.

Theo Luật doanh nghiệp năm 2014 có hai loại hình doanh nghiệp một chủ là doanh nghiệp tư nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Nếu như công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể thuộc sở hữu của một tổ chức, hoặc một cá nhân thì doanh nghiệp do cá nhân làm chủ sở hữu. Như vậy, loại chủ thể có thể làm chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên rộng hơn so với doanh nghiệp tư nhân

Thứ hai, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân.

Theo khoản 2 Điều 73 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015 thì tổ chức có tư cách pháp nhân khi thỏa mãn các điều kiện sau:
"Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: a- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; b- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; c- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; d- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập" (theo khoản 1 Điều 74)

(i) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan. Về thành lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 khi có đủ điều kiện về hồ sơ đăng ký hợp lệ, nộp đủ lệ phí và thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

(ii) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự năm 2015. Hiện nay, theo Luật doanh nghiệp năm 2014 thì tùy thuộc vào chủ sở hữu công ty là tổ chức hay cá nhâ, tùy thuộc vào số người được đại diện theo ủy quyền do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm mà công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có những mô hình tổ chức và quản lý khác nhau. Trong đó, có sự sắp xếp, phân công nhiệm vụ, chức trách, quyền hạn của từng chức danh, từng bộ phân Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc/Tổng giám đốc....đồng thời có sự quản lý thống nhất của những người đứng đầu bộ máy.

(iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Điều 36 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định chủ sở hữu công ty phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn của mình sang cho công ty, sau khi hoàn thành thủ tục này thì sản sản góp vốn thuộc quyền sở hữu của công ty. Ngoài ra, khoản 3 Điều 76 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định "phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty". Tài sản của công ty không những độc lập với tài sản của tổ chức, cá nhân khác mà còn phải độc lập với chính tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công ty. Bên cạnh đó, công ty phải tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác bằng chính tài sản độc lập đó. Nói cách khác, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, và về nguyên tắc, chủ sở hữu công ty không có trách nhiệm phải trả nợ thay cho công ty.

(iv) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thành lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, có cơ cấu tổ chức riêng, có tài sản độc lập với tổ chức, cá nhân khác, nên được xem là một chủ thể pháp lý độc lập. Trong các quan hệ pháp luật tố tụng, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Thứ ba, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chế độ trách nhiệm hữu hạn.

Tính trách nhiệm hữu hạn đã xuất hiện từ rất lâu, mắc dù các định nghĩa trong các công ty có thể khác nhau, song về cơ bản, trách nhiệm hữuu hạn dùng để chỉ phạm vi trách nhiệm của thành viên chứ không phải phạm vi trách nhiệm của pháp nhân, thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn góp của mình. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông công ty cổ phần đều chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp, trừ các ngoại lệ nhất định.
Vì vậy, đặc điểm chịu trách nhiệm hữu hạn của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thực chất là chế độc trách nhiệm hữu hạn của chủ sở hữu công ty. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn điều lệ công ty. Nếu công ty bị thua lỗ, thất bại trong kinh doanh dẫn đến phá sản thì chủ sở hữu cũng chỉ mất số vốn đã đầu tư vào công ty mà không phải dùng đến tài sản riêng không đưa vào hoạt động kinh doanh để trả nợ thay cho công ty.
Chính yếu tố chịu trách nhiệm hữu hạn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh làm nhà đầu tư cảm thấy an tâm hơn trên thương trường khi mà họ biết các yếu tố rủi ro đã được giới hạn. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích người dân đầu tư vốn nhàn rỗi và các hoạt động kinh doanh.

Thứ tư, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì chỉ có công ty cổ phần mới được quyền phát hành cổ phần. Với bản chất của công ty cổ phần mang tính đối vốn, việc chuyển nhượng cổ phần về cơ bản khá dễ dàng. Trong khi đó, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ có một thành viên duy nhất, nếu phát hành cổ phần sẽ làm tăng số lượng chủ sở hữu, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không còn là người sở hữu duy nhất vốn điều lệ của công ty, lúc này loại hình công ty ban đầu bị thay đổi hoàn toàn về bản chất.

Tuy nhiên, Điều 73 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ cấm công ty trách nhiệm một thành viên phát hành cổ phần. Do đó, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn theo quy định của pháp luật, hoặc thông qua việc vay, mượn... Yếu tố về huy động vốn cũng là một yếu tố quan trọng để cách chủ thể quyết định việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào khi tiến hành kinh doanh. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dù không được phát hành cổ phần nhưng vẫn có lợi thế hơn so với doanh nghệp tư nhân và công ty hợp danh khi được phát hành loại chứng khoán khác.


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@everest.net.vn.