Thời hạn xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Xét xử phúc thẩm là việc Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể về thời hạn xét xử phúc thẩm. Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện việc xét xử phúc thẩm theo đúng thời hạn luật định.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự như sau: “1. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tuỳ từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây: (a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; (b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; (c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng. 2. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng. 3. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. 4. Thời hạn quy định tại Điều này không áp dụng đối với vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài.

Theo quy định trên, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là 02 tháng, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng. Như vậy tối đa trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải ra một trong các quyết định: (i) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; (ii) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; (iii) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đồng thời, Điều 499 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự như sau: “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành nếu có khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định của Chương này mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của Bộ luật này.”

Như vậy, khi Tòa án ban hành một trong các quyết định: Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, cơ quan, cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại các quyết định trên nếu có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật. Trường hợp đã hết thời hạn 02 tháng đối với trường hợp bình thường hoặc 03 tháng đối với trường hợp Tòa án kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử mà Tòa án không ban hành một trong các quyết định trên, cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có thể khiếu nại về hành vi đó với Chánh án Tòa án đang thụ lý vụ án.

Luật gia Nguyễn Thị Phương Hoa - Phòng tư vấn pháp luật trực tuyến của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@everest.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.