Tư vấn về góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty.

Hỏi: Tôi có một người bạn khá thân, bạn tôi đã mở công ty in ấn được 5 năm nay. Đó là công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại. Bạn tôi đề nghị tôi tham gia góp vốn 70 triệu vào công ty thương mại đó, (Bạn tôi chỉ góp uy tín, khách hàng hiện tại, và cơ sở vật chất hầu như không đáng bao nhiêu). Và với vốn góp đó thì trên đăng ký kinh doanh của tôi chiếm 30% cổ phần, bạn tôi và một người khác (có thể là người thân của bạn tôi) chiếm 70%. Bạn tôi cam kết tôi sẽ làm giám đốc kinh doanh, ngoài lương hàng tháng thì sẽ lấy 40% lợi nhuận chia đều cho 2 người, 60% còn lại để tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.Như vậy mong luật sư giải đáp giúp tôi các điều chưa rõ sau:Để sự hợp tác này suôn sẻ, thành công, hợp pháp thì chúng tôi phải thực hiện những quy trình và văn bản cam kết nào? (Diễm Thúy - Hà Nội)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Khương Thị Thu Hà - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

1. Về vấn đề góp vốn của thành viên công ty:

Căn cứ tại Khoản 4 Điều 4 Luật doanh nghiệp có quy định:"Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty".

Pháp luật quy định tài sản góp vốn phải được ghi nhận tại Điều lệ đồng nghĩa với việc pháp luật quy định thẩm quyền quyết định loại tài sản góp vốn thuộc về chủ sở hữu hoặc hội đồng thành viên của công ty. Do vậy, việc công ty có nhận loại tài sản vô hình như bạn nói là tài sản góp vốn hay không phụ thuộc vào quyết định của chính công ty.

2. Về vấn đề phân chia lợi nhuận:

Theo Điểm d Khoản 1 Điều41 Luật doanh nghiệp có quy định quyền của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là: "Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật".

Do đó, bạn sẽ được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp vào công ty và sau khi đăng kí kinh doanh công ty cần lập sổ đăng ký thành viên với các nội dung theo quy định trên trong đó có bao gồm cả giá trị vốn góp của thành viên.

Còn việc, cam kết chia lợi nhuận 50-50 giữa hai bạn, thì đó chỉ là thỏa thuận của hai bạn còn về nguyên tắc pháp luật nếu khi xảy ra tranh chấp về chia lợi nhuận thì pháp luật chỉ căn cứ vào phần vốn góp của bạn để giải quyết.

Đồng thời, việc giữ lại 60% lợi nhuận hàng tháng để tái đầu tư thì tất nhiên phần lợi nhuận còn lại chia cho các thành viên sẽ nhỏ hơn.

3. Về thủ tục góp vốn.

Căn cứ vào khoản 4 Điều 39 Luật doanh nghiệp có quy địnhthực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, như sau:

"Tại thời điểm góp đủ giá trị phần vốn góp, thành viên được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Vốn điều lệ của công ty;

d) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với thành viên là tổ chức;

đ) Phần vốn góp, giá trị vốn góp của thành viên;

e) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;

g) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty".

Do đó,khi bạn góp vốn vào công ty này, nếu góp đủ phần vốn góp đã thỏa thuận thì sẽ được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp như quy định trên.

Còn việc công ty cho bạn giữ vị trí giám đốc kinh doanh của công ty và được hưởng thêm lương hàng tháng thì bạn cần tiến hành ký kết hợp đồng lao động với công ty theo quy định pháp luật lao động với các nội dung chủ yếu sau:

- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

- Công việc và địa điểm làm việc;

- Thời hạn của hợp đồng lao động;

- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

- Chế độ nâng bậc, nâng lương;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

- Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Ngoài ra,giữa bạn và công ty có thể thỏa thuận thêm những nội dung khác trong hợp đồng lao động nhưng phải phù hợp với điều lệ công ty và không trái quy định pháp luật.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.