Tội làm nhục người khác

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm

Hỏi: Đề nghị Luật sư tư vấn, như thế nào bị coi là phạm tội làm nhục người khác?

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thị Thanh Tình - Công ty luật TNHH Everest - trả lời:

Khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS), quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Như vậy, làm nhục người khác
(bị coi là tộiphạm) là hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Cụ thể:

Thể hiện bằng lời nói: Như sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu…nhằm vào nhân cách, danh dự, với tính chất là hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước những người khác.

Thể hiện bằng việc làm: Như có những hành vi lột trần truồng nạn nhân, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, cà chua, trứng thối vào người, xe cộ...(có hoặc không kèm theo lời nói thô tục) với chính bản thân mình hoặc người bị hại trước đám đông để bêu riếu.

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ hành vi của mình là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng đã thực hiện hành vi phạm tội.

Ví dụ: Vì ghen, H đã cùng mẹ và em gái lột quần áo của N (bồ nhí của chồng H) giữa đường. Không những thế H còn quay video lại và tung lên mạng nhằm lăng mạ và đe dọa N không được tiếp tục mối quan hệ với chồng mình.

Tội làm nhục người khác bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tới mức cần thiết phải xử lý trách nhiệm hình sự bởi vì hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người bị hại. Tuy nhiên, thế nào là xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự là một vấn đề khá phức tạp.

Nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác mà phải kết hợp với các yếu tố như trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình...

Người phạm tội làm nhục người khác phải là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có độ tuổi từ đủ 16 trở lên.

Tội làm nhục người khác là tội phạm ít nghiêm trọng, với khung hình phạt (cơ bản) là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp phạm tội nhiều lần, phạm tội đối với nhiều người, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, phạm tội đối với người thi hành công vụ, đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.