Tranh chấp lối đi chung, giải quyết như thế nào?

Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ...

Hỏi: Nhà tôi và nhà hàng xóm có chung một lối đi, từ ngày cụ nội tôi còn sống hai nhà vẫn đi chung lối đó. Bây giờ, nhà hàng xóm xây lại hàng rào bao quanh nhà. Tuy nhiên, họ xây hàng rào lấn sang lối đi chung này. Trong quá trình xây dựng hàng rào, gia đình tôi đã nhiều lần yêu cầu họ xây đúng theo diện tích và trừ lại phần lối đi. Hai bên đã xảy ra mâu thuẫn về việc này. Giờ lối đi này đã bị thu hẹp, gây ra nhiều bất tiện cho gia đình tôi trong việc đi lại. Chúng tôi đã vô cùng bức xúc. Đề nghị Luật sư tư vấn, nhà tôi nên làm thế nào để khôi phục lối đi như ban đầu? (Nguyễn Thị Hoài Như - Bắc Ninh)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật đất đai của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền đối với bất động sản liền kề như sau:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.

Theo thông tin anh (chị) cung cấp, lối đi chung này chưa xác định được là của nhà hàng xóm hay là lối đi chung của cả hai nhà. Trong trường hợp gia đình hàng xóm chứng minh phần diện tích lối đi chung là tài sản riêng của họ và gia đình anh (chị) không có lối đi ra đường công cộng nào khác ngoài lối đi chung này, thì gia đình anh (chị) có quyền yêu cầu nhà hàng xóm dành cho mình một lối đi hợp lý và gia đình anh (chị) sẽ phải đền bù cho nhà hàng xóm theo quy định nêu trên.

Ngoài ra, theo quy định trên, ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Trong trường hợp của gia đình anh (chị), lối đi chung này đã có từ ngày xưa và không có tranh chấp cho đến khi nhà hàng xóm tiến hành xây hàng rào. Theo như quy định của pháp luật thì ranh giới lối đi chung có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Khi có tranh chấp về lối đi qua bất động sản liền kề, trước hết các bên tranh chấp tiến hành tự hòa giải hoặc hòa giải ở cơ sở, nếu hòa giải ở cơ sở không thành thì hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có tranh chấp. Trường hợp các bên không đồng ý với kết quả hòa giải ở xã , phường, thị trấn thì các bên có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp theo thủ tục hành chính và tố tụng. Nếu hòa giải không thành thì anh (chị) phải gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận/huyện nơi có thửa đất để yêu cầu giải quyết, đồng thời kèm theo các giấy tờ liên quan để chứng minh về quyền sử dụng đất của gia đình anh (chị).

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.