Đăng ký thường trú tại Việt Nam cho công dân định cư nước ngoài

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đăng ký thường trú khi trở lại Việt Nam để sinh sống và làm việc

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Việt Kiều định cư ở nước ngoài nếu có nhu cầu xin trở lại thường trú ở Việt Nam và sinh sống lâu dài cần chuẩn bị các hồ sơ và thực hiện các thủ tục sau:

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Hồ sơ đề nghị về Việt Nam thường trú gồm:

1- Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (theo mẫu);

2- Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp ( bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu);

3- Bản sao một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh có quốc tịch Việt Nam:

- Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;

- Giấy chứng minh nhân dân;

- Hộ chiếu Việt Nam;

- Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi;

- Giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp xác nhận đương sự còn giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch.

4- 03 ảnh mới chụp cỡ 4x6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (02 tấm dán vào đơn đề nghị và 01 tấm để rời);

5- Một trong những giấy tờ sau đây chứng minh có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam:

6- Đối với người đã được sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Bản sao một trong những giấy tờ sau đây chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu) như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở; Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.

7- Đối với người có nhà ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân:

- Bản sao hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở của cá nhân (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu);

- Văn bản chứng minh người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho người đó đăng ký thường trú;

- Bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhà ở của người cho thuê, mượn, ở nhờ (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu).

Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài xin về thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương

Trường hợp công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài xin về thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài giấy tờ nên trên trong hồ sơ phải có một trong giấy tờ sau đây chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (quy định tại khoản 1, 2 và 4 của Điều 20 Luật Cư trú):

- Đối với Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài có chỗ ở hợp pháp phải có một trong giấy tờ sau chứng minh đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên:

+ Giấy tờ về tạm trú có thời hạn hoặc xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn về thời hạn tạm trú;

+ Sổ tạm trú hoặc xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn về thời gian đăng ký tạm trú.

- Đối với Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình phải có một trong giấy tờ sau chứng minh mối quan hệ ruột thịt giữa hai người:

+ Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

+ Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;

+ Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

+ Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có đủ khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú bác, cậu ruột, người giám hộ;

+ Người chưa thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;

Trường hợp không còn giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt nêu trên, thì người bảo lãnh phải có đơn giải trình và được UBND cấp xã nơi người đó có hộ khẩu thường trú xác nhận.

- Giấy tờ chứng minh Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.

Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài đề nghị về đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam

Đối với công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài đề nghị về đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam và hoạt động tôn giáo, thì hồ sơ phải có ý kiến bằng văn bản của người đứng đầu cơ sở tôn giáo đó đồng ý cho người đó đăng ký thường trú, kèm theo giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, và ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về tôn giáo chấp thuận cho người đó về Việt Nam hoạt động tôn giáo.

Lưu ý: Hồ sơ đề nghị về Việt Nam thường trú phải được lập thành 2 bộ.

Trình tự thủ tục đề nghị xin về Việt Nam thường trú:

Bước 1: Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài nộp hồ sơ (cả 2 bộ) tại Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú.

- Trường hợp nộp tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

+ Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Cơ quan đại diện Việt Nam phải gửi 01 bộ hồ sơ (bản chính) kèm theo ý kiến nhận xét về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

+ Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do cơ quan đại diện Việt Nam chuyển về, Cục quản lí xuất nhập cảnh phải hoàn thành việc xem xét, giải quyết cho Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài về Việt Nam thường trú và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đại diện Việt Nam và cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao.

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (được về Việt Nam thường trú hoặc lý do không được về Việt Nam thường trú), cơ quan đại diện Việt Nam phải thông báo bằng văn bản kết quả cho người đề nghị về thường trú và cấp giấy thông hành hồi hương cho người được phép về Việt Nam thường trú. Giấy thông hành hồi hương được cấp cho từng người, có giá trị 12 tháng, kể từ ngày cấp và không được gia hạn.

- Trường hợp nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an: Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục quản lí xuất nhập cảnh phải hoàn thành việc xem xét, giải quyết cho Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài về Việt Nam thường trú và Thông báo kết quả giải quyết cho Công an tỉnh, cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao và thân nhân của người xin về Việt Nam thường trú. Văn bản thông báo kết quả đồng ý giải quyết cho thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh gửi cho thân nhân của người xin thường trú là giấy tờ có giá trị thay giấy thông hành hồi hương.

- Trường hợp nộp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú:

+ Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an tỉnh phải gửi hồ sơ kèm theo ý kiến nhận xét, đề xuất về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

+ Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục quản lí xuất nhập cảnh phải hoàn thành việc xem xét, giải quyết cho Công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài về Việt Nam thường trú và Thông báo kết quả giải quyết cho Công an tỉnh, cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao và thân nhân của người xin về Việt Nam thường trú. văn bản thông báo kết quả đồng ý giải quyết cho thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh gửi cho thân nhân của người xin thường trú là giấy tờ có giá trị thay giấy thông hành hồi hương.

Bước 2: Người được giải quyết về Việt Nam thường trú cần liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam để nhận giấy thông hành hồi hương trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận được thông báo (trong trường hợp nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài).

Bước 3: Sau khi về nước thì thực hiện thủ tục đăng kí thường trú theo quy định.

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Phòng tư vấn pháp luật hành chính của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.