Thành viên độc lập hội đồng quản trị trong công ty đại chúng

Thành viên độc lập HĐQT là thành viên HĐQT có sự độc lập trong quan hệ nhân thân, tài sản, sở hữu đối với công ty đại chúng và người quản lý, điều hành tại công ty đại chúng.

Cụm từ “thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập” được sử dụng trước đây tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được Luật Doanh nghiệp năm 2014 thay thế bằng cụm từ “thành viên độc lập HĐQT”.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Về bản chất, việc sử dụng cụm từ “thành viên HĐQT độc lập” có nội hàm đồng nhất với cụm từ “thành viên độc lập HĐQT”. Tuy nhiên, việc đảo cụm từ “độc lập” lên trước cụm từ “HĐQT” không chỉ là thay đổi đơn thuần về mặt từ ngữ mà còn bao gồm hàm ý nhấn mạnh tính “độc lập” đối với HĐQT.

Hướng sửa đổi của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là thuyết phục và sẽ là cơ sở pháp lý rõ ràng giúp nhận thức một cách đúng đắn, đầy đủ về tính độc lập, vai trò của thành viên độc lập HĐQT trong công ty đại chúng nói riêng và công ty cổ phần nói chung.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã ghi nhận một cách chính thống cụm từ “thành viên độc lập HĐQT”, do đó cụm từ “thành viên độc lập HĐQT” cần được sử dụng một cách thống nhất tại các tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng nên sử dụng thống nhất cụm từ “thành viên độc lập HĐQT” và có quy định rõ ràng, giải thích cụm từ “thành viên độc lập HĐQT” để tạo thuận lợi, tránh cách hiểu khác nhau trong việc vận dụng, áp dụng pháp luật khi thực hiện các quy định mới của pháp luật về quản trị công ty.

Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng nên quy định, làm rõ cụm từ “thành viên độc lập HĐQT” theo hướng xác định: Thành viên độc lập HĐQT là thành viên HĐQT có sự độc lập trong quan hệ nhân thân, tài sản, sở hữu đối với công ty đại chúng và người quản lý, điều hành tại công ty đại chúng.

Thứ nhất, vai trò của thành viên độc lập Hội đồng quản trị

Các lý thuyết và thông lệ tốt về quản trị công ty đã khẳng định vai trò của thành viên độc lập HĐQT là rất quan trọng đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động quản trị công ty trong công ty đại chúng. Theo các thông lệ tốt về quản trị công ty, các thành viên độc lập HĐQT có thể đóng góp vào những quyết định quan trọng của quản trị công ty, đặc biệt là trong việc đánh giá thành tích điều hành, đặt ra mức thù lao đối với cán bộ điều hành và thành viên HĐQT, rà soát báo cáo tài chính và giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Các thành viên độc lập HĐQT đem lại cho cổ đông niềm tin rằng những quyết định mà HĐQT đưa ra là vô tư và không thiên vị.

Thực tế cho thấy, thành viên HĐQT trong công ty đại chúng chủ yếu là những người của cổ đông lớn, cổ đông chi phối và do đó, các quyết định của HĐQT phần nào đó gắn với lợi ích của những cổ đông này. Thực trạng này thường dẫn đến việc những quyết định được HĐQT đưa ra có thể bỏ qua hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông thiểu sổ và các chủ thể khác như chủ nợ, người lao động, khách hàng...

Trong trường hợp này, thành viên độc lập HĐQT với đặc điểm là những đối tượng độc lập, không có quan hệ về lợi ích hoặc quan hệ nhân thân với những người quản lý, điều hành, những cổ đông lớn, cổ đông chi phối của công ty đại chúng nên những ý kiến, quyết định mà thành viên này đưa ra sẽ đảm bảo tính khách quan và thường hướng đến trước hết là lợi ích chung cho công ty đại chúng, tức là cũng để đảm bảo cho quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị ảnh hưởng bởi các quyết định của HĐQT.

Theo đó, các ý kiến và quyết định được đưa ra bởi thành viên độc lập HĐQT sẽ nâng cao được tính khách quan trong quá trình làm việc, cũng như quyết nghị cuối cùng của HĐQT, góp phần hài hòa các lợi ích giữa các chủ thể có liên quan. Sự tham gia của thành viên độc lập HĐQT sẽ đảm bảo cho tính minh bạch trong quá trình tổ chức và hoạt động của công ty đại chúng, ngăn ngừa việc che giấu, bưng bít các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của công ty đại chúng, các giao dịch có dấu hiệu tư lợi có khả năng dẫn đến những sai phạm, tổn thất, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các chủ thể có liên quan.Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQT và cải thiện chất lượng quản trị công ty tại công ty đại chúng.

Chính vì vậy, để có cơ sở xác định rõ ràng vị trí, vai trò của thành viên độc lập HĐQT, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của thành viên độc lập HĐQT, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng nên có quy định rõ ràng theo hướng:
(-) Quy định thành viên độc lập HĐQT có vai trò thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát hoạt động của HĐQT nhằm nâng cao tính khách quan, minh bạch, hiệu quả và chất lượng các quyết định của HĐQT; (-)Quy định thành viên độc lập HĐQT phải trình bày, công bố báo cáo đánh giá của mình tại Đại hội đồng cổ đông về hoạt động của HĐQT.

Thứ hai, tiêu chuẩn, điều kiện làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị

Xuất phát từ tính chất độc lập khi tham gia HĐQT, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chung đối với thành viên HĐQT, thành viên độc lập HĐQT còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện riêng để đảm bảo tính độc lập của mình. Các tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên độc lập HĐQT là yếu tố đầu tiên để khẳng định sự khác biệt của chủ thể này đối với những thành viên còn lại của HĐQT.

Vì thế, tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tiêu chuẩn thành viên độc lập HĐQT: (i) Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó; (ii) Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên HĐQT được hưởng theo quy định; (iii) Không phải là người có vợ hoặc chồng; cha, mẹ đẻ; cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột là cổ đông lớn của công ty, là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty; (iv) Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty; (v) Không phải là người đã từng làm thành viên của HĐQT, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó. Từ đó, có thể thấy các tiêu chuẩn, điều kiện về tính độc lập đối với thành viên độc lập HĐQT trong công ty đại chúng có thể chia thành 02 nhóm tiêu chuẩn, điều kiện gồm:

Một là, các tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo tính độc lập về quan hệ tài sản:

Đây là nhóm các tiêu chuẩn, điều kiện giúp đảm bảo rằng những quyết định của thành viên độc lập HĐQT không nhằm thu về những khoản lợi ích về tài sản cho chính cá nhân và người liên quan của họ gồm: (i) Không phải là người đang hưởng lương, thù lao thường xuyên của công ty đại chúng ngoài những khoản phụ cấp của thành viên HĐQT được hưởng theo quy định; (ii) Không trực tiếp, gián tiếp sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu từ 1% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của công ty đại chúng; không cùng người có liên quan sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của công ty đại chúng; (iii) Không phải là đối tác hoặc người có liên quan của đối tác có giá trị giao dịch hàng năm với công ty đại chúng chiếm từ 30% trở lên tổng doanh thu hoặc tổng giá trị, hàng hóa dịch vụ mua vào của công ty đại chúng trong 02 năm gần nhất.

Hai là, các tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo tính độc lập về quan hệ nhân thân:

Đây là nhóm các tiêu chuẩn, điều kiện để đảm bảo thành viên độc lập HĐQT không có bất kỳ mối liên hệ nào với công ty đại chúng (bao gồm cả mối liên hệ với những cá nhân, tổ chức thuộc công ty đại chúng) trong một khoảng thời gian nhất định trước đó, gồm: (i) Không phải là người đang làm việc cho chính công ty đại chúng hoặc công ty con của công ty đại chúng hoặc đã làm việc cho công ty đại chúng hoặc công ty con của công ty đại chúng trong 03 năm liền kề trước đó; (ii) Không phải là người có vợ, chồng, cha, mẹ, anh, chị, em và vợ, chồng của những người này là cổ đông lớn của công ty đại chúng, người quản lý hoặc thành viên Ban kiểm soát của công ty đại chúng hoặc công ty con của công ty đại chúng; (iii) Không phải là người quản lý, thành viên Ban kiểm soát của công ty đại chúng tại bất kỳ thời điểm nào trong 05 năm liền kề trước đó; (iv) Không làm việc tại tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, kiểm toán cho công ty đại chúng trong 02 năm gần nhất.

Khi xem xét Điều lệ và quy chế quản trị, quy định nội bộ của các công ty đại chúng đều có nội dung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên độc lập HĐQT. Tại hầu hết các công ty đại chúng, nội dung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với thành viên độc lập HĐQT tương đồng với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Một số công ty đại chúng đã quy định trong Điều lệ và Quy chế quản trị một số tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên độc lập cao hơn, chặt chẽ hơn so với các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Tại khoản 2 Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định theo hướng mở, cho phép pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên độc lập HĐQT. Do đó, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng với tư cách là một thành phần quan trọng của pháp luật về chứng khoán nên quy định chi tiết một số tiêu chuẩn, điều kiện làm thành viên độc lập HĐQT theo hướng đảm bảo tính khả thi hơn, nhất là trong thời điểm hiện nay khi thị trường lao động cho đối tượng này còn khá hạn chế và chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cho các đối tượng làm thành viên độc lập HĐQT. Trên thực tế, thị trường lao động Việt Nam hiện nay, các đối tượng tham gia làm thành viên độc lập HĐQT tương đối ít (thường là các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính).

Bởi thế, các tiêu chuẩn, điều kiện làm thành viên độc lập HĐQT nên được thiết kế theo hướng “mềm dẻo” hơn, mở rộng các đối tượng tham gia làm thành viên độc lập HĐQT nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của một thành viên HĐQT nói chung, các đối tượng tham gia làm thành viên độc lập HĐQT còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện riêng để bảo đảm tính độc lập của mình.

Thứba, quyền và nghĩa vụ của thành viên độc lập Hội đồng quản trị

Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan đều quy định về quyền, nghĩa vụ của thành viên HĐQT. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật này không có bất kỳ quy định nào riêng về quyền, nghĩa vụ của thành viên độc lập HĐQT, không có quy định thể hiện sự khác biệt về quyền, nghĩa vụ giữa thành viên độc lập và các thành viên khác của HĐQT.

Mặc dù các quy định pháp luật hiện hành trao cho công ty đại chúng quyền được quy định trong Điều lệ những nội dung về quyền, nghĩa vụ của HĐQT và thành viên HĐQT đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn quản trị nội bộ, bao gồm cả việc quy định về quyền, nghĩa vụ của thành viên độc lập HĐQT. Nhưng khi rà soát, xem xét một số Điều lệ của công ty đại chúng cho thấy, không có nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ của thành viên độc lập HĐQT. Chính vì vậy, sự tham gia của thành viên độc lập HĐQT trong công ty đại chúng nói chung còn mang tính hình thức, chưa thể hiện được vai trò độc lập của mình như các lý thuyết và thông lệ tốt về quản trị công ty đã thừa nhận.

Việc thiếu vắng những quy định này có thể dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng đến nhận thức về vai trò, cũng như hiệu quả hoạt động của thành viên độc lập HĐQT trong cơ cấu quản trị của công ty đại chúng. Từ đó, có thể thấy việc có những quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của thành viên độc lập HĐQT là thực sự cần thiết, có ý nghĩa về nhiều mặt như thay đổi nhận thức, hiểu biết của các chủ thể về vai trò của thành viên độc lập HĐQT; nâng cao hiệu quả hoạt động thực tế của thành viên độc lập HĐQT đối với hiệu quả hoạt động quản trị công ty trong công ty đại chúng. Do vậy, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng nên bổ sung các nội dung mang tính nguyên tắc chung (các công ty đại chúng cần cụ thể và chi tiết hóa trong các văn bản quy định, quy chế quản trị nội bộ) về quyền và nghĩa vụ của thành viên độc lập HĐQT (ngoài các quyền và nghĩa vụ được quy định chung cho tất cả các thành viên HĐQT), đặc biệt là các quyền của thành viên độc lập HĐQT trong các vấn đề sau:
(i)Giám sát hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng theo quy định của pháp luật và đảm bảo về tính kịp thời, chính xác của các thông tin được công bố; (ii)Tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế chi trả thù lao cho các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban Giám đốc của công ty đại chúng thông qua việc tham gia vào ủy ban về lương thưởng (khuyến nghị của các thông lệ tốt về quản trị công ty là thành viên độc lập nên là chủ tịch của ủy ban này); (iii)Giám sát hoạt động của người quản lý, điều hành tại công ty đại chúng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến giao dịch của những người này và người có liên quan với công ty đại chúng; quyết định phân bổ lợi nhuận của công ty đại chúng...

Có thể thấy, việc quy định đặc thù về quyền và nghĩa vụ của thành viên độc lập HĐQT là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo cho các thành viên này thể hiện được vai trò của mình trong hoạt động quản trị công ty tại công ty đại chúng, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, sự phát triển ổn định của công ty đại chúng.

Thứ tư, thù lao của thành viên độc lập Hội đồng quản trị

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều lệ của công ty đại chúng phải có nội dung quy định về căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho thành viên HĐQT. Các quy định pháp luật hiện hành không trực tiếp quy định về thù lao của thành viên độc lập HĐQT và yêu cầu các công ty đại chúng phải cụ thể hóa nội dung này trong Điều lệ hoặc quy chế nội bộ của mình. Theo đó, vấn đề thù lao của các thành viên HĐQT nói chung, của thành viên độc lập HĐQT do chính các công ty đại chúng xác định trên cơ sở tuân thủ các quy định mang tính nguyên tắc chung phù hợp với quy định của pháp luật.

Vấn đề lương thưởng, thù lao của các thành viên HĐQT là một trong những vấn đề gây tranh luận nhất trong lĩnh vực quản trị công ty, vì vậy các công ty nên lựa chọn một giải pháp thận trọng và cảnh giác trong vấn đề này. Những định mức thù lao quá cao thường được xem là đặc ân của quyền lực và một sự bất công bằng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là định mức thù lao của thành viên HĐQT phải mang tính cạnh tranh, nhưng phải nằm trong giới hạn hợp lý. Cần phải có sự phân biệt giữa thành viên độc lập HĐQT, thành viên điều hành và không điều hành. Thông thường, các thành viên HĐQT điều hành không nhận thêm những khoản thù lao cho công việc của họ trong HĐQT. Các gói lương thưởng cho công tác điều hành của họ được xem là đã bao gồm cả thù lao cho công việc của họ trong HĐQT. Trái lại, các thành viên độc lập HĐQT và thành viên không điều hành cần được trả thù lao. Hình thức trả thù lao thông thường nhất cho các thành viên HĐQT không điều hành là tiền lương.

Các quy định pháp luật hiện hành không bắt buộc công ty đại chúng phải quy định riêng về vấn đề thù lao của thành viên độc lập HĐQT mà trao quyền tự chủ cho công ty đại chúng. Tuy nhiên, qua rà soát một số Điều lệ và các quy định quản trị nội bộ của công ty đại chúng lại không có bất kỳ quy định nào cụ thể hóa, chi tiết hóa việc xác định và chi trả các khoản thù lao riêng đối với thành viên độc lập HĐQT mà chỉ quy định mang tính chất “sao chép” nội dung của các quy định pháp luật như: Đại hội đồng cổ đông quyết định mức thù lao của HĐQT, bao gồm cả thù lao của thành viên độc lập HĐQT (trên cơ sở đề xuất của HĐQT). Trên thực tế, các thông tin về chi trả thù lao cho thành viên độc lập HĐQT hầu như rất khó để tiếp cận. Đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty đại chúng đều thông qua một định mức thù lao chung cho HĐQT (theo đề xuất của HĐQT) và việc phân bổ khoản thù lao này thuộc về thẩm quyền của HĐQT. Điều này có nghĩa là thù lao của các thành viên độc lập HĐQT sẽ được quyết định thông qua biểu quyết tại cuộc họp của HĐQT (theo đa số) và các thành viên điều hành, không độc lập chiếm đa số sẽ định đoạt khoản thù lao đối với thành viên độc lập - vốn là thiểu số trong cơ cấu HĐQT.

Do vậy, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng nên bổ sung các quy định pháp luật về thù lao đối với thành viên độc lập HĐQT theo hướng yêu cầu các quy định nội bộ của công ty đại chúng phải thiết lập một quy chế riêng về thù lao của HĐQT, trong đó có sự phân biệt về thù lao của thành viên độc lập HĐQT, thành viên điều hành và thành viên không điều hành.

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn