Thời điểm chuyển rủi ro hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định như thế nào?

Rủi ro là những hư hỏng, mất mát đối với hàng hóa do nhiều nguyên nhân gây ra như trộm cắp, thiên tai, …Trong thực tế việc xác định bên nào chịu rủi ro, thời điểm chuyển rủi ro có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hợp đồng, giải quyết các tranh chấp...

Hỏi: Công ty tôi dự định bán 100 tấn vôi cho công ty xây dựng B ở Cần Thơ để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của họ. Gần đây thời tiết đang mưa phùn ẩm ướt mà phía bên đối tác yêu cầu vôi phải khô không được có độ ẩm vượt quá 20%. Chúng tôi lo lắng trong quá trình giao hàng cho bên B sẽ gặp sự cố về chất lượng của vôi nên muốn quy định thêm một điều khoản về chuyển rủi ro hàng hóa trong hợp đồng giao kết giữa các bên. Ban đầu qua liên lạc bằng email với Công ty B, chúng tôi đã thỏa thuận công ty tôi sẽ chở hàng ra cảng Hải Phòng và giao hàng cho một công ty vận chuyển X để chuyển tới Tân cảng Cái Cui cho bên B. Đề nghị Luật sư tư vấn giúp tôi các trường hợp chuyển rủi ro hàng hóa khi thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa và trường hợp của công ty tôi thì rủi ro được chuyển cho bên mua khi nào? Tôi xin chân thành cảm ơn. (Tố Như- Việt Trì)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Luật gia Đoàn Thị Bích - Tổ tư vấn pháp luật Thương mại của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Rủi ro là những hư hỏng, mất mát đối với hàng hóa do nhiều nguyên nhân gây ra như trộm cắp, thiên tai, hỏa hoạn, môi trường…Trong thực tế việc xác định bên nào chịu rủi ro, thời điểm chuyển rủi ro có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hợp đồng, giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa.

Về nguyên tắc chuyển rủi ro trước hết pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các bên: Các bên đã thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro thì thời điểm chuyển rủi ro được xác định theo thỏa thuận đã xác lập.

Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm chuyển rủi ro của hàng hóa căn cứ theo quy định tại Luật Thương mại năm 2005 các điều 57, 58, 59, 60, 61 cụ thể như sau:

1.Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.

2. Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hoá và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.

3. Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hàng hoá đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá;

- Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua

4. Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.

5. Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp khác được quy định như sau:

- Trong trường hợp không được quy định tại các điều 57, 58, 59 và 60 của Luật Thương mại năm 2005 thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;

- Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hoá không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.

Như vậy trường hợp của công ty chị thuộc trường hợp giao hàng khi không có địa điểm giao hàng xác định. Rủi ro về hàng hóa trong trường hợp này sẽ được chuyển cho công ty B khi công ty chị giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên là người của công ty vận chuyển X có thể là chủ tàu chuyên chở hàng hóa.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@everest.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật thương mại mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.