Phân biệt giải thể với các trường hợp chấm dứt hoạt động khác của doanh nghiệp

Việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như giải thể doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp hay là phá sản doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường như hiện nay đã giúp nền kinh tế mang tính cạnh tranh cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn nỗ lực để cạnh tranh và phát triển. Điều này cũng dẫn đến một thực tế là việc một bộ phận doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh, kinh doanh thua lỗ là điều không tránh khỏi. Chủ doanh nghiệp luôn phải có những chiến lược để tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Phân biệt giải thể doanh nghiệp với chấm dứt tồn tại khi tổ chức lại doanh nghiệp

Các trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Trong các cách thức tổ chức lại doanh nghiệp nêu trên, có một số trường hợp dẫn đến việc chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp như đối với trường hợp chia, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chấm dứt tồn tại doanh nghiệp khi tổ chức lại doanh nghiệp có những điểm khác cơ bản với việc chấm dứt tồn tại khi giải thể doanh nghiệp:

Thứ nhất, khác nhau về chủ thể quyết định.

Đối với giải thể doanh nghiệp thì chủ thể quyết định là chủ doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì buộc phải tiến hành giải thể. Đối với tổ chức lại doanh nghiệp thì chủ thể quyết định là chủ doanh nghiệp.

Thứ hai, khác nhau về nguyên nhân quyết định.

Nguyên nhân của giải thể doanh nghiệp có thể là xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ sở hữu doanh nghiệp khi mà mục đích của doanh nghiệp không đạt được và cũng có thể xuất phát từ ý chí của nhà nước khi mà điều kiện tồn tại của doanh nghiệp không còn hoặc do doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Trong khi việc tổ chức lại doanh nghiệp chỉ có thể xuất phát từ nguyên nhân duy nhất là do ý chí của chủ doanh nghiệp. Nhà nước với vai trò quản lý không thể can thiệp buộc doanh nghiệp phải tổ chức lại.

Thứ ba, khác nhau ở mục đích khi tiến hành thủ tục.

Mục đích của việc giải thể doanh nghiệp là nhằm chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do việc kinh doanh không đạt hiệu quả như mong muốn. Việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp sẽ có lợi hơn đối với chủ doanh nghiệp. Còn mục đích của tổ chức lại doanh nghiệp là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc chuyển đổi cơ cấu tổ chức, quản lý của doanh nghiệp để phù hợp với nhu cầu, điều kiện của doanh nghiệp nhưng không làm chấm dứt sự tồn tại, các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Thứ tư, khác nhau ở thời điểm hoàn thành thủ tục.

Đối với giải thể doanh nghiệp thì thủ tục giải thể được xem là hoàn thành khi mà cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý đã giải thể của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Khi đó các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xem như chấm dứt. Đối với tổ chức lại doanh nghiệp, có thể doanh nghiệp cũng sẽ bị chấm dứt tồn tại như đối với trường hợp chia, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp nhưng không thể xem đây là thời điểm hoàn thành thủ tục. Thủ tục này chỉ được coi là hoàn thành khi các doanh nghiệp mới được thành lập.

Thứ năm, khác nhau ở hậu quả pháp lý.

Đối với giải thể doanh nghiệp, sau khi hoàn thành thủ tục thì doanh nghiệp được xem là đã giải thể nghĩa là chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp không được kế thừa. Chủ doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu việc giải thể doanh nghiệp thực hiện không đúng pháp luật. Nhưng đối với việc tổ chức lại doanh nghiệp thì về bản chất, các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đó vẫn được kế thừa trong các doanh nghiệp được thành lập mới hoặc đăng ký thay đổi do tổ chức lại.

Phân biệt giải thể doanh nghiệp với phá sản doanh nghiệp

Nếu nhìn vào hiện tượng thì giữa giải thể và phá sản có thể có những điểm trùng hợp như đều đưa đến hệ quả pháp lý là chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, diễn ra quá trình phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp, giải quyết quyền lợi cho người lao động… Tuy nhiên, xét về bản chất, giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp là hai trường hợp khác nhau:

Về nguyên nhân của hiện tượng: Giải thể doanh nghiệp xuất phát từ nhiều lý do như chủ doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh hoặc hết thời hạn kinh doanh hoặc đã hoàn thành được mục tiêu đã định hoặc không thể tiếp tục kinh doanh vì làm ăn thua lỗ. Hoặc doanh nghiệp phải tiến hành giải thể theo yêu cầu quản lý nhà nước khi mà doanh nghiệp không còn đủ điều kiện tồn tại theo luật định hoặc có vi phạm pháp luật. Trong khi đó, phá sản doanh nghiệp chủ yếu xuất phát từ việc doanh nghiệp lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.

Về chủ thể quyết định giải thể: Giải thể doanh nghiệp về cơ bản là theo quyết định của chủ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp rơi vào các trường hợp giải thể thì chủ doanh nghiệp trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu là tổ chức tiến hành thủ tục ra quyết định giải thể. Trên cơ sở quyết định giải thể này doanh nghiệp sẽ tiến hành các thủ tục để giải thể. Đối với hình thức giải thể bắt buộc theo ý chí của nhà nước thì sau đó chủ doanh nghiệp vẫn là chủ thể ra quyết định giải thể và tiến hành thủ tục giải thể. Trong khi đối với phá sản doanh nghiệp thì chỉ có Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định mở thủ tục phá sản và tuyên bố phá sản.

Về trình tự, thủ tục thực hiện: Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục hành chính, chủ yếu do cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện còn phá sản là một thủ tục tư pháp do Tòa án thực hiện.

Về điều kiện tiến hành: Doanh nghiệp chỉ được tiến hành giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp. Trong khi đó, đối với phá sản, doanh nghiệp bị áp dụng thủ tục phá sản khi mất khả năng thanh toán nợ. Cụ thể, khi doanh nghiệp giải thể thì các nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp phải được đảm bảo thanh toán đầy đủ. Trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, Tòa án có thể áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh, khi thủ tục phục hồi kinh doanh không hiệu quả Tòa án ra quyết định thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản. Do mất khả năng trả nợ nên các khoản nợ chỉ được thanh toán trong phạm vi giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp.

Về thủ tục thanh lý tài sản: Khi giải thể, về nguyên tắc doanh nghiệp sẽ thanh toán tất cả các khoản nợ nên doanh nghiệp sẽ chủ động và có thể trực tiếp đứng ra thanh toán các khoản nợ cho chủ nợ. Trong khi phá sản, do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ nên quyền của doanh nghiệp đối với tài sản bị hạn chế. Phần tài sản còn lại của doanh nghiệp (tài sản phá sản) phải giao cho cơ quan trung gian là Tổ quản lý, thanh lý tài sản (do Tòa án quyết định thành lập) để quản lý và thanh toán cho các chủ nợ.

Về chế tài đối với người chịu trách nhiệm quản lý điều hành doanh nghiệp: Đối với người quản lý điều hành doanh nghiệp bị giải thể thì vấn đề giới hạn quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp không được đặt ra. Tuy nhiên, người quản lý điều hành doanh nghiệp bị phá sản sẽ bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị phá sản. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do giải thể doanh nghiệp xuất phát từ ý chí của chủ doanh nghiệp còn phá sản là do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản nợ mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự quản lý điều hành yếu kém, sai lầm của người quản lý điều hành doanh nghiệp.

Về hệ quả pháp lý của thủ tục: Nếu như giải thể bao giờ cũng dẫn đến việc chấm dứt hoạt động, xóa sổ doanh nghiệp trên thực tế thì việc phá sản doanh nghiệp không phải bao giờ cũng có kết cục như vậy. Có những trường hợp chỉ dẫn đến sự thay đổi chủ doanh nghiệp mà thôi (ví dụ một người nào đó mua lại toàn bộ doanh nghiệp để tiếp tục sản xuất kinh doanh) hoặc trong trường hợp Tòa án áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh trong quá trình áp dụng thủ tục phá sản. Nếu thủ tục phục hồi kinh doanh có hiệu quả thì Tòa án sẽ quyết định đình chỉ thủ tục phá sản của doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại. Như vậy, sau khi áp dụng thủ tục phá sản thì về mặt pháp lý, doanh nghiệp vẫn có thể tồn tại.

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Phòng tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198,hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn,info@everest.net.vn.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật Sở hữu trí tuệ Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.