Trách nhiệm của công ty môi giới bất động sản khi môi giới nhà ở

Nghĩa vụ của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản được quy định tại Điều 67 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Hỏi: ​Công ty môi giới bất động sản có đăng ký kinh doanh, nhưng khi giới thiệu nhà cho khách hàng không có thẩm định kiểm tra nhà trước khi giới thiệu bán, hậu quả là người mua không biết nên mua phải nhà vướng quy hoạch giao thông và mạng lưới điện cao thế. Như vậy công ty môi giới có phải chịu trách nhiệm không? Quy định pháp luật về nhiệm vụ và chức năng của đơn vị môi giới thế nào? (Vũ Thị Hải Yến - Nam Định)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Quy định về kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản

Điều 67 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2015) quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, như sau:

“1. Thực hiện đúng hợp đồng đã ký với khách hàng.

2. Cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản do mình môi giới và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin do mình cung cấp.

3. Hỗ trợ các bên trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

4. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

6. Thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

7. Các nghĩa vụ khác trong hợp đồng.”

Như vậy, khi thực hiện hoạt động môi giới bất động sản, công ty môi giới có trách nhiệm cung cấp cũng như đảm bảo sự chính xác của các thông tin về bất động sản. Nếu thông tin công ty môi giới cung cấp cho khách hàng không chính xác, dẫn đến thiệt hại cho khách hàng, thì công ty có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra (theo quy định tại khoản 5 điều này).

Ngoài ra Bộ luật dân sự 2005 cũng có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất được áp dụng với trường hợp này:

"Điều 307. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút".

Về phương án giải quyết
Nếu như công ty và người mua nhà không thỏa thuận được với nhau về phương án khắc phục cũng như về vấn đề bồi thường thiệt hại (bao gồm các khoản chi phí như: tổn thất về tài sản, chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại,..) thì 1 trong 2 bên có thể làm đơn đến cơ quan Tòa án huyện tại địa phương để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo nhhững thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.