Thanh toán tín dụng chứng từ - những điểm cần lưu ý

Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ được quy định trong Bản quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ số 600 (The Uniform Customs and Practice for documentary Credits UCP 600).

Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là một thỏa thuận, trong đó một ngân hàng (ngân hàng mở thư tín dụng) theo yêu cầu của khách hàng (người xin mở thư tín dụng) cam kết sẽ trả một số tiền nhất định cho người khác (người hưởng lợi số tiền của thư tín dụng) hoặc chấp nhận hối phiếu do người này ký phát trong phạm vi số tiền đó khi người này xuất trình cho ngân hàng bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những qui định đề ra trong thư tín dụng.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Trong thương mại quốc tế, phương thức thanh toán tín dụng chứng từ đảm bảo quyền lợi cho người xuất khẩu thu được đúng, đủ tiền hàng hóa hoặc dịch vụ và đảm bảo cho người nhập khẩu chỉ phải thanh toán khi người xuất khẩu đã giao hàng, lập hoàn chỉnh bộ chứng từ thanh toán.
Khi sử dụng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ trong quá trình đàm phán và kí kết hợp đồng thương mại quốc tế, các bên cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:

1. Loại thư tín dụng (L/C)
Người xuất khẩu nên lựa chọn thư tín dụng không thể hủy ngang có xác nhận và không được truy đòi vì loại thư này đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người xuất khẩu. Đây là loại thư không thể bị sửa đổi, được một ngân hàng xác nhận đảm bảo trả tiền theo yêu cầu của ngân hàng mở L/C. Loại thư tín dụng này đảm bảo chắc chắn người xuất khẩu thu được tiền, ổn định và không phải truy hoàn lại tiền.
Đối với người nhập khẩu thì không nên chấp nhận mở thư tín dụng yêu cầu xác nhận và miễn truy đòi.

2. Ngân hàng mở L/C và ngân hàng xác nhận
Ngân hàng mở L/C phải là ngân hàng có địa vị và uy tín trên thị trường quốc tế, là ngân hàng có tín nhiệm. Trong trường hợp người xuất khẩu chưa tin tưởng vào ngân hàng mở L/C thì phải yêu cầu ngân hàng mở L/C phải có một ngân hàng khác xác nhận. Ngân hàng xác nhận có thể do người xuất khẩu chỉ định.

3. Ngày mở L/C và ngày hết hạn hiệu lực của L/C
Người nhập khẩu thường muốn L/C chậm, càng gần sát ngày giao hàng càng tốt để đỡ bị đọng vốn. Người xuất khẩu thì ngược lại, muốn L/C được mở càng sớm càng tốt, để kịp thời gian chuẩn bị hàng. Đối với thời hạn hiệu lực của L/C cũng vậy. Nếu bộ chứng từ thanh toán không được xuất trình trong thời hạn hiệu lực của L/C thì người xuất khẩu sẽ không đòi được tiền từ ngân hàng mở L/C. Vì vậy, người xuất khẩu muốn kéo dài thời hạn hiệu lực của L/C, để có đủ thời gian chuẩn bị bộ chứng từ thanh toán sau khi giao hàng. Còn người nhập khẩu thì lại muốn rút ngắn thời hạn hiệu lực L/C, cần chú ý đảm bảo một khoảng thời gian hợp lý đủ để người xuất khẩu giao hàng xong, lập bộ chứng từ thanh toán và luân chuyển chứng từ tới ngân hàng trả tiền. Ngoài việc qui định ngày hết hạn L/C là một ngày cụ thể, cần qui định số ngày tối đa phải xuất trình chứng từ kể từ ngày giao hàng xong. Nếu trong thư tín dụng không qui định thời hạn này, thì thời hạn này là 21 ngày.

4. Thời gian nhận được tiền sau khi giao chứng từ
Người xuất khẩu cần giảm thời gian này để thu hồi vốn nhanh bằng cách thỏa thuận địa điểm kiểm tra chứng từ là nước người xuất khẩu, và/ hoặc phương thức chuyển tiền bằng điện nhanh hơn bằng thư.
Đối với người nhập khẩu thì qui định ngược lại sẽ tạo điều kiện cho người nhập khẩu nhận được ngay chứng từ khi thanh toán, và nếu qui định trả tiền bằng điện, thì phải yêu cầu người xuất khẩu thanh toán tiền điện phí.

5. Bộ chứng từ thanh toán
Bộ chứng từ thanh toán là vấn đề quan trọng nhất trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ. Trong thương mại quốc tế, các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu thường sử dụng thuật ngữ “mua bán bộ chứng từ” để chỉ quá trình chuyển giao bộ chứng từ và thanh toán chính là quá trình xác lập quyền sở hữu hàng hóa hay dịch vụ đối với người nhập khẩu và tiền hàng đối với người xuất khẩu. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, một số vấn đề về bộ chứng từ cần phải được lưu ý:
- Người nhập khẩu khi yêu cầu về chứng từ trong thư tín dụng phải chú ý để đảm bảo nhận được hàng đúng như thỏa thuận trong hợp đồng. Bộ chứng từ phải bao gồm: vận tải đơn, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng, giấy chứng nhận số lượng. Ngoài ra tùy thuộc vào hợp đồng, có thể phải yêu cầu thêm các chứng từ khác như: Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc Bảo hiểm đơn, Giấy chứng nhận kiểm dịch và Giấy chứng nhận vệ sinh,…
- Người xuất khẩu cần chú ý kiểm tra L/C có được ký phát phù hợp với hợp đồng thương mại quốc tế hay không, tránh việc người nhập khẩu lợi dụng đưa vào những điều khoản không quy định trong hợp đồng, gây bất lợi cho người xuất khẩu. Ngay sau khi giao hàng, phải nhanh chóng lập bộ chứng từ thanh toán phù hợp với L/C, xuất trình cho ngân hàng để thanh toán.

Luật gia Lưu Thị Phượng - Phòng cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp.

Quý Khách hàng yêu cầu cung cấp dịch vụ có thể liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest theo một trong các phương thức sau:
  1. Giao dịch trực tiếp tại các địa chỉ sau: (i) Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội; (ii) Chi nhánh Hà Nội: Tầng 2 Tòa nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội; (iii) Trung tâm thực hành nghề luật - Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
  2. Gọi điện thoại tới Tổng đài tư vấn 1900 6198
  3. Liên hệ qua phương thức điện tử (trực tuyến): E-mail info@everest.net.vn; Zalo số (0936978889); Facebook: https://www.facebook.com/congtyluateverest/