Mẹ chưa đủ tuổi kết hôn có được khai sinh cho con không?

Điều 29 Bộ luật Dân sự quy định:"Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh”.

Hỏi: Em gái tôi năm nay 17 tuổi vừa mới sinh con được 16 ngày. Vì em tôi chưa đủ tuổi kết hôn nên không có giấy đăng ký, gia đình tôi không biết phải làm giấy khai sinh cho cháu bé thế nào? Xin hỏi theo quy định của pháp luật, chúng tôi làm đăng ký khai sinh thế nào? Trong giấy có ghi tên bố không? (Bùi Trang - Hà Nội)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Đào Thị Thu Hường - Tổ tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Điều 29 Bộ luật Dân sự quy định:"Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng nêu rõ: “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”.

Đối chiếu với trường hợp của bạn mặc dù em bạn sinh con khi chưa đủ tuổi kết hôn nhưng theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, cháu bé con của em bạn vẫn có quyền được đăng ký khai sinh và ghi tên bố, mẹ trong giấy khai sinh.

Tuy nhiên cần lưu ý, do giữa em gái bạn và bố đứa trẻ chưa tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nên con của 2 người sẽ là con ngoài giá thú. Vì vậy, nếu muốn ghi tên bố trong giấy khai sinh của cháu bé thì phải làm thủ tục nhận cha con tại cơ quan hộ tịch cấp xã, nếu thấy việc nhận con là đúng quy định của pháp luật, UBND xã sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.

Về thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bé vẫn thực hiện như việc đăng ký khai sinh thông thường được quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014, cụ thể: “Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh 1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật. 2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân…”.

Thủ tục đăng ký nhận cha con được quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch như sau: “Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con 1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. 2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc”.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.