Tư vấn về mượn đất để canh tác nhưng không trả

Pháp luật quy định chủ sở hữu đất có quyền tặng cho, chuyển nhượng, để thừa kế cho người khác và được nhà nước bảo hộ để thực hiện các quyền của mình.

Hỏi: Gia đình ông bà nội tôi có 5 người con. 3trai, 2 gái, ông thì mất sớm. Trước khi Bà Nội qua đời (2001) bà có họp mặt con cái trong nhà lại và căn dặn với nội dung " Miếng đất nông nghiệp 500m2 là để dành cho Con trai cả (bố Tôi) để lo cho hương khói cho ông bà tổ tiên." Trong sự chứng kiến của toàn thể con cái. Nhưng khi đó không ghi lại di chúc hay giấy tờ gì cả. Nhưng sau đó 1 thời gian gia đinh chú út tôi nói với bố mẹ tôi xin phép cho mượn Miếng đất đó để làm nông nghiệp và nói 1 năm trả 1 lượng Thóc nào đó. Thấy gia đình chú thím cũng đang khó khăn nên bố mẹ tôi đồng ý. Hằng năm, cũng không lấy lượng thóc nào cả. Khoảng năm 2008 Chú Tôi cũng qua đời do ốm đau. Năm 2012 dự QL1A làm mới hoàn thành, chạy qua gần thửa đất đó, nên tạm thời không làm nông nghiệp nữa. Gần đây nhà nước có kế hoạch làm mới lại bìa đất cho toàn thể dân chúng. Nhà tôi đòi lại đất thì thìm tôi không chịu trả bảo đã sang tên cho chú từ năm 1997 giờ là của thím. Xin hỏi Luật sư tôi có đòi lại được mảnh đất đó nữa không? (Nông Thanh Trang – Tuyên Quang)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thu Trang – Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest – trả lời:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 thì điều kiện để di chúc miệng được coi là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật thì:

"5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực."

Trong trường hợp của bạn, bà nội bạn qua đời có để lại quyền sử dụng mảnh đất trên cho bố bạn để thờ cúng. Tuy nhiên, pháp luật quy định, trong 5 ngày, kể từ ngày bà nội bạn để lại ý chí cuối cùng thì di chúc trên phải được ghi chép lại, được mọi người cùng ký tên và công chứng hoặc chứng thực. Còn đối với trường hợp di chúc miệng của bà nội như trên mà gia đình bạn không lập lại thành văn bản, cũng không có công chứng hay chứng thực thì bị coi là di chúc không hợp pháp. Và lúc này, di sản bà nội bạn để lại sẽ tiến hành được chia theo pháp luật.

Theo như bạn trình bày, bà nội bạn có 5 người con. Và tất cả những người này đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Như vậy, khi tiến hành chia di sản theo pháp luật, thì quyền sử dụng mảnh đất sẽ được chia thành 5 phần bằng nhau, mỗi người được hưởng một phần. Tuy nhiên, nếu sau khi họp mặt gia đình, các cô, chú của bạn có văn bản từ chối nhận di sản, thì mảnh đất này sẽ không được chia cho những người này nữa, mà chỉ chia thành 2 phần, gia đình bạn một phần và chú út (thím là người thừa kế của chú út) được một phần.

Còn đối với thông tin mà bạn có đề cập, chú bạn đã được sang tên quyền sử dụng mảnh đất từ năm 1997. Trường hợp này, gia đình bạn có thể yêu cầu thím bạn xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất để chứng minh, nếu đúng là đứng tên chú bạn, thì kể cả thời điểm 1997, chú bạn và thím chưa có quan hệ vợ chồng, thì thím bạn vẫn được coi là người thừa kế ở hàng thứ nhất của chú bạn, và theo đó, thím bạn và các con thím có toàn quyền sử dụng mảnh đất này hoặc gia đình bạn có thể yêu cầu cán bộ địa chính kiểm tra lại mảnh đất trên đã được cấp sổ đỏ chưa, nếu đã cấp thì người đứng tên là ai?. Còn nếu, thông tin trên là không đúng sự thật, thì lúc này, quyền sử dụng mảnh đất sẽ được chia đôi cho gia đình bạn và thím bạn. Gia đình bạn có thể cùng với những người cô, chú cùng tiến hành họp mặt gia đình để thuyết phục thím bạn từ chối nhận di sản, để thực hiện di nguyện của bà. Còn nếu thím không từ chối, lúc này, thím sẽ được xem là người thừa kế của chú bạn, vì vậy, lúc này thím vẫn được nhận một phần di sản.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.