Biện pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý trong tổ chức quản lý doanh nghiệp tư nhân

Luật sư tư vấn các biện pháp giúp doanh nghiệp kiểm soát và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh với mức thấp nhất.

Các rủi ro pháp lý trong vấn đề kinh doanh là điều không thể tránh khỏi. Nguyên nhân chính phát sinh ra các rủi ro có thể kể đến đầu tiên là do người được thuê quản lý doanh nghiệp tư nhân không có năng lực về quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, rủi ro trên cũng có thể bắt nguồn từ sự chủ quan và không có ý thức tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng thuê quản lý doanh nghiệp hoặc bắt nguồn từ sự cổ ý của người được thuê quản lý doanh nghiệp tư nhân nhằm toan tính xâm phạm, trục lợi bất hợp pháp tài sản lợi ích của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, tuân thủ các quy định pháp luật về tổ chức quản lý doanh nghiệp.


Trong những văn bản pháp luật đều có các quy định về những điều doanh nghiệp tư nhân được làm, những việc doanh nghiệp tư nhân không được làm hoặc cấm làm; những việc được làm đi cùng với các điều kiện, quyền lựa chọn, thời gian văn bản pháp luật về việc cấm làm có hiệu lực... Để kiểm soát rủi ro pháp lý về việc tổ chức quản lý doanh nghiệp trong việc ra các quyết định quản lý, chủ sở hữu doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp cần rà soát các quy định pháp luật để tránh thực hiện những việc luật cấm; đối với trường hợp luật cho phép được làm kèm theo các điều kiện doanh nghiệp cần đánh giá doanh nghiệp mình đã đáp ứng đúng và đầy đủ các điều kiện theo quy định chưa, nếu không đáp ứng được điều kiện luật quy định thì không nên làm.

Thứ hai, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý hoặc đề nghị sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thấm quyền.

Ngoài Luật Doanh nghiệp năm 2014, các quy định pháp luật về tổ chức quản lý doanh nghiệp tư nhân còn rải rác ở nhiều văn bản khác như Bộ luật Dân sự, các nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, việc ra quyết định đầu tư kinh doanh trong từng lĩnh vực cụ thể có thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành. Các văn bản pháp luật đó có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Nếu chủ sở hữu doanh nghiệp chưa thực sự hiểu chắc chắn về một điều luật liên quan đến quản lý doanh nghiệp mà "mạo hiểm" đưa ra các quyết định quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động đó theo quan điểm và cách thức nhìn nhận của mình thì doanh nghiệp sẽ có nguy cơ phải gánh chịu rủi ro pháp lý từ các quyết định này. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, chủ sở hữu doanh nghiệp có thể chọn cách gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn cho vụ việc của mình. Sau khi có được hướng dẫn chính thức bằng văn bản, doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch hoặc ý tưởng kinh doanh của mình. Hoặc cách thứ hai là chủ sở hữu doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp luật có uy tín để hỗ trợ cho việc ra quyết định quản lý doanh nghiệp chính xác, an toàn.

Thứ ba, thành lập bộ phận pháp chế của doanh nghiệp.


Cách thứ ba này áp dụng với những doanh nghiệp tư nhân có quy mô kinh doanh lớn. Doanh nghiệp tư nhân có quy mô càng lớn thì khả năng kiểm soát rủi ro pháp lý càng khó bởi vì những doanh nghiệp này thường có nhiều ngành nghề kinh doanh, sử dụng nhiều lao động, được tổ chức thành nhiều phòng ban, bộ phận ở nhiều cấp độ và có thể thuê nhiều người quản lý doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ pháp lý từ các công ty luật chuyên nghiệp với đội ngũ luật sư với chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm, đáp ứng được khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn... Nhưng cũng có thể, để chủ động hơn trong công việc, chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thành lập bộ phận pháp chế chuyên nghiệp, am hiếu kỹ càng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để tư vấn cho chủ doanh nghiệp tư nhân và những người quản lý doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro phát sinh từ hoạt động tổ chức quản lý doanh nghiệp.

Thứ tư, thỏa thuận chặt chẽ các điều khoản của hợp đồng thuê người quản lý và kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động quản lý của người được thuê quản lý doanh nghiệp tư nhân.


Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thuê người quản lý doanh nghiệp tư nhân, quan hệ này phải được thiết lập bằng hình thức pháp lý là hợp đồng. Luật Doanh nghiệp không quy định về nội dung của hợp đồng này. Xét về bản chất, hợp đồng thuê người quản lý doanh nghiệp tư nhân là một dạng hợp đồng dịch vụ thực hiện công việc có ủy quyền và được hưởng thù lao. Từ hợp đồng đó, việc quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân sẽ giao cho người khác. Người được thuê quản lý doanh nghiệp tư nhân có thể trục lợi cho họ hoặc do chủ quan, do hạn chế trong việc vận dụng pháp luật gây tổn thất, xâm phạm về lợi ích cho chủ doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, trước pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn là chủ sở hữu doanh nghiệp nên trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn bị ràng buộc trước cơ quan có thẩm quyền, trước các chủ thể có liên quan đến doanh nghiệp tư nhân.

Vì vậy, trước hết, chủ doanh nghiệp tư nhân và người được thuê quản lý điều hành phải thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng thuê người tổ chức quản lý doanh nghiệp tư nhân về những nội dung quan trọng sau:
(i) Phạm vi công việc được thuê quản lý;
(ii) Thời hạn được thuê quản lý;
(iii) Trách nhiệm cụ thể khi vượt quá phạm vi công việc được thuê quản lý;
(iv) Trách nhiệm của các bên đối với bên thứ ba khi người được thuê quản lý vượt quá phạm vi công việc và thời hạn được thuê quán lý;
(v) Trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm của các bên về nhừng trường hợp bất khả kháng;
(vi) Trách nhiệm, nghĩa vụ người được thuê quản lý phải bảo mật thông tin, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trong và sau quá trình được thuê quản lý doanh nghiệp.
Những nguyên lý chung về hợp đồng thuê quản lý doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của các bên được vận dụng theo quy định về đại diện tại chương IX; Điều 562 đến Điều 569 Bộ luật Dân sự năm 2015 và thỏa thuận cụ thể của các bên trong quan hệ thuê người quản lý doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, tiếp theo, chủ doanh nghiệp tư nhân phải thiết lập thủ tục kiểm soát hoạt động quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của người được thuê quản lý doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân kiểm tra phạm vi công việc người được thuê quản lý đã đang thực hiện thông qua kiểm tra các hợp đồng mà họ giao kết; kiểm tra hệ thống kế toán của doanh nghiệp để đưa ra các hướng xử lý khác nhau nhằm ngăn ngừa hoặc phát hiện, xử lý kịp thời những rủi ro về tổ chức, quản lý doanh nghiệp tư nhân.


Luật gia Trần Mỹ Hạnh - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.