Tổng công ty hay chi nhánh có trách nhiệm với người lao động như nào?

Luật sư tư vấn về thành lập chi nhánh...

Hỏi: Chúng tôi là những người lao động đã làm việc tại một công ty con (Chi nhánh) trực thuộc một Tổng công ty - Công ty TNHH một thành viên - Thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý. Hàng tháng chúng tôi vẫn tham gia đóng BHXH, BHYT và TCTN. Từ tháng 2/2014 chúng tôi đã bị nghỉ việc do Công ty không có việc làm và một số cán bộ thì nghỉ theo chế độ dôi dư khi Tổng công ty cổ phần hóa. Nhưng Công ty chúng tôi gần như phá sản (thực chất là phá sản), không có khả năng thanh toán. Hiện tại Cty vẫn còn nợ tiền cơ quan bảo hiểm XH từ tháng 3/2013 đến nay nên chúng tôi không được chốt sổ BHXH và hưởng các trợ cấp theo chính sách hiện hành. Chúng tôi có ra cơ quan bảo hiểm XH xin chốt sổ nhưng phía cơ quan BHXH có trả lời rằng chỉ giải quyết khi Công ty tuyên bố giải thể hoặc phá sản.Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên Tổng công ty (cơ quan quản lý) và công đoàn ngành, Ban đổi mới doanh nghiệp - Bộ NN và PTNT (Vụ quản lý doanh nghiệp) can thiệp giúp đỡ chúng tôi. Sau đó Tổng công ty có công văn phúc đáp trả lời chúng tôi và các đơn vị liên quan theo đơn rằng:" Theo điều lệ Tổng công ty thì Giám đốc công ty phải chịu trách nhiệm". Nhưng Giám đốc công ty hiện tại không có khả năng chi trả và nói rằng Tổng công ty Cổ phần hóa tức là Tổng công ty phải chịu khoản nợ đó và có trách nhiệm chi trả khoản nợ BHXH đó cho chúng tôi, còn ông ta thì cứ chây ỳ. Về phía Tổng công ty thì lại trả lời: "Giám đốc công ty chịu trách nhiệm". Chúng tôi cũng được biết rằng có một số khoản tiền công nợ được thu về nhưng lại chuyển trả thẳng vào tài khoản của Tổng công ty (vì các tài khoản của công ty đang bị phong tỏa, nếu có khoản tiền nào về thì sẽ bị thu ngay vì đang nợ ngân hàng và thuế). Tổng công ty đang thu hồi các số nợ nhưng không giải quyết thanh toán tiền BHXH cho chúng tôi mà cũng không tuyên bố giải thể phá sản hay giải thể để chúng tôi được chốt sổ BHXH.

Xin cho hỏi Quý công ty Luật Everest:

1. Tổng công ty có phải chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến tranh chấp BHXH và phải thanh toán số nợ tiền BHXH đối với người lao động của Công ty chúng tôi không?

2. Chúng tôi có cần phải gửi đơn lên Vụ Tổ chức cán bộ và thanh tra , Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Nông nghiệp và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam một lần nữa để nhờ can thiệp không, hay là phải gửi đơn lên Bộ lao động thương Binh xã hội nhờ giải quyết.

3. Trường hợp không giải quyết được mà phải ra tòa án dân sự thì người lao động chúng tôi phải trả phí là bao nhiêu? Hay phía người thua kiện phải trả phí xin được cho chúng tôi biết? (Phạm Khoa Anh - Hà Nội)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198  Luật gia Nguyễn Thanh Hương - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thanh Hương - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

1. Việc Tổng công ty có phải chịu trách nhiệm đối với quyền lợi của người lao động hay không còn phụ thuộc vào quy định trong Điều lệ của công ty. Khi công ty thành lập chi nhánh, điều lệ có quy định về quyền và nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm của Chi nhánh trong hoạt động.

- Nếu như Điều lệ công ty cho phép Chi nhánh được tự tuyển nhân sự, được tựký hợp đồng lao động với người lao động, thì Chi nhánh là bên có trách nhiệm đối với quyền lợi của người lao động, tức là khoản nợ bảo hiểm xã hội thì Chi nhánh có trách nhiệm nộp cho cơ quan bảo hiểm.

- Nếu như Điều lệ công ty quy định việc tuyển nhân sự, ký hợp đồng lao động với người lao động là Tổng Công ty, thì Công ty là bên có trách nhiệm đối với quyền lợi của người lao động, tức là khoản nợ bảo hiểm xã hội thì Công ty có trách nhiệm nộp cho cơ quan bảo hiểm.

Trong trường hợp này, để xác định Công ty hay là Chi nhánh có trách nhiệm đối với quyền lợi của người lao động, bạn phải xác định được quy định trong Điều lệ công ty.

2. Việc tập thể người lao độnggửi đơn lên Vụ Tổ chức cán bộ và thanh tra, Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Nông nghiệp và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để nhờ can thiệp làtheo thủ tục hành chính. Các cơ quan này chỉ có thẩm quyền thanh - kiểm tra, xử phạt vi phạm, chứ không có quyền quyết định Công ty hay Chi nhánh là bên phải chịu trách nhiệm về khoản nợ bảo hiểm xã hội. Việc tập thể người lao động gửi đơn đến các cơ quan này có tác dụng tạo áp lực từ phía các cơ quan quản lýNhà nước lên Công ty, từ đó có thể buộc Công ty hoặc Chi nhánh phải đưa ra quyết định về việc giải quyết quyền lợi cho người lao động. Do đó, việc gửi đơn lên các cơ quan này hoàn toàn do phía tập thể người lao động chủ động gửi đơn theo yêu cầu.

3. Trong trường hợp phải khởi kiện tại Tòa án, người lao động - là nguyên đơn, không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Bởi theo quy định tại Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH về án phí, lệ phí Tòa án quy định về các trường hợp được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí như sau: "2. Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật". Do đó, phía người lao động sẽ không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.