Vốn điều lệ và vốn pháp định của doanh nghiệp, một số điểm cần lưu ý khi đăng ký doanh nghiệp

Vốn điều lệ, vốn pháp định theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014; Những vấn đề doanh nghiệp cần chú ý khi thành lập doanh nghiệp liên quan tới vốn pháp định, vốn điều lệ.



Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Khái niệm về vốn điều lệ, vốn pháp định trong pháp luật hiện hành được diễn giải như sau:

"Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần." (Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Trong các văn bản pháp luật doanh nghiệp hiện hành (gồm Luật Doanh nghiệp năm 2014), dù không giải thích trực tiếp khái niệm “vốn pháp định”, nhưng trong một số văn bản luật chuyên ngành lại có đề cập đến "vốn pháp định". Để hiểu về khái niệm này,
Chúng ta có thể tham khảo Luật Doanh nghiệp năm 2005, như sau: "Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp" (khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005).

Đến thời điểm soạn thảo và ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014, các quy định về vốn pháp định đã không còn, tuy nhiên văn bản Luật Doanh nghiệp lại gián tiếp quy định về mức vốn pháp định như tại "Áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó" (Điều 3).

Nghĩa là, đối với trường hợp mà trong các văn bản luật doanh nghiệp không quy định về vốn pháp định, vốn điều lệ nhưng trong pháp luật chuyên ngành có quy định, thì doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ đầy đủ các nội dung được ghi nhận trong các quy phạm luật chuyên ngành về mức vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp.

Hiện nay, một số ngành nghề kinh doanh quy định về mức vốn pháp định như:

- Lĩnh vực tín dụng, ngân hàng:

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có quy định về vốn pháp định: "1. Chính phủ quy định mức vốn pháp định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định. 3. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể việc xử lý trường hợp khi giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn mức vốn pháp định”
(Điều 19).

Theo đó, vốn pháp định áp dụng với các tổ chức tín dụng, ngân hàng vẫn tuân theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP về ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng:

STT

Loại hình tổ chức tín dụng

Mức vốn pháp định áp dụng cho đến năm

2008

2010

I

Ngân hàng



1

Ngân hàng thương mại



a

Ngân hàng thương mại Nhà nước

3.000 tỷ đồng

3.000 tỷ đồng

b

Ngân hàng thương mại cổ phần

1.000 tỷ đồng

3.000 tỷ đồng

c

Ngân hàng liên doanh

1.000 tỷ đồng

3.000 tỷ đồng

d

Ngân hàng 100% vốn nước ngoài

1.000 tỷ đồng

3.000 tỷ đồng

đ

Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài

15 triệu USD

15 triệu USD

2

Ngân hàng chính sách

5.000 tỷ đồng

5.000 tỷ đồng

3

Ngân hàng đầu tư

3.000 tỷ đồng

3.000 tỷ đồng

4

Ngân hàng phát triển

5.000 tỷ đồng

5.000 tỷ đồng

5

Ngân hàng hợp tác

1.000 tỷ đồng

3.000 tỷ đồng

6

Quỹ tín dụng nhân dân



a

Quỹ tín dụng nhân dân TW

1.000 tỷ đồng

3.000 tỷ đồng

b

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

0,1 tỷ đồng

0,1 tỷ đồng

II

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng



1

Công ty tài chính

300 tỷ đồng

500 tỷ đồng

2

Công ty cho thuê tài chính

100 tỷ đồng

150 tỷ đồng


Các loại hình tổ chức tín dụng khi thành lập ngoài việc đáp ứng đầy đủ điều kiện theo luật doanh nghiệp quy định, thì còn phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định tương ứng loại hình tổ chức tín dụng muốn thành lập.

- Lĩnh vực kinh doanh bất động sản:

Trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản như sau:

"Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản: 1- Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật" .
(Điều 10)

Đồng thời, tại văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, có hướng dẫn rõ hơn về vốn pháp định trong thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và các trường hợp ngoại trừ. Theo đó, điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản: "1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ các trường hợp sau: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên quy định tại Điều 5 Nghị định này; b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản"
(Điều 3).

Như vậy, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đăng ký hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp hoặc hợp tác xã với mức vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ một số trường hợp nhất định không cần đáp ứng điều kiện về mức vốn pháp định, tuy nhiên các tổ chức, cá nhân này vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Một vấn đề cần lưu ý nữa: đối với các trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã hoạt động trước thời điểm ngày 01/07/2015 (ngày Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực) mà chưa đủ điều kiện về vốn pháp định thì tại Nghị định số 76/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản cũng đưa ra hướng giải quyết như sau:

Xử lý chuyển tiếp: "1- Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động mà chưa đáp ứng đủ điều kiện về vốn pháp định theo quy định tại Nghị định này được tiếp tục hoạt động, nhưng phải bổ sung đủ điều kiện về vốn pháp định theo quy định của Nghị định này trong thời hạn 01 năm kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 nếu tiếp tục kinh doanh bất động sản” (Điều 16).

Theo đó, đối với doanh nghiệp đã kinh doanh dịch vụ bất động sản trước thời điểm 01/07/2015 mà chưa đáp ứng đủ điều kiện mức vốn pháp định là 20 tỷ thì cần làm thủ tục bổ sung vốn điều lệ trước ngày 01/7/2016.

- Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ:

Ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng là một trong những lĩnh vực đặc thù có quy định cụ thể về vốn pháp định như một trong những điều kiện bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp như sau:

Nghị định số 104/2007/NĐ-CP quy định về điều kiện vốn kinh doanh dịch vụ đòi nợ: “Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng)”
(Điều 13).

Đồng thời, trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định là 02 tỷ đồng.


Chính phủ là cơ quan trực tiếp quy định về mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp Kinh doanh bảo hiểm, tương ứng với các đối tượng bảo hiểm, và loại hình kinh doanh, môi giới mà mức vốn pháp định sẽ có sự khác biệt:

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, bao gồm: "1. Có số vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ”
(Điều 63).

Tại Nghị định số 46/2007/NĐ-CP Quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có điều khoản cụ thể về mức vốn pháp định mà Chính phủ quy định khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quy định về vốn pháp định: "1- Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm: a) Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ: 300.000.000.000 đồng Việt Nam; b) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ: 600.000.000.000 đồng Việt Nam. 2- Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm: 4.000.000.000 đồng Việt Nam"
(Điều 4).

Bên cạnh việc ấn định cụ thể mức vốn pháp định, doanh nghiệp cũng bắt buộc phải duy trì mức vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định trong quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tương tự ngành nghề kinh doanh Bất động sản.

- Dịch vụ kiểm toán:

Ngoài yêu cầu về trình độ, số lượng kiểm toán viên, về việc mua bảo hiểm nghề nghiệp, thì vốn pháp định cũng là một trong những điều kiện phải đảm bảo nếu doanh nghiệp muốn được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện này, có thể bị xử phạt vì vi phạm quy định tại Điều 59. Các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập trong Luật Kiểm toán độc lập năm 2011: Vốn pháp định đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn: "1- Vốn pháp định đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn là 03 (ba) tỷ đồng Việt Nam; từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, vốn pháp định là 05 (năm) tỷ đồng Việt Nam. 2- Trong quá trình hoạt động, công ty trách nhiệm hữu hạn phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại Khoản 1 Điều này. Doanh nghiệp kiểm toán phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính" (Điều 5).

Việc quy định về duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định là một trong những điều kiện nhằm đảm bảo khả năng thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng như trong hoàn cảnh phát sinh rủi ro.

Bên cạnh những ngành nghề kinh doanh đã kể trên, một số ngành kinh doanh khác cũng cần lưu ý về mức vốn pháp định khi thành lập và hoạt động như: Dịch vụ bảo vệ; Đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài; Sản xuất phim ảnh; Kinh doanh vận chuyển hàng không.


Luật gia Nguyễn Liên - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198,
tổng hợp.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail:info@everest.net.vn.