Sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng thương mại

Điều khoản bất khả kháng là một trong những điều khoản cần có trong hợp đồng thương mại. Đây là sự thỏa thuận giữa các bên trong vấn đề miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp gặp sự kiện bất khả kháng, được quy định trong pháp luật dân sự, thương mại hiện hành.

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Sự kiện bất khả kháng là gì?

Cụm từ "bất khả kháng" là cụm từ Hán - Việt có nghĩa là không có khả năng chống lại, ngăn cản.
Trong Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng được định nghĩa là "sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Đây là nội dung trong phần quy định về thời hiệu khởi kiện dân sự, tuy nhiên có thể dựa vào tinh thần pháp luật chứa đựng trong nội dung này để áp dụng trong các hợp đồng thương mại.

Quy định pháp luật là như vậy, nhưng trên thực tế để xem xét một sự kiện có phải sự kiện bất khả kháng không thì rất khó định nghĩa rõ. Chưa có một văn bản pháp luật chính thức nào quy định cụ thể về các trường hợp bất khả kháng, nhiều quan điểm của các nhà lập pháp và hành pháp cho rằng sự kiện bất khả kháng bao gồm nhưng không giới hạn các trường hợp thiên tai, động đất, hỏa hoạn, chiến tranh, đình công, bạo loạn, thay đổi chính sách pháp luật của nước sở tại, thay đổi chính quyền...

Theo đó, sự kiện bất khả kháng nằm ngoài ý chí chủ quan của các bên và các bên không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và ngăn chặn được, dẫn đến không thể thực hiện hoặc không thể thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ theo thỏa thuận đã giao kết. Trong trường hợp gặp sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm có thể được miễn trách nhiệm bồi thường, phạt vi phạm, hoặc được giảm trừ giá trị hợp đồng phải bồi thường theo thỏa thuận của các bên và theo pháp luật quốc gia quy định.

Điều khoản bất khả kháng cần được ghi nhận như thế nào trong Hợp đồng thương mại?

Việc miễn trừ trách nhiệm do điều kiện bất khả kháng là một trong những điều kiện có lợi cho bên vi phạm, chính vì vậy nếu không quy định cụ thể, chặt chẽ về điều khoản bất khả kháng, các bên rất có khả năng lợi dụng điều khoản này cho hành vi không thiện chí thực hiện hợp đồng của mình. Nhiều hợp đồng có quy định điều khoản bất khả kháng, tuy nhiên không đủ rõ ràng.

Nếu chỉ dựa vào khái niệm trong quy định pháp luật để áp dụng thì rất khó xác định sự kiện bất khả kháng, vì vậy các bên nên thỏa thuận về điều khoản bất khả kháng với nội dung: định nghĩa về điều khoản bất khả kháng (nên cụ thể các trường hợp được coi là bất khả kháng trong điều kiện/hoàn cảnh của hai bên), cách xử lý những thiệt hại do gặp phải sự kiện bất khả kháng (ví dụ: bên vi phạm có nghĩa vụ thông báo ngay hoặc trong thời hạn ... ngày cho bên bị vi phạm bằng văn bản/thư điện tử/...), nghĩa vụ thông báo cho bên bị thiệt hại của bên vi phạm, nghĩa vụ bồi thường, giảm trừ/miễn trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng (ví dụ: trường hợp một bên vi phạm do gặp phải sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm có thể được miễn trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm thanh toán chi phí phạt vi phạm, hoặc giảm chi phí bồi thường/phạt vi phạm).

Trường hợp sự kiện bất khả kháng xảy ra, một trong các bên cần áp dụng tất cả các biện pháp có thể để hạn chế thiệt hại gia tăng cho cả hai bên với tinh thần thiện chí, cùng hợp tác để giảm thiểu tối đa mức độ vi phạm hợp đồng và thiệt hại cho bên bị vi phạm.

Điều khoản bất khả kháng rất quan trọng với doanh nghiệp đặc biệt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhiều thiên tai bão lũ như ở Việt Nam, hay thậm chí là sự không ổn định trong hành lang pháp lý, chính trị của một số quốc gia trên thế giới, sự khác biệt văn hóa giao thương, cách biệt ngôn ngữ trong giao kết hợp đồng thương mại quốc tế.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong quá trình mở rộng phạm vi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần lưu ý đến những vấn đề trong giao kết hợp đồng, không ngừng nâng cao hiểu biết về pháp luật hợp đồng, cân nhắc các dịch vụ pháp lý của các đơn vị cung cấp d phòng tránh và ngăn chặn, hạn chế rủi ro trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Đây là một số lưu ý nhỏ trong quá trình soạn thảo hợp đồng và rà soát, thẩm định rủi ro pháp lý trước khi ký kết hợp đồng.

Luật gia Nguyễn Bích Phượng - Phòng Dân sự - Thương mại của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, tổng hợp.

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail:info@everest.net.vn.