Vay nặng lãi không trả đúng thời hạn có bị buộc tội lừa đảo không?

Về mặt khách quan, người phạm tội lừa đảo phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hỏi: Vừa qua em có vay nặng lãi 50.000.000 đồng; lãi 10 ngàn đồng/ngày/1 triệu. Đến lúc em không có khả năng đóng lãi, chủ nợ đe dọa và buộc em ký tên vào biên nhận 65.000.000 đồng, và đến nay chủ nợ đã kiện em. Vậy em có bị buộc vào tội lừa đảo không? Vì trong biên nhận ký nợ ghi không lấy lãi, nhưng thực tế em đã đóng lãi 36.000.000 đồng (Chí Anh - Phú Yên)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Về phía của bạn: BLHS sửa đổi bổ sung 2009 quy định về tội lừa đảo như sau:

"Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Theo đó, để cấu thành tội lừa đảo phải có các dấu hiệu sau:

Về khách quan, phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Về mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

Khách thể là quyền sở hữu tài sản của người khác.

Chủ thể là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Từ những thông tin bạn cung cấp, có thể thấy bạn không có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đây, do vậy, bạn sẽ không cấu thành tội lừa đảo theo quy định tại BLHS.

Về hoạt động cho vay của tổ chức cho vay nặng lãi:

Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định về lãi suất vay như sau: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2010, lãi suất cơ bản là 9%/ năm.

Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận sẽ không được vượt quá: 9% x 150% = 13,5%/ năm

Trong trường hợp của bạn, bạn vay 50 triệu, với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ngày, tức lãi suất 30%/tháng, gấp 26,6 lần mức lãi suất tối đa pháp luật cho phép.

Theo quy định tại Điều 163 như sau:

"Điều 163. Tội cho vay lãi nặng

1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Như vậy, nếu có giấy tờ chứng minh về việc đóng lãi, bạn có thể khởi kiện lại tổ chức bạn vay nặng lãi theo Điều 163 BLHS. Khi kiện ra tòa, nếu chứng minh được hoạt động cho vay của tổ chức đó là nặng lãi, nhằm kiếm lời thì tổ chức đó sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 163, về số tiền bạn phải trả cho họ sẽ bao gồm: số tiền đi vay + số tiền lãi theo lãi suất không quá 13,5%/năm theo quy định của pháp luật.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.