Thành phần của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự

Việc xác định đúng các chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự. Quan hệ pháp luật tố tụng dân sự gồm 3 thành phần: Chủ thể, khách thể và nội dung

1-Thành phần của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự

[a] Chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự
Chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là một yếu tố cấu thành cơ bản của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Tính đa dạng của các quan hệ được các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự điều chỉnh dẫn đến tính đa dạng của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Tuy vậy, không phải bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng là chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng, đúng đắn các vụ việc dân sự và quyền, lợi ích của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên- quan đến vụ việc dân sự, Nhà nước quy định điều kiện các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Do vậy, việc xác định đúng các chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự.
Chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là các cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Căn cứ vào Điều 1 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự bao gồm: Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chửng, người giám định, người phiên dịch, người định giá tài sản và người liên quan.
Tùy theo mục đích, vai trò tham gia tố tụng dân sự của các chủ thể này mà pháp luật quy định các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Căn cứ vào mục đích tham gia tố tụng và địa vị pháp lý của các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng dân sự có thể phân các chủ thể thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết vụ việc dân sự, tổ chức thi hành án dân sự, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng như toà án, viện kiểm sát V.V.. Nhóm thứ hai bao gồm các chủ thể tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác như đương sự, người đại diện của đương sự V.V.. Nhóm thứ ba bao gồm các chủ thể tham gia tố tụng để hỗ trợ tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự như người làm chứng, người giám định v.v. và người liên quan.
Chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự
Chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự

[b] Khách thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự
Khi tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, mỗi chủ thể có những nhiệm vụ, mục đích khác nhau: nguyên đơn mong muốn yêu cầu của mình được tòa án chấp nhận, bị đơn mong muốn toà án bác yêu cầu của nguyên đơn, tòa án mong muốn giải quyết nhanh chóng và đúng đắn được vụ việc dân sự V.V.. Tuy vậy, tất cả các chủ thể đều có một mong muốn chung là làm sao toà án có thể giải quyết được yêu cầu của đương sự hay vụ việc dân sự để chấm dứt tranh chấp giữa các đương sự tức là giải quyết quan hệ pháp luật nội dung giữa các đương sự. Đây chính là động lực thúc đẩy các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự và là mục đích, mối quan tâm chung của các chủ thể. Theo lý luận Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật thì khách thể của quan hệ pháp luật là những gì các bên chủ thể mong muốn đạt được. Do vậy:
Khách thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự là việc giải quyết quan hệ pháp luật nội dung tranh chấp giữa các đương sự hay việc giải quyết quan hệ pháp luật nội dung có chứa đựng những sự kiện pháp lý mà tòa án có nhiệm vụ xác định.
Khách thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự có đầy đủ những đặc điểm của khách thể quan hệ pháp luật nói chung: là cái mà các chủ thể mong muốn đạt được, là động lực thúc đẩy các chủ thể tham gia quan hệ. Tuy vậy, khách thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự có điểm khác với khách thể của nhiều quan hệ pháp luật khác ở chỗ lợi ích về vật chất không hoàn toàn chi phối việc tham gia quan hệ của tất cả các chủ thể. Trong nhiều trường hợp các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự xuất phát từ nghĩa vụ do pháp luật quy định.
Khách thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự
Khách thể của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự

[c] Nội dung của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự
Nội dung của quan hệ pháp luật phản ánh địa vị pháp lý của các chủ thể. Xét dưới góc độ cụ thể thì nội dung của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự gồm quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự.
Quyền tố tụng dân sự là cách xử sự mà pháp luật tố tụng dân sự quy định cho các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự được thực hiện. Tùy theo mục đích, tính chất tham gia tố tụng của các chủ thể mà pháp luật tố tụng dân sự quy định cho mỗi chủ thể các quyền tố tụng dân sự nhất định. Trong đó, các quyền của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự có tính chất đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước, ngoài các cơ quan này không chủ thể nào có.
Nghĩa vụ tố tụng dân sự là cách xử sự bắt buộc mà pháp luật tố tụng dân sự quy định cho các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Tuỳ thuộc vào yêu cầu của việc giải quyết vụ việc dân sự và tính chất tham gia tố tụng của các chủ thể mà pháp luật tố tụng dân sự quy định cho mỗi chủ thể có các nghĩa vụ tố tụng nhất định. Trong đó, việc quy định cụ thể nghĩa vụ tố tụng dân sự của các đương sự là vấn đề rất cần thiết, tạo được điều kiện thuận lợi cho toà án trong việc giải quyết vụ việc dân sự.
Việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của các chủ thể trong quá trình tố tụng dân sự có ý nghĩa tạo nên sự vận động và phát triển của tố tụng dân sự. Để bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự được tốt thì các chủ thể phải thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của mình theo quy định của pháp luật và có thiện chí. Việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của các chủ thể sẽ ảnh hưởng lớn đối với tiến trình tố tụng dân sự. Do vậy, để bảo đảm được điều này luật tố tụng dân sự đã quy định việc áp dụng chế tài pháp lý đối với các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ.
Nội dung của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự
Nội dung của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự

2- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Thành phần của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Thành phần của quan hệ pháp luật tố tụng dân sự có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.