Quyền lợi của người lao động khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động?

Lao động

Hỏi: Tôi bắt đầu làm việc từ T10/2013, sau thời gian thử việc 2 tháng, chính thức ký hợp đồng vào ngày 01.01.2014 và kết thúc hợp đồng vào ngày 31.12.2014 (hợp đồng thời hạn 1 năm); Năm 2015, công ty tiếp tục ký hợp đồng từ 01.01.2015 và kết thúc 31.12.2015. Trong thời gian này, tôi nghỉ thai sản từ 04/2015 đến 10/2015. Theo quy định, đến 11/2015 tôi sẽ trở lại làm việc tại công ty. Nhưng công ty đã có email cho tôi, thỏa thuận rằng Công ty sẽ trả lương cho tôi vào tháng 11, 12/2015 và tôi không cần đến công ty với lý do đã có người thay thế. Công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 01.01.2014 đến 04.2015. Đề nghị luật sư tư vấn:1. Công ty làm như thế đúng luật hay không? 2.Và ngoài khoản lương thỏa thuận trên tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc không? 3. Trong hợp đồng lao động có quy định về lương tháng 13 sẽ trả vào cuối năm dương lịch, như vậy tôi có thể nhận được khoản lương này không? (Đào Tuấn - Hà Nội)

 >>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Hoa - tổ tư vấn pháp luật lao động công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo như thông tin anh (chị) cung cấp thì anh (chị) nghỉ thai sản từ tháng 4/2015 đến 10/2015 và sau đó công ty có gửi mail đề nghị anh (chị) không làm việc tại công ty nhưng vẫn được trả lương cho đến khi hết hạn hợp đồng. Theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2012 thì nếu anh (chị) đồng ý với thỏa thuận đó thì được xem là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ Luật lao động .

Thứ nhất về việc công ty yêu cầu anh (chị) không phải đến làm việc nhưng vẫn trả lương và không đóng bảo hiểm cho anh (chị) khi nghỉ thai sản.

Theo quy định tại Điều 158 Bộ Luật lao động 2012 thì sau khi hết thời hạn nghỉ thai sản lao động nữ có quyền được quay trở lại làm việc.

Điều 158. Bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản

"Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản"

Tuy nhiên pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên do vậy nếu anh (chị) đồng ý với thỏa thuận của công ty thì anh (chị) có thể chấm dứt hợp đồng lao động với công ty với mức bồi thường bằng hai tháng lương như trên. Nếu không đồng ý thì anh (chị) có quyền quay lại công ty để làm việc.

Đối với vấn đề công ty không đóng các loại bảo hiểm cho anh (chị) trong thời gian anh (chị) nghỉ hưởng chế độ thai sản là đúng quy định của pháp luật.

Theo Luật bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung năm 2014 có sửa đổi Điều 13 Luật bảo hiểm y tế, Luật này có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2015 thì thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản vẫn phải đóng bảo hiểm y tế, mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

Điều 13. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

"1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau: a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thìmức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;”

Do đó trong thời gian anh (chị) nghỉ hưởng chế độ thai sản thì công ty không phải đóng bảo hiểm y tế mà do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

Về bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.

Điều 35. Mức hưởng chế độ thai sản

"...2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội"

Theo đó thời gian này công ty cũng không phải đóng bảo hiểm xã hội cho anh (chị) nhưng vẫn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Về bảo hiểm thất nghiệp :

Điều 8 –Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Đóng bảo hiểm thất nghiệp:

1. Phương thức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, được hướng dẫn thực hiện như sau: "Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng mức bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trích 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp".

2. Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 3 Điều 27 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP, được hướng dẫn thực hiện như sau:"Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ mười bốn ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc".

Căn cứ vào Nghị định 28/2015/CĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có quy định về thời gian đóng BHTN như sau:

Điều 12 - Nghị định 28/2015/CĐ-CP. Đóng bảo hiểm thất nghiệp

"1. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. 2. Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau: a) Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;..."

Căn cứ vào hai quy định, thì thời gian đang đóng BHTN của người lao động nữ là thời gian liền kề trước thời điểm nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. trong thời gian nghỉ thai sản công ty anh (chị) cũng như người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc và Bảo hiểm thất nghiệp.

Vì vậy, công ty không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho anh (chị) trong thời gian anh (chị) nghỉ hưởng chế độ thai sản là đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, về vấn đề hưởng trợ cấp thôi việc.

Điều 48."1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. 3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc".

Anh (chị) đã làm việc từ 1/1/2014 đến 10/2015 do vậy chị sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc nữa mà chị sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ ba, về tiền lương tháng thứ 13 thì vấn đề này tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên khi chấm dứt hợp đồng hoặc trong hợp đồng lao động khi hai bên chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Nếu như không có thỏa thuận thì chị sẽ không được hưởng vì theo thỏa thuận chị đã chấm dứt hợp đồng lao động với công ty từ tháng 10/2015. Trong trường hợp trên nếu chị thỏa thuận với công ty chị không đi làm việc mà vẫn hưởng lương và vẫn chưa chấm dứt hợp đồng lao động thì về mặt pháp lý quan hệ lao động vẫn còn tồn tại, khi đó chị vẫn có thể được hưởng tháng lương thứ 13. Tuy nhiên theo chúng tôi thì công ty đang muốn chấm dứt hợp đồng với chị trước thời hạn. Do vậy rất khó để chị được hưởng tháng lương này.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.