Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc điểm pháp lý

Luật sư tư vấn về chủ thể, hình thức tổ chức, tư cách pháp lý, trách nhiệm tài sản. Nhằm đưa ra những đặc điểm pháp lý giúp những nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn tổng quan và hiểu biết pháp luật khi hoạt động thành lập hoặc góp vốn/mua cổ phần tai Việt Nam.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam trong đó có sự tham gia của các cá nhân mang quôc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập ở nước ngoài với tư cách là chủ sở hữu sở hữu toàn bộ hoặc một phần vốn trong doanh nghiệp.


Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198



Quy định của pháp luật về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực ngày 01/07/2015 không trực tiếp đưa ra khái niệm về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà đưa ra khái niệm về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.

Tại khoản 16 Điều 3 của Luật này thì quy định: “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Từ hai quy định này chúng ta có thể hiểu rằng: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Những đặc điểm pháp lý được nêu cụ thể như sau:

Một là, về chủ đầu tư.


Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải có sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập ở nước ngoài, họ chịu sự chi phối lớn của quốc gia mà họ mang quốc tịch. Nhưng khi thực hiện đầu tư vào một tổ chức kinh tế ở Việt Nam, cụ thể là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, thì các nhà đầu tư nước ngoài này phải đáp ứng được các điều kiện về chủ thể kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài này phải không thuộc vào các trường hợp bị cấm thành lập, góp vốn, mua cổ phần, quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan.

Một đặc trưng nữa liên quan đến chủ đầu tư của doanh nghiệp có vốn nước ngoài đó chính là tỷ lệ vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp. Các nhà đầu tư này có thể sở hữu từ trên 0% đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Việc họ sở hữu tỷ lệ vốn góp bao nhiêu không chỉ quyết định đến quyền và nghĩa vụ của họ mà còn quyền định đến việc áp dụng quy định pháp luật nào đối với doanh nghiệp đó. Cùng được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng nếu như có sự khác biệt về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thì có thể sẽ có những quy định khác nhau về điều kiện, thủ tục khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ đó sẽ do pháp luật quy định theo từng giai đoạn cụ thể.

Hai là, về hình thức tổ chức của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.


Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được tổ chức dưới các hình thức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, ở Việt Nam có bốn hình thức doanh nghiệp là: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Trước đây, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chịu sự điều chỉnh của hệ thống quy định pháp luật riêng, tách bạch so với các nhà đầu tư trong nước thì hình thức tổ chức của loại doanh nghiệp này do các nhà làm luật định sẵn. Với quan điểm hạn chế rủi ro một cách tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài và cũng để phục vụ cho mục đích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cùng với việc đảm bảo yêu cầu quản lý lúc bấy giờ, pháp luật quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tồn tại ở hai hình thức đó là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Tuy nhiên, hiện nay khi chúng ta xây dựng sân chơi chung, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư, thì pháp luật không còn ấn định hình thức tổ chức riêng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng giống như các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của mình để thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Do đó, bản thân họ sẽ chủ động hơn trong việc tìm hiểu và lựa chọn hình thức tổ chức. Căn cứ theo pháp luật doanh nghiệp về mỗi loại hinh doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn, thì hình thức tổ chức có thể là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 100% vốn thì hình thức tổ chức là các loại hình công ty: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Ba là, về tư cách pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.


Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà họ đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam. Trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân (không có tư cách pháp nhân), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo các hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh đều có tư cách pháp nhân.

Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Bốn là, về trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ có thể là một cá nhân có quốc tịch nước ngoài. Do không có sự phân tách về mặt tài sản giữa chủ sở hữu và doanh nghiệp nên chủ sở hữu doanh nghiệp có vốn đâu tư nước ngoài trong trường hợp này sẽ phải chịu trách nhiệm bàng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập dưới hình thức là các loại hình công ty (có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức), do có tư cách pháp nhân, nên trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong trường hợp này được phân tách rõ ràng thành: trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp và trách nhiệm tài sản của các nhà đầu tư là thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp đó. Về nguyên tắc, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng toàn bộ vốn và tài sản của doanh nghiệp. Còn đối với các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định tương ứng đối với hình thức tổ chức của doanh nghiệp. Nếu tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các nhà đầu tư sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Nếu hình thức tổ chức là công ty hợp danh, các nhà đầu tư là thành viên hợp danh của công ty này sẽ phải cùng nhau chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, nêu là thành viên góp vốn thì chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest


Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi những ý kiến này có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.