Sở hữu trí tuệ là một tài sản đặc biệt của doanh nghiệp

Tài sản vô hình lại là tài sản có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong thời đại giá trị doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào tài sản trí tuệ.

Tài sản của doanh nghiệp có thể được chia làm hai loại chính: tài sản hữu hình - bao gồm nhà xưởng, máy móc, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng và tài sản vô hình - bao gồm nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật, ý tưởng, nhãn hiệu, kiểu dáng và những kết quả vô hình khác có được từ khả năng sáng tạo và đổi mới của họ.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo truyền thống, tài sản hữu hình chiếm phần lớn giá trị của doanh nghiệp, và được coi là có vai trò quyết định đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Trong những năm gần đây, tình hình đã có nhiều thay đổi. Nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự phát triển của nền kinh tế dịch vụ, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng tài sản vô hình của họ có giá trị lớn hơn so với các tài sản hữu hình. Theo như Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng nhấn mạnh: "Tài sản vô hình lại là tài sản có ý nghĩa nhất đối với doanh nghiệp trong thời đại giá trị doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào tài sản trí tuệ. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khi chúng ta đang nói nhiều về nền kinh tế tri thức”.

Ngày nay, các nhà kho và xưởng sản xuất đang dần được thay thế bởi những phần mềm siêu việt hay những ý tưởng sáng tạo - được coi là nguồn thu nhập chính của phần lớn các doanh nghiệp trên thế giới. Thậm chí trong các lĩnh vực mà kỹ thuật sản xuất truyền thống vẫn còn giữ vai trò chủ đạo thì sự đổi mới và sáng tạo không ngừng ngày càng trở thành chìa khóa nhằm nâng cao năng lực cạnh trạnh tại các thị trường cạnh tranh khốc liệt, cho dù đó là thị trường trong nước hay quốc tế. Do đó, các tài sản vô hình đang có vai trò trung tâm và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tìm ra cách thức sử dụng có hiệu quả các tài sản vô hình của họ.

Một cách thức quan trọng để thực hiện được việc này là bảo hộ pháp lý các tài sản vô hình và đăng ký và duy trì quyền sở hữu trí tuệ, nếu thỏa mãn các điều kiện về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là SHTT).

Quyền sở hữu trí tuệ có thể có được, đặc biệt là đối với các loại tài sản vô hình sau:
  1. Sản phẩm hoặc quy trình có tính sáng tạo (thông qua việc bảo hộ sáng chế hay giải pháp hữu ích);
  2. Tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và văn học (ở một số nước còn bảo hộ cả phần mềm máy tính và bộ sưu tập tài liệu) (thông qua việc bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan);
  3. Các kiểu dáng sáng tạo, kể cả kiểu dáng đối với sản phẩm dệt may (thông qua việc
  4. bảo hộ kiểu dáng công nghiệp);
  5. Các dấu hiệu có tính phân biệt (phần lớn là thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu, bao gồm nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận; tuy nhiên, có những dấu hiệu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý);
  6. Mạch tích hợp điện tử (thông qua việc bảo hộ thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn);
  7. Tên gọi của hàng hóa có chất lượng hoặc danh tiếng nhất định được tạo nên do xuất xứ địa lý (thông qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý); và
  8. Bí mật thương mại (thông qua việc bảo hộ thông tin bí mật có giá trị thương mại).

Tuy lượng đăng ký về quyền sở hữu trí tuệ tăng khá nhanh, nhất là khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới: Năm 2000 có quãng 10.000 nhãn hiệu đăng ký, năm 2005 trên 20.000 nhãn hiệu được đăng ký. Lượng sáng chế và kiểu dáng công nghiệp cũng tăng hơn. Đặc biệt, số nhãn hiệu tăng hơn 25%/năm so với trước đây, các nhãn hiệu của nước ngoài trước chiếm áp đảo khoảng 70% đến 80% thì hiện giờ ngang nhau. Điều này chứng tỏ ý thức của doanh nghiệp về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chưa thực sự am hiểu những quy định về việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Luật doanh nghiệp năm 2014 cho phép nhà đầu tư được quyền góp vốn bằng giá trị quyền SHTT với tư cách là một loại tài sản vô hình để tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh (Điều 35). Theo đó, quyền SHTT được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền SHTT khác theo quy định của pháp luật. Giá trị quyền SHTT phải được định giá và quy đổi thành tiền theo nguyên tắc nhất trí. Trên thực tế đã có nhiều thương vụ góp vốn bằng thương hiệu như Vinashin hay Sông Đà, mặc dù gặp khá nhiều vấn đề trong việc thực hiện.

Trong các trường hợp, cổ phần hóa, góp vốn, li-xăng hay chuyển nhượng quyền sở hữu… đều buộc doanh nghiệp phải định giá tài sản trí tuệ. Cần phải xác định rõ sự khác nhau giữa giá cả và giá trị của một tài sản SHTT. Việc định giá tài sản SHTT để thực hiện các hoạt động trên nhằm xác định được giá bằng đồng Việt Nam, phục vụ cho các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, góp vốn. Do giá trị của tài sản SHTT là vô hình, không như hàng hóa có thể cân, đo hay xác định được chi phí sản xuất, nên cách thức xác định giá sao cho chuẩn nhất luôn được chú trọng. Tùy thuộc vào mục đích và đối tượng định giá mà có thể áp dụng nhiều phương pháp định giá khác nhau. Có thể sử dụng phương pháp định giá tiếp cận thu nhập, tính toán giá trị của tài sản trí tuệ dựa trên bản chất của tài sản trí tuệ và được đánh giá trên cơ sở lợi ích kinh tế mà tài sản đó mang lại; hoặc định giá theo phương pháp tiếp cận chi phí và định giá tiếp cận thị trường.

Hiện nay các thương hiệu lớn được định giá thương hiệu để khẳng định chỗ đứng trên thị trường, nên thường dựa vào các tiêu chí như: khả năng làm tăng giá trị sản phẩm của một thương hiệu; mức độ ảnh hưởng đối với quyết định mua của khách hàng; chi phí để xây dựng thương hiệu thành công; giá trị mua bán trên thị trường chứng khoán; và khả năng tạo ra lợi nhuận của thương hiệu.

Luật gia Lâm Tiến Tân - Phòng Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail:info@luatviet.net.vn,info@everest.net.vn.