Tòa có được hoãn xét xử khi thiếu luật sư, người làm chứng không?

Việc hoãn phiên tòa của Tòa án do thiếu luật sư của bị cáo, thiếu 01 người làm chứng có thể hợp pháp nếu Tòa án xét thấy việc hoãn phiên tòa là cần thiết và phù hợp với các điều kiện quy định của pháp luật.

Hỏi:Bố tôi bị người khác đánh từ ngày 18/7/2014 mất 35% sức khỏe sau khi giám định. Ngày 23/7/2015 tòa án ND huyện xử sơ thẩm vụ án nói rằng để làm rõ 1 số chi tiết (thiếu luật sư của bị cáo, thiếu 01 người làm chứng). Sau đó tòa hoãn xử đề nghị trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung vì sai tên trong danh chỉ bản của mẹ bị cáo. Thời gian đến nay đã được 2 tháng 7 ngày. Đề nghị Luật sư tư vấn, thời gian tối đa tòa phải đưa vụ án ra xét xử trong trường hợp của bố tôi là bao lâu và việc hoãn phiên tòa như vậy có đúng không? (Nguyễn Giang Sơn - Thái Bình)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Dương Thị Xuân Hòa - Tổ tư vấn pháp luật tố tụng của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Trong trường hợp của anh (chị), chúng tôi có vấn đề cần làm rõ là Tòa án quyết định hoãn phiên tòa vì lý do thiếu luật sư của bị cáo, thiếu 01 người làm chứng hay hoãn để trả hồ sơ về điều tra bổ sung.

- Thứ nhất, trường hợp Tòa án quyết định hoãn phiên tòa vì lý do thiếu luật sư của bị cáo, thiếu 01 người làm chứng.

Căn cứ Điều 194 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định về thời hạn hoãn phiên tòa: “Trong trường hợp phải hoãn phiên tòa theo quy định tại các điều 45, 46, 47, 187, 189, 190, 191, 192 và 193 của Bộ luật này, thì thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa”.

Việc hoãn phiên tòa của Tòa án trong trường hợp này có thể hợp pháp nếu Tòa án xét thấy việc hoãn phiên tòa là cần thiết và phù hợp với các điều kiện quy định tại Điều 190, Điều 192, Điều 205 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

- Thứ hai, trường hợp hoãn phiên tòa để trả hồ sơ về điều tra bổ sung.

Thời hạn hoãn phiên tòa để trả hồ sơ về điều tra bổ sung căn cứ Khoản 2 Điều 121 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003: “Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra”.

Thời hạn điều tra bổ sung được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2010/ TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC: “Thời hạn điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tạikhoản 2 Điều 121 của BLTTHS; cụ thể là thời hạn do Viện kiểm sát trả hồ sơ không quá hai tháng; do Tòa án trả hồ sơ không quá một tháng tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đến khi Cơ quan điều tra có bản kết luận điều tra bổ sung”.

Mặt khác việc Tòa án hoãn phiên tòa để trả hồ sơ lại điều tra bổ sung thì phải thỏa mãn 1 trong các trường hợp quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003:

1. Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:

a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

b) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;

c) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Những vấn đề cần điều tra bổ sung phải được nêu rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.

2. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết.

Trong trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu bổ sung và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án”.

Các trường hợp trên được giải thích rất cụ thể tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (chị có thể tự tham khảo).

Dựa vào các căn cứ trên thì nếu trong trường hợp này mà Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thiếu căn cứ pháp luật và không đúng với quy định của pháp luật.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật tố tụng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.