Căn cứ để khởi kiện đòi nợ trong hợp đồng mua bán?

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự...

Hỏi: Trong năm 2013, công ty tôi có kinh doanh mua bán với khách hàng A ( là cá nhân hộ cá thể có đăng ký kinh doanh), có hợp đồng mua bán, nhưng không xuất đủ hóa đơn GTGT. Cuối năm 2013, khách hàng A không thanh toán tiền hàng đã mua của công ty tôi, công ty tôi có tiến hành đối chiếu công nợ vào tháng 4/2013, có xác nhận nợ của khách hàng A, cam kết trả nợ theo kỳ hạn. Nhưng đến hạn (tháng 2/2015), khách hàng A không thanh toán được số nợ trên. Đến tháng 3/2015 Khách hàng A có văn bản gửi công ty xin hoãn nợ. Như vậy, theo luật sư, với hợp đồng mua bán, giấy xác nhận nợ, phản hồi nợ của A (nhưng không có hóa đơn bán hàng giữa công ty tôi và A), tôi có thể kiện khách hàng A ra tòa được không? ( Hạ Vy - Hà Nội)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lê Thị Hồng Sơn - Tổ tư vấn pháp luật kế toán - thuế của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo như thư bạn gửi cho chúng tôi,hiện tại bạn đang có các giấy tờ sau: hợp đồng mua bán, giấy xác nhận nợ, phản hồi nợ của A . Những giấy tờ này nếu được lập một cách hợp pháp và không có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội thì sẽ có giá trị chứng cứ theo qui định tại điều 81 của Bộ luật Tố tụng Dân sự về Chứng cứ như sau:

"Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự."

Điều 82. Nguồn chứng cứ

"Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;

2. Các vật chứng;

3. Lời khai của đương sự;

4. Lời khai của người làm chứng;

5. Kết luận giám định;

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;

7. Tập quán;

8. Kết quả định giá tài sản;

9. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định."

Do đó, nếu còn giữ các giấy tờ này, bạn có thể giao nộp cho Tòa án để đưa vào làm chứng cứ chứng minh nghĩa vụ trả nợ của bên A. Đây có thể là những chứng cứ có giá trị để chứng minh nghĩa vụ của bên A đối với bạn. Tuy nhiên, trong quá trình tập hợp chứng cứ để nộp cho Tòa án, bạn cần phải lưu ý một số qui định sau:

Điều 83. Xác định chứng cứ

"1. Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

2. Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

3. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.

4. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên toà.

5. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định và có chữ ký của các thành viên tham gia thẩm định.

7. Tập quán được coi là chứng cứ nếu được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận.

8. Kết quả định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định hoặc văn bản do chuyên gia về giá cả cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này."

Điều 84. Giao nộp chứng cứ

"1. Trong quá trình Toà án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Toà án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Việc đương sự giao nộp chứng cứ cho Toà án phải được lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Toà án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ giữ.

3. Đương sự giao nộp cho Toà án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp."

Do đó, trong trường hợp của bạn cho dù không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, với những giấy tờ mà bạn đang có, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền với yêu cầu bên A thực hiện nghĩa vụ của họ theo hợp đồng.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Kế toán mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.