Quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân

Nếu không đồng ý với quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, anh (chị) có thể khởi kiện công ty tại Tòa án mà không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết là 01 (một) năm.

Hỏi: Tôi làm việc ở một công ty xuất khẩu được gần 01 năm. Vừa qua, tôi phải nhập viện điều trị ốm đau khoảng 02 tháng. Khi trở lại làm việc thì tôi nhận được quyết định của công ty về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi. Đề nghị Luật sư tư vấn, việc sa thải tôi như vậy là đúng hay sai? Và tôi có thể khởi kiện quyết định sa thải của công ty được không? (Tú Anh - Ninh Bình)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Thuỳ - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest – trả lời:

Điều 39 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về các trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau: “1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này. 2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý. 3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này. 4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Điểm a Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động như sau: “1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;…”

Như vậy, theo quy định của pháp luật, anh (chị) bị ốm đau phải nghỉ làm để điều trị, nếu giấy tờ, chứng cứ chứng minh việc nghỉ làm trong thời gian 02 tháng là do ốm đau thì việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh (chị) là trái luật. Pháp luật quy định, người sử dụng lao động chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nếu: bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Do đó, nếu không đồng ý với quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty, anh (chị) có thể làm đơn khởi kiện công ty ra Tòa án mà không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết là 01 (một) năm kể từ ngày anh biết được (nhận được) quyết định chấm dứt hợp đồng lao động từ công ty.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.