Thời điểm thực hiện quyền của bị đơn đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn

Bị đơn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong hai giai đoạn tố tụng: giai đoạn xét xử phúc thẩm; giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Về nguyên tắc, đương sự có quyền tự mình định đoạt đối với yêu cầu của mình mà không chủ thể nào khác có quyền can thiệp. Tuy nhiên, nguyên tắc này có ngoại lệ: Pháp luật tố tụng dân sự quy định cho bị đơn quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luậta tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, bị đơn chỉ có quyền can thiệp vào việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn khi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã được giải quyết bằng bản án, quyết định trước đó. Nếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mới được xét xử sơ thẩm lần đầu tiên thì bị đơn không được thực hiện quyền này. Như vậy, trong suốt quá trình tố tụng, không phải bất cứ giai đoạn nào bị đơn cũng có quyền can thiệp vào việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, mà việc can thiệp của bị đơn chỉ giới hạn trong những giai đoạn tố tụng nhất định.

Việc đưa ra giới hạn về thời gian của Bộ luật Tố tụng dân sự là hợp lý vì trong tố tụng dân sự, các đương sự có quyền quyết định và tự định đoạt đối với các yêu cầu của mình, nếu để các đương sự khác can thiệp quá sâu vào việc định đoạt của đương sự khác thì sẽ không đảm bảo nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự và nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự; dẫn đến tình trạng bảo vệ tốt quyền lợi cho một bên nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên khác. Một đương sự chỉ có quyền đưa ra ý kiến với quyền định đoạt yêu cầu của đương sự khác khi sự định đoạt yêu cầu đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ.

Bị đơn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong hai giai đoạn tố tụng: giai đoạn xét xử phúc thẩm; giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thứ nhất, bị đơn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Theo khoản 1 Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong trường hợp này được thực hiện trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, cụ thể là trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm.

Giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án dân sự bắt đầu khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý đơn kháng cáo và/hoặc đơn kháng nghị của các chủ thể có thẩm quyền. Nghĩa là, về nguyên tắc, phải có kháng cáo hoặc kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền và Tòa án đã thụ lý kháng cáo, kháng nghị đó thì mới có thể phát sinh giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (Nghị quyết 06) thì: Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm nhận được văn bản trả lời của bị đơn đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, thì không phân biệt trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị có đương sự nào kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị hay không, Tòa án cấp sơ thẩm đều phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị, văn bản rút đơn khởi kiện cho Tòa án cấp phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 269 của BLTTDS mở phiên Tòa giải quyết vụ án theo thủ tục chung (điểm b khoản 2 Điều 18).

Tác giả đồng ý với hướng giải quyết của Nghị quyết 06, vì mặc dù hướng dẫn tại Nghị quyết không đúng với trình tự thủ tục giải quyết vụ án dân sự thông thường nhưng hướng giải quyết này khá hợp lý, đúng với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt trong tố tụng dân sự và thuận tiện cho Tòa án cũng như các đương sự khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án. Bởi vì, việc giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án suy cho cùng cũng là giải quyết tranh chấp về quyền lợi giữa các bên đương sự, nếu các bên đương sự đã thống nhất ý chí về cùng một vấn đề và sự thống nhất này không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì Tòa án nên công nhận.

Bên cạnh đó, hướng giải quyết của Nghị quyết 06 cũng giúp giảm bớt những thủ tục tố tụng, tiết kiệm thời gian cho Tòa án cũng như các đương sự.

Vì vậy, văn bản hướng dẫn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng cần kế thừa quy định này trong Nghị quyết 06 để việc giải quyết vụ án trên thực tế được thống nhất.

Thứ hai, bị đơn có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm

Đây là nội dung mới được bổ sung trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tác giả cho rằng bổ sung của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là hợp lý vì về bản chất việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn tại giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm cũng giống như trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, một cách khái quát là nguyên đơn rút đơn khởi kiện sau khi yêu cầu của nguyên đơn đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, cách thức “ứng xử” của Tòa án trong hai trường hợp này cần có sự tương đồng.

Hơn nữa, điểm mới quan trọng này giúp khắc phục vướng mắc trong trường hợp vụ án đã được xét xử và bản án có hiệu lực thi hành, cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án xong, sau đó có quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm tuyên hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại. Khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án, nguyên đơn đã nhận được tài sản theo đúng yêu cầu khởi kiện nên họ xin rút đơn khởi kiện hoặc cố tình không có mặt để làm việc theo giấy triệu tập của Tòa án.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 217Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn.

Vấn đề đặt ra, trường hợp Tòa án xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có bản án phúc thẩm (bản án của Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm) mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì có bắt buộc phải được sự đồng ý của bị đơn Tòa án mới đình chỉ giải quyết vụ án không? Với quy định hiện hành thì bị đơn không được quyền can thiệp vào việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm sau khi đã có bản án phúc thẩm. Điều này không hợp lý vì giai đoạn sơ thẩm sau khi có bản án phúc thẩm, giai đoạn sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hay giai đoạn phúc thẩm đều là các giai đoạn tố tụng sau khi vụ án đã được giải quyết tại Tòa án (ít nhất) một lần. Trong khi đó, mục đích của việc quy định cho bị đơn quyền đồng ý hay không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn là nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đương sự trong vụ án, nhất là bị đơn, vì yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên đã tốn thời gian, công sức, tiền bạc tham gia quá trình tố tụng kể từ khi nhận được thông báo thụ lý của Tòa án cho đến khi Tòa án ra bản án, quyết định. Do đó, việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn sau khi đã trải qua quá trình tố tụng nói trên cần phải được sự đồng ý của bị đơn.