Không ký biên bản VPHC sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

Hỏi: CSGT dừng xe của tôi và lập biên bản lỗi vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, tôi cho rằng mình không vi phạm, vì trước khi qua ngã tư, tôi đã quan sát thấy đèn tín hiệu màu xanh nên mới đi. Đề nghị luật sư tư vấn, nếu tôi không đồng ý ký vào biên bản, CSGT có thể phạt tôi không (Nguyễn Hoàng, Hà Nội)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật sư Nguyễn Minh Hải - Tổ tư vấn pháp luật hành chính Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Trước tiên, Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012 có liên quan tới tình huống anh nêu, như sau:

“Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh VPHC. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không VPHC”(điểm đ khoản 1 Điều 3);

“Biên bản VPHC phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn VPHC và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về VPHC của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến”(khoản 2 Điều 58).

Như vậy, trường hợp anh không ký biên bản, CSGT vẫn lập biên bản VPHC và lấy chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

Tuy nhiên, để ra quyết định xử phạt anh, CGST có trách nhiệm chứng minh VPHC của anh. Do anh không đồng ý với ý kiến của CSGT và ký vào biên bản VPHC, CSGT sẽ phải thực hiện xác minh các tình tiết vụ việc. Cụ thể, thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, lời khai nhân chứng, hoặc biện pháp nghiệp vụ khác.... CSGT sẽ làm rõ có hay không có vi phạm, ai là người thực hiện hành vi VPHC, lỗi của người vi phạm... Giả thiết, CSGT chứng minh được anh có hành vi VPHC, anh vẫn bị xử phạt.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.