Vấn đề nhận lương và bồi thường khi nghỉ việc

Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Hỏi: Ngày 4.11.2014 em được nhận vào làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng với mức lương 1 triệu 500 nghìn/ tháng Ngày 20.04.2016, em xích mích với quản lý nên anh ta cho em thôi việc ngay hôm đó. Vì lí do về quê, nên ngày 20.06.2016 em mới vào lại quán để nhận lương. Lúc này, chính anh quản lý đó nói là chưa có lương. Em có gọi cho chủ quán, nhưng chị ấy đi du lịch Nha Trang rồi. Ngày 27.06.2016 em có gọi điện cho chủ quán và đến nhà chị (nhà chị sát vách quán) lúc 20h tối. Chị có gọi cho quản lý, anh ta hẹn 21h anh ta về quán. Sau đó, chị chủ lấy bao thư tiền lương của em đưa cho chị thu ngân bảo đưa anh quản lý để anh ta đưa em mà không đưa trực tiếp lương cho em. Sau đó em đi qua quán, gọi anh ta 2 cuộc nhưng anh ta không bắt máy. Chị thu ngân gọi, anh ta bảo anh ta đã về nhà, không còn ở quán nữa. Mà thực ra anh ta đang ở trong quán, vì em đã nghe nhân viên ở đó nói và đi xem, xác nhận anh ta ngồi trong quán, trong phòng với khách. Em có gọi điện chị chủ, nhưng chị bảo không liên quan, tự tìm gặp anh ta để giải quyết. Khi 23h30, lúc em đang nói chuyện với chị chủ thì anh ta bước ra, thấy em và đi nhanh ra cửa, bỏ về gấp gáp như chạy trốn. Hỏi em làm đơn tố cáo anh ta quỵt lương, cố ý không trả lương, gây khó dễ khi trả lương có được không? (Bùi Ninh - Lâm Đồng)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Trong câu hỏi của bạn, bạn không nêu rõ rằng giữa cửa hàng và bạn có giao kết hợp đồng lao động hay không vì thời gian làm việc của bạn kéo dài trên 3 tháng (từ 4.11.2014 đến 20.4.2016) nên bắt buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Cụ thể như sau:

Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”.

Nếu cửa hàng không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với bạn thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Nếu giữa bạn và cửa hàng có giao kết hợp đồng lao động thì việc bạn bị cho nghỉ việc mà không được thông báo trước là trái quy định của Pháp luật. Người sử dụng lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi thỏa mãn các điều kiện tại Điều 38 Bộ Luật Lao động. Nếu cửa hàng và bạn chưa ký hợp đồng lao động nhưng bạn đã làm việc ở cửa hàng được trên 1 năm thì có thể coi là bạn đang làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn như định nghĩa về hợp đồng xác định thời hạn tại điểm b, khoản 1, điều 22, Bộ luật lao động. Do đo, theo Điều 38 thì công ty cũng ít nhất phải bảo trước cho bạn 30 ngày .

Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”.

Khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì theo quy định tại điều 42 Bộ Luật Lao động 2012:

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước”.

Về vấn đề tiền lương, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì người sử dụng lao động vi phạm quy định về chế độ tiền lương sẽ bị xử lý như sau:

Điều 13 – Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Vi phạm quy định về tiền lương

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;

b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này”.

Vì vậy trong trường hợp của bạn, bạn có thể khiếu nại trực tiếp đến chủ cửa hàng nội dung kể trên hoặc báo lên Thanh tra lao động để được giải quyết. Bên cạnh đó bạn cũng có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cửa hàng đó đặt trụ sở để đòi quyền lợi theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, vấn đề tiền lương của bạn với cửa hàng nảy sinh từ mâu thuẫn giữa bạn anh quản lý, bạn nên tìm cách hòa giải cùng anh ta để tránh những thủ tục phức tạp khi khởi kiện.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.