Quy định về thương nhân trong luật thương mại

Nội dung chủ yếu của Luật Thương mại quy định về thương nhân và hành vi thương mại của họ. Do vậy, ở tất cả các quốc gia, thương nhân luôn là chủ thể chủ yếu của Luật Thương mại.

Theo quy định tại Điều 6, Luật thương mại năm 2005 thì thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.

Luật sư tư vấn pháp luật thương mại - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật thương mại - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Thương nhân - chủ thể chủ yếu của Luật Thương mại

Thương nhân bao gồm doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác, thường xuyên tham gia vào các quan hệ thương mại, giữ vị trí trung tâm ở tất cả các quan hệ thương mại và tham gia vào quan hệ pháp luật khác cần phải thực hiện trong quá trình hoạt động thương mại, bao gồm quan hệ đầu tư góp vốn, hợp đồng thương mại, đăng kí kinh doanh, giải quyết tranh chấp thương mại, giải thể, phá sản...

Thương nhân cũng chiếm vị trí chủ thể chủ yếu do số lượng đông và ngày càng phát triển. Tính đến tháng 01/2016, cả nước có khoảng 535.920 doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể đến các thương nhân là hợp tác xã, là người kinh doanh nhỏ.

Doanh nghiệp và các thương nhân khác hoạt động ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế và thuộc nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế khác nhau, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, quyết định sự phát triển của nền kinh tế.

Thương nhân là chủ thể chủ yếu của Luật Thương mại, xuất hiện trong các trường hợp sau đây:

- Thương nhân là chủ thể đầu tư, góp vốn để thành lập doanh nghiệp.

Trừ một số trường hợp bị hạn chế quyền tiếp tục đầu tư, góp vốn, các thương nhân là cá nhân, pháp nhân được quyền đầu tư, góp vốn để thành lập doanh nghiệp khác và trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp đó.

Ví dụ: Công ti TNHH một thành viên Hồng Hà có quyền đầu tư 100% vốn để thành lập một công ti con (Công ti TNHH Hồng Hà miền Trung) và trở thành công ti mẹ của công ti này. Hoặc Công ti TNHH một thành viên Hồng Hà có quyền góp vốn cùng với các tổ chức, cá nhân khác để thành lập CTCP Đông Đô và trở thành một cổ đông của Công ti Đông Đô.

Trong các trường hợp này, thương nhân là chủ thể của quan hệ đầu tư, phải tuân thủ quy định pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về đầu tư.

- Thương nhân là chủ thể thực hiện các hoạt động thương mại như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại, xúc tiến thương mại...

Chức năng của thương nhân trong hoạt động thương mại

Chức năng, nhiệm vụ chính của thương nhân là hoạt động thương mại nhằm mục tiêu lợi nhuận. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu đó, thương nhân hoạt động thương mại với tính chất nghề nghiệp, thường xuyên, liên tục và là chủ thể chủ yếu trong các quan hệ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại, xúc tiến thương mại...

- Thương nhân là chủ thể thực hiện các hoạt động đăng kí kinh doanh (đăng kí thành lập doanh nghiệp, đăng kí thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp).

Bên cạnh việc khẳng định và bảo hộ quyền tự do kinh doanh của thương nhân, nhà nước cũng khẳng định vai trò của mình trong quản lí về kinh tế và kiểm soát việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, theo đó, ai kinh doanh, kinh doanh cái gì, kinh doanh ở đâu, mức vốn bao nhiêu... đều phải đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp và khi doanh nghiệp đang hoạt động nhưng có thay đổi những thông tin này. Thực hiện các thủ tục bắt buộc này là căn cứ để xác định tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh của thương nhân khi họ sử dụng quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp đã quy định.

- Thương nhân là chủ thể thực hiện các hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp (hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi doanh nghiệp), là chủ thể thực hiện các hoạt động rút khỏi thị trường (giải thể, phá sản doanh nghiệp) và là chủ thể của tranh chấp thương mại và quan hệ giải quyết tranh chấp thương mại.

Bài viết được thực hiện bởi Luật gia Nguyễn Thu Trang - Công ty Luật TNHH Everest.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.