Vụ chai Coca-Cola có dị vật: Coca Cola Việt Nam đuối lý và 'quên' quyền lợi khách hàng

Công ty Luật TNHH Everest đã đồng hành, kiên trì bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong suốt 04 năm (2011-2016) trong vụ án: chai Coca Cola có dị vật.

Trong quá trình tố tụng tại hai cấp xét xử, các luật sư của Công ty Luật TNHH Everest phản bác các quan điểm pháp lý từ đại diện Coca Cola Việt Nam. Các lập luận này đều được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Ý kiến phản bác của Coca Cola Việt Nam thiếu… logic.

  • Thứ nhất, về yêu cầu đòi người tiêu dùng phải hóa đơn của Coca Cola Việt Nam.

Đầu tiên là Coca Cola Việt Nam cho rằng, không xác định được đơn kiện là vụ kiện của người tiêu dùng vì: “Mua hàng thì hóa đơn đâu?”. Tiếp đến là hãng đưa ra yêu cầu khách hàng phải chứng minh được thiệt hại vì đã sử dụng chai nước ấy đâu mà thiệt hại (!?). Và đỉnh điểm là cách Coca Cola phủ nhận sản phẩm không phải do công ty sản xuất bằng thực nghiệm chai nước dễ dàng mở nắp để cho dị vật vào và đóng nguyên lại như cũ. Việc bắt bẻ khách phải xuất trình hóa đơn mua hàng, không thừa nhận “dị vật” trong chai là do khâu sản xuất… là khó có thể chấp nhận.

Luật sư Phạm Ngọc Minh cho rằng: Trong phiên xét xử, Coca Cola Việt Nam cho rằng người tiêu dùng cần chứng minh là người mua hàng và phải xuất trình hóa đơn mua hàng là yêu cầu khó có thể thực hiện được. Bởi lẽ, người tiêu dùng có thể mua một số chai nước về gia đình sử dụng tại các cửa hàng hoặc đại lý nhỏ lẻ (không phải siêu thị) nên thường không có giấy tờ hoặc hóa đơn. Hơn nữa, việc khách hàng mua hàng không lấy hóa đơn là thông lệ trong mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường, cũng là thói quen của hàng triệu người dân Việt nên cần được chấp nhận. Do đó, việc bắt bẻ khách phải xuất trình hóa đơn mua hàng, không thừa nhận “dị vật” trong chai là do khâu sản xuất là khó có thể chấp nhận.

Chai nước ngọt Splash có “dị vật” mà khách hàng khởi kiện có mã số, ngày sản xuất, đã được Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) - đại diện bên thứ ba kiểm nghiệm sản phẩm lỗi, giám định là cùng loại với mẫu chai nước ngọt của Coca Cola. Do đó, người tiêu dùng chỉ cần xác định: Họ đã mua những chai nước ngọt này tại đâu, vào thời gian nào, chứ không cần phải có hóa đơn chứng minh như yêu cầu của Coca Cola Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá cung cấp cho người tiêu dùng. Với việc làm thực nghiệm dễ dàng mở nắp chai để cho “dị vật” vào và đóng lại như cũ tại phiên tòa, Coca Cola Việt Nam đang chứng minh có thể “dị vật” trong chai nước ngọt không phải do lỗi của Coca Cola Việt Nam.

Căn cứ quy định nêu trên, dù chai nước ngọt của Coca Cola Việt Nam có “dị vật” mà Coca Cola Việt Nam không biết hoặc không có lỗi trong việc gây ra “dị vật” trong chai thì Coca Cola Việt Nam vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Quy định như trên của điều luật nhằm đảm bảo tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa đưa ra trên thị trường trong mọi trường hợp.

  • Thứ ba, về việc người tiêu dùng phải chứng minh thiệt hại.

Trong vụ việc này, thiệt hại của khách hàng trước mắt là số tiền mua chai nước ngọt nhưng không được sử dụng. Về yêu cầu xin lỗi công khai, luật sư bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đưa ra căn cứ cho thấy Coca Cola Việt Nam đã xúc phạm đến khách hàng như thế nào. Việc Coca Cola Việt Nam yêu cầu khách hàng phải chứng minh thiệt hại là không có cơ sở vì thiệt hại của khách hàng có thể thấy rõ và việc khách hàng mua nước ngọt là có thật.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng “sợ” vì thực nghiệm của Coca Cola Việt Nam
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phát biểu với báo giới: “Tôi giật mình khi qua thực nghiệm của Coca cho thấy tính an toàn của một sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người lại dễ bị tác động, can thiệp từ bên ngoài đến như vậy".
Tại phiên tòa sơ thẩm (ngày 25/09/2015), nhằm phủ nhận chai nước chứa thủy tinh không phải là sản phẩm do Coca Cola Việt Nam sản xuất, ông Nguyễn Hoài Giang, đại diện của Coca Cola Việt Nam đã làm một thực nghiệm mở nắp chai và cho dị vật vào. Điều đáng nói là chai nước sau đó vẫn còn nguyên vẹn như chưa từng bị tác động. Thực nghiệm này đã khiến những người có mặt tại tòa ngày hôm đó cũng như nhiều người tiêu dùng - những ai đã và đang là khách hàng của Coca Cola Việt Nam vô cùng ngỡ ngàng. Nhiều người hoài nghi và cho rằng: Liệu tất cả các sản phẩm của Coca Cola Việt Nam đều có thể bị dễ dàng mở ra, cho dị vật vào, đóng lại vẫn y nguyên như cũ?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: như nhiều người tiêu dùng khác, tôi giật mình khi qua thực nghiệm của chính nhà sản xuất cho thấy tính an toàn của một sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người lại dễ bị tác động, can thiệp từ bên ngoài đến như vậy. Dị vật trong điều kiện đủ ánh sáng, bằng mắt thường còn phát hiện được đã vậy, thử hỏi hóa chất đưa vào thì sao? Tính rủi ro về “Quyền được an toàn” của người tiêu dùng chính là ở đây”.

Với câu hỏi liệu trong thời gian tới, Coca Cola Việt Nam có thể “phủi tay” với tất cả những sản phẩm lỗi chứa “dị vật” khi viện cớ vào việc nắp chai dễ dàng mở ra rồi đóng lại như “nguyên đai nguyên kiện”, Ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra quan điểm: “Theo tôi nghĩ, nhà sản xuất có tầm nhìn nào cũng nhận ra cái giá phải trả khi “phủi tay” trách nhiệm với người tiêu dùng. “Tẩy chay” là “vũ khí” lợi hại của người tiêu dùng mà chẳng doanh nghiệp nào “thích” đối mặt”.

Liên quan tới lập luận của đại diện Coca Cola Việt Nam, khách hàng chưa chứng minh được thiệt hại vì đã sử dụng chai nước ấy đâu mà thiệt hại, Tổng thư ký của Vinastas đã bày tỏ sự không đồng tình.

Một câu hỏi đặt ra, liệu có ai thần kinh bình thường mà đem sức khỏe, tính mạng của mình ra thí nghiệm cho việc chứng minh thiệt hại bằng cách uống chai nước ép có chứa tạp chất và dị vật thủy tinh để đổi lấy việc bồi thường mà giá trị chỉ là một chai nước cam ép? Bản thân việc mua một sản phẩm không sử dụng được đã là thiệt hại về kinh tế rồi. Giả sử có người tiêu dùng không bình thường nào đó chứng minh theo cách trên và đưa ra bằng chứng cho thiệt hại về sức khỏe, tinh thần thì hậu quả pháp lý cho người chịu trách nhiệm sẽ còn lớn hơn rất nhiều” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

“Tôi nghĩ, việc bồi thường thiệt hại với giá trị một chai nước cam ép thì không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế, mà chính vì muốn bảo vệ danh tiếng, hãng Coca Cola Việt Nam mới chứng minh đây không phải sản phẩm của mình” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. Tuy nhiên, việc Coca Cola Việt Nam muốn chứng minh “đây không phải sản phẩm của mình” đang gặp nhiều bất lợi sau khi Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) - đại diện kiểm nghiệm sản phẩm lỗi công bố kết quả.