Đất đã sử dụng ổn định 15 năm, nay người khác đòi lại, phải làm thế nào?

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Hỏi: Trước đây ông ngoại của tôi có xin của dòng họ một mảnh đất để xây dựng nhà ở. Lúc đó mọi người không làm giấy tờ gì. Thửa đất lúc đó cũng chưa có sổ đỏ. Tính đến nay nhà của tôi xây dựng cũng đã trên 15 năm. Chủ đất hiện nay là bà cô họ quay về, đòi dỡ bỏ nhà của tôi và lấy lại đất. Đề nghị Luật sư tư vấn, pháp luật có quy định như thế nào về trường hợp của nhà tôi không? Liệu cô tôi có quyền đòi lại không? Nếu có thì quy định cụ thể như thế nào? (Trần Anh - Hải Phòng)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật đất đai Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Về điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoản 2 Điều 101 Luật đất đai năm 2013 quy định:

"Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Như vậy, nếu gia đình anh (chị) đã sử dụng đất ổn định được 15 năm, tuy nhiên mảnh đất mà gia đình anh (chị) sử dụng đang có tranh chấp với người cô họ, do vậy muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này thì trước tiên phải giải quyết tranh chấp về đất đai.

Về việc giải quyết tranh chấp:Việc xác định ai là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với mảnh đất trên phụ thuộc vào các giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất (nếu có) hoặc trong suốt quá trình sử dụng đất .

Vì anh (chị) cung cấp thông tin chưa đầy đủ và cụ thể, do vậy chúng tôi chỉ tư vấn như sau:

Trường hợp người cô họ của anh (chị) có căn cứ để đòi lại đất thì khi trả lại đất trong trường hợp này, gia đình anh (chị) sẽ được bồi thường các chi phí đã đầu tư vào đất. Bởi vì, như anh (chị) trình bày thì đất đó là của dòng họ. Ông ngoại anh (chị) đã xin phép được sử dụng mảnh đất đó và được cho phép xây dựng nhà ở trên đất.Tuy nhiên, toàn bộ mảnh đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó căn cứ để đòi lại đất trong trường hợp này rất ít, nếu có người làm chứng về việc ông anh (chị) đã được những người trong dòng họ cho đất để xây dựng nhà ở, có xác nhận của UBND xã về việc gia đình anh (chị) đã sử dụng đất lâu dài, ổn định thì gia đình anh (chị) đủ điều kiện để được sử dụng hợp pháp mảnh đất trên.

Để được giải quyết tranh chấp, Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật đất đai, gia đình anh (chị) phải làm đơn yêu cầu UBND xã tiến hành giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục hoà giải.

Nếu sau khi UBND xã hoà giải mà không thành thì có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án nhân dân cấp Huyện hoặc UBND cấp huyện nơi có đất để được giải quyết.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.