Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn, những quy định cơ bản

Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn thông thường là cơ sở cho việc áp dụng giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn và thủ tục rút gọn là sự lược hoá một số bước của thủ tục tố tụng thông thường.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, khái quát về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn

Khái niệm thủ tục tố tụng dân sự rút gọn

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới đều có xây dựng và áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn để giải quyết một số loại vụ án dân sự nhất định. Xét một cách khái quát thì tuy pháp luật mỗi nước có những đặc thù riêng nhưng nhìn chung thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự được hiểu là một thủ tục đơn giản hơn thủ tục tố tụng thông thường về thành phần hội đồng xét xử, về thời gian tiến hành tố tụng… đối với các vụ án có nội dung tranh chấp tương đối rõ ràng, bị đơn đã thừa nhận hoặc không phản đối yêu cầu của nguyên đơn, các vụ án có giá ngạch thấp hoặc do các bên đương sự lựa chọn giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự rút gọn.

Trong mối quan hệ giữa xét xử theo thủ tục tố tụng thông thường và thủ tục xét xử theo thủ tục rút gọn thì thủ tục tố tụng dân sự thông thường là cơ sở cho việc áp dụng giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn và thủ tục rút gọn là sự lược hoá một số bước của thủ tục tố tụng thông thường. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn không phải là thủ tục phụ thuộc vào thủ tục tố tụng thông thường mà thủ tục rút gọn là một thủ tục tố tụng độc lập tương đối so với thủ tục tố tụng thông thường. Tính độc lập của thủ tục tố tụng rút gọn thể hiện trong trường hợp nếu các điều kiện xét xử theo thủ tục tố tụng rút gọn không còn đáp ứng thì vụ việc vẫn có thể được giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường.

Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là một quy trình tố tụng riêng biệt được Toà án áp dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có nội dung đơn giản, rõ ràng, có giá ngạch thấp hoặc các bên đương sự thoả thuận lựa chọn thủ tục này. Theo đó, trong một thời hạn ngắn ngắn, thẩm phán độc lập tiến hành xem xét và ra phán quyết về vụ án tranh chấp mà không nhất thiết phải tuân theo tuần tự các bước như trong thủ tục tố tụng thông thường.

Đặc điểm thủ tục tố tụng dân sự rút gọn

Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là thủ tục được hình thành trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục tố tụng thông thường nhằm giải quyết một số loại vụ việc cụ thể nhanh gọn, hiệu quả và có những đặc điểm sau đây: (1) Được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự có giá trị tranh chấp không lớn, những vụ việc dân sự đơn giản; (2) Thủ tục giải quyết đơn giản, thời hạn giải quyết được rút ngắn (từ 2 đến 3 lần); thường được giải quyết bằng một Thẩm phán; quyết định của Tòa án có quốc gia quy định có hiệu lực thi hành ngay, có quốc gia cho phép kháng cáo lên Tòa án cấp trên; (3) Chi phí tố tụng thấp hơn nhiều so với chi phí tố tụng thông thường.

Ý nghĩa của thủ tục tố tụng dân sự rút gọn

Ý nghĩa to lớn của thủ tục tố tụng dân sự rút gọn nằm ngay trong chính tên gọi của thủ tục này với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể tiếp cận công lý một cách nhanh chóng. Việc xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn có ý nghĩa không chỉ đối với các đương sự, Toà án mà nó còn có ý nghĩa xã hội rộng lớn và sâu sắc.

Thứ nhất, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế và là sự hiện thực hoá chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ hai, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn sẽ giảm đáng kể các chi phí tố tụng cho đương sự và Toà án trong quá trình giải quyết vụ án. Thông thường pháp luật các nước có quy định về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn đều quy định án phí mà đương sự phải chịu là thấp hơn so với thủ tục tố tụng thông thường. Bên cạnh đó, do các vụ án đơn giản, xét xử nhanh nên các chi phí đi lại, thuê luật sư không phát sinh. Tòa án cũng không phải tiến hành tất cả các trình tự, thủ tục để đưa vụ án ra xét xử mà gần như chỉ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự cung cấp. Vì vậy, các chi phí phát sinh như định giá, thẩm định tại chỗ, thu thập tài liệu, chứng cứ cũng không phát sinh.

Thứ ba, trong thủ tục tố tụng dân sự rút gọn, thời gian để tiến hành tố tụng được rút gắn đi rất nhiều lần so với thủ tục tố tụng dân sự thông thường. Do vậy, quyền lợi hợp pháp của đương sự sẽ được bảo vệ một cách nhanh chóng, kịp thời.

Thứ tư, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quyền tiếp cận công lý của công dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án có thể nhanh chóng giải quyết vụ án. Đối với công dân thì thủ tục tố tụng dân sự rút gọn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để họ tiến hành khởi kiện và tham gia tố tụng tại Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong các vụ án có nội dung tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng...thì cả nguyên đơn và bị đơn không phải trải qua tất cả các thủ tục tố tụng như trong thủ tục thông thường, mà chỉ tiến hành một số thủ tục luật định cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là phương tiện để Thẩm phán có thể chủ động và linh hoạt trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự vì họ không phải thực hiện tất cả các trình tự, thủ tục như thủ tục tố tụng dân sự thông thường. Ngoài ra, với đặc điểm của thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là thời gian giải quyết nhanh chóng, trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng đơn giản nên thủ tục này sẽ là một phương tiện được người dân tin cậy trong việc sử dụng để nhanh chóng bảo vệ quyền lợi của mình. Từ đó hạn chế được các hiện tượng tiêu cực hiện nay như khiếu kiện kéo dài hoặc người dân thiếu tin tưởng vào tính hiệu quả của hệ thống Toà án nên đã tự mình hành xử bằng cách bắt nợ, đòi nợ thuê dẫn đến gây mất trật tự xã hội và có thể phát sinh thành các tội phạm hình sự.

Thứ năm, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn góp phần giảm áp lực công việc cho cán bộ ngành Toà án, đặc biệt là đối với Thẩm phán khi mà số lượng các vụ án tranh chấp về dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình ngày một gia tăng. Trong điều kiện không thể tăng biên chế Thẩm phán tương ứng với sự gia tăng số lượng công việc và ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp thì việc xây dựng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn với một trình tự, thủ tục đơn giản, thời gian giải quyết ngắn sẽ giúp cho các Thẩm phán nâng cao hiệu quả trong công tác xét xử, chủ động giải quyết được số các vụ án có nội dung đơn giản, chứng cứ rõ ràng, giá ngạch thấp. Do vậy, Thẩm phán sẽ có thời gian tập trung nghiên cứu, giải quyết các vụ án có tính chất phức tạp đòi hỏi một trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ.

Thứ hai, những quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục rút gọn

Về khái niệm

Điều 316 quy định: “Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật”.

Như vậy, thủ tục rút gọn là một chế định mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Mục đích của việc áp dụng thủ tục rút gọn là để giải quyết vụ án dân sự với trình tự, thủ tục đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường, nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.

Về các điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn

Thủ tục rút gọn không áp dụng để giải quyết việc dân sự chỉ áp dụng để giải quyết vụ án dân sự khi có đầy đủ ba điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 317: (1) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ. (2) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng. (3) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thủ tục rút gọn được áp dụng ngay cả tranh chấp có giá trị trên một trăm triệu đồng chứ không phải chỉ dưới một trăm triệu đồng như trước đây theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hay nói cách khác, tiêu chí này không phân biệt giá trị tranh chấp. Đây là một điều hết sức hợp lý bởi giá trị tranh chấp mặc dù lớn hay nhỏ nhưng tính chất đơn giản, đương sự thừa nhận sự việc thì vẫn xét xử theo thủ tục rút gọn, không nên kéo dài việc giải quyết vụ án.

Về thành phần, trình tự giải quyết thủ tục tố tụng dân sự rút gọn

Việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn được thực hiện ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm; Thành phần Hội đồng xét xử sở thẩm và phúc thẩm chỉ do một thẩm phán tiến hành (Điều 65); tại cấp sơ thẩm, việc xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn không có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 11).

Trình tự thủ tục rút gọn được quy định tại Phần thứ tư Bộ luật tố tụng dân sự từ Điều 316 đến Điều 324; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết vụ án.

Về thời hạn giải quyết

Kèm theo các điều kiện nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng thì việc quy định thời hạn ngắn nhất để giải quyết vụ án là điều không thể thiếu, do đó, trong thời gian 01 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án sơ thẩm, thẩm phán phải ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử (Điều 318). Và ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì thời hạn này cũng chỉ 01 tháng (Điều 323). Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử ở cả giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm chỉ là 02 tháng, giảm 04 tháng so với thủ tục thông thường (chưa kể thời gian gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với thủ tục thông thường).

Một điểm đặc biệt hơn là ngay cả việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm cũng không làm mất đi hiệu lực của thủ tục rút gọn, và khi lí do tạm đình chỉ không còn thì vụ án vẫn được tiếp tục xét xử theo thủ tục này (khoản 3, Điều 323). Chỉ khi xuất hiện tình tiết mới hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì vụ án mới chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Về hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn

Điều 321 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Bản án quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm rút gọn. Bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn cũng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (Điều 319, 320), thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ 04 điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. Bên cạnh đó, việc áp dụng thủ tục này chỉ tiến hành ở cấp sơ thẩm, nếu vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hay xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì cũng không được giải quyết theo thủ tục này.

Khác với tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định vụ án được xét xử rút gọn ở cả giai đoạn phúc thẩm, đây là điểm tiến bộ và cần thiết bởi vì nếu vụ án được xét xử nhanh chóng ở giai đoạn sơ thẩm nhưng đến giai đoạn xét xử phúc thẩm lại bị kéo dài, điều đó sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc rút gọn.

Về mức án phí

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 326/2016/UBTTQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định: “đối với vụ án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí bằng 50% mức án phí quy định tại mục A Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này”. Đây là quy định hoàn toàn phù hợp vì những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn là những vụ án đơn giản, cần xét xử nhanh nên các chi phí đi lại, thuê luật sư, thu thập chứng cứ… đều ở mức thấp. Tòa án cũng không phải tiến hành nhiều thủ tục tố tụng mà gần như chỉ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đương sự cung cấp; không phát sinh chi phí giám định, định giá, thu thập chứng cứ…

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng nhóm tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp:

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn.