Phân chia phần đất thổ mộ đứng tên chung như thế nào?

Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất...

Hỏi: Ông bà ngọai tôi có chung với nhau bốn người con. Đến năm 1945, ông bà mất để lại phần đất 10.500 m2 nhưng không có di chúc. Năm 1994 thì họp mặt các con và được chia làm 5 phần (bốn phần chia đều cho các con, 1 phần dành riêng làm đất thổ mộ chung) - mỗi người con đều giữ 1 tờ giấy cam kết cho phần chia thổ mộ này và có xác nhận của chính quyền điạ phương. Năm 1996 Cậu Sáu (1 trong những người con) tự ý đứng ra kê khai với chính quyền để được quyền sử dụng đất trên phần đất thổ mộ này mà không có sự đồng ý của 3 người đồng sở hữu còn lại. Đến thời điểm hiện nay khi 4 người con (người đứng tên trong giấy cam kết phân chia thổ mộ) đều mất. Một trong những người con của cậu Sáu (người tự ý đứng chủ quyền đất) lại tự động phân chia phần đất thổ mộ này cho các con của cậu Sáu. Đề nghị Luật sư tư vấn, việc tự ý kê khai sở hữu quyền sử dụng đất trên phần đất thổ mộ này của cậu Sáu tôi có đúng không? Tôi là cháu ngọai (hiện tại mẹ đã mất) thì việc phân chia này tôi có quyền can thiệp để giữ lại phần đất thổ mộ này hay không? Nếu được phân chia thì chia như thế nào là đúng? (Lương Thu Thủy - Hải Phòng)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau: “2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện".

Theo đó, trong trường hợp này 04 người con đã thỏa thuận dành riêng 1 mảnh đất được thừa kế để làm đất thổ mộ chung (mỗi người đều có 1 giấy cam kết và có xác nhận của địa phương), tuy nhiên đến năm 1996, một trong những người con đã tự ý đứng ra kê khai với chính quyền để được quyền sử dụng đất trên phần đất thổ mộ này mà không có sự đồng ý của 3 người đồng sở hữu còn lại là hoàn toàn vi phạm nguyên tắc đã nêu ở trên. Do đó việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người con này là trái pháp luật và không có giá trị pháp lý. Anh (chị) có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất thổ mộ kia của người cậu này.

Cụ thể quy định về thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trái pháp luật như sau: “2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây: d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai. 3. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai” (Điều 106 Luật đất đai năm 2013).

Sau khi nhà nước đã thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cậu anh (chị), anh (chị) có thể đưa ra giấy cam kết chia phần thổ mộ của 4 người (đã có xác nhận của chính quyền) để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung có tên của những người đại diện thừa kế mảnh đất từ 4 người con ban đầu. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng sở hữu, việc phân chia, tách thửa là do sự thỏa thuận của anh (chị) với những những người đồng sở hữu còn lại.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.