Tội sản xuất trái phép chất ma túy

Sản xuất trái phép chất ma túy là hành vi chiết xuất chất ma túy từ quả của cây thuốc phiện, lá, hoa, quả của cây cần sa cũng như việc điều chế, pha chế từ tiền chất ma túy thành chất ma túy hoặc từ chất ma túy này thành chất ma túy khác trái với quy định của Nhà nước.

Hỏi: Đề nghị Luật sư tư vấn, trường hợp nào bị coi là phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy? (Đức Hùng - Bắc Ninh)

c

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thị Thanh Tình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Khoản 1 Điều 193 BLHS, quy định: “Người nào sản xuất trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Căn cứ quy định nêu trên có thể hiểu: Sản xuất trái phép chất ma túy (bị coi là phạm tội) là hành vi chiết xuất chất ma túy từ quả của cây thuốc phiện, lá, hoa, quả của cây cần sa, lá của cây co ca cũng như việc điều chế, pha chế từ tiền chất ma túy thành chất ma túy hoặc từ chất ma túy này thành chất ma túy khác trái với quy định của Nhà nước.Các chất ma túy là các chất hóa học nguồn tự nhiên hoặc nhân tạo khi xâm nhập cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức và trí tuệ, làm con người bị lệ thuộc vào chúng, và cuối cùng gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng.

Người phạm tội sản xuất chất ma túy phải là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có độ tuổi từ đủ 16 trở lên. Trong trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 193 BLHS thì người phạm tội có độ tuổi từ đủ 14 trở lên.

Sản xuất trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm cho xã hội tới mức cần thiết phải xử lý trách nhiệm hình sự, bởi hành vi này xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về mặt chế xuất, điều chế, pha chế chất ma túy. Việc sản xuất chất ma túy dung vào việc chữa bệnh hoặc mục đích xã hội phải được Nhà nước cho phép

Người phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy có thể thực hiện một hoặc một số hành vi để tạo ra chất ma túy. Các hành vi đó là chiết xuất, điều chế…Chiết xuất ma túy là hành vi chiết xuất quả thuốc phiện lấy nhựa loãng màu trắng từ quả thuốc phiện rồi sấy khô trong điều kiện không khí bình thường và tạo thành nhựa thuốc phiện. Điều chế chất ma túy là dùng phương pháp tạo phản ứng hóa học từ các tiền chất ma túy.

Người phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, dù đã nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi sản xuất các chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, đối với hành vi sản xuất tội phạm chất ma túy chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp.

Tội sản xuất trái phép chất ma túy là tội phạm nghiêm trọng với khung hình phạt (cơ bản) là bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Căn cứ Điều 193 BLHS, phạm tội thuộc các trường hợp tại khoản 2 bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm, phạm tội thuộc các trường hợp tại khoản 3 bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm, phạm tội thuộc các trường hợp tại khoản 4 thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung than hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghềhoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.