Quy định về hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại

HĐXXPT chỉ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi việc điều tra không đầy đủ có ảnh hưởng đế việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Đối với trường hợp hủy bản án để điều tra lại, theo quy định tại khoản 1 Điều 250 BLTTHS thì “Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được”.

BLTTHS lại không quy định thế nào là “điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ”. Cho nên, để đánh giá việc điều tra ở cấp sơ thẩm có đầy đủ hay không cần phải xem việc điều tra đó có giải quyết được các vấn đề cần phải chứng minh trong VAHS được quy định tại Điều 63 BLTTHS hay không. Đó là: (1) Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; (2) Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; (3) Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; (4) Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
HĐXXPT chỉ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi việc điều tra không đầy đủ có ảnh hưởng đế việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Bên cạnh đó, cần phải hiểu điều tra không đầy đủ bao gồm cả trường hợp đó điều tra đối với vấn đề cần phải chứng minh nhưng việc điều tra đó có vi phạm pháp luật (thủ tục tố tụng) làm cho tài liệu, chứng cứ thu thập không thể dùng để giải quyết vụ án. Ngoài ra, khi có việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, HĐXXPT cần xem xét việc thiếu sót đó có thể khắc phục tại phiên tòa hay không. Nếu có thể làm rõ tại phiên tòa thì cũng không hủy án để điều tra lại.
Đối với trường hợp hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, theo quy định tại khoản 2 Điều 250 BLTTHS, Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần HĐXX mới trong hai trường hợp: (1) Thành phần HĐXX sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng; (2) Người được Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.
Để đánh giá thành phần HĐXX sơ thẩm có đúng quy định pháp luật hay không phải xác định các nội dung: (1) các thành viên HĐXX sơ thẩm có thuộc trường hợp phải thay đổi, từ chối theo quy định tại Điều 42, Điều 46 BLTTHS; (2) trong trường hợp, bị cáo là người chưa thành niên thì Hội thẩm tham gia có phải là đoàn viên hoặc giáo viên theo quy định tại khoản 1 Điều 307 BLTTHS không; (3) trong trường hợp, vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, bị cáo bị đưa ra xét xử với khung hình phạt đến tử hình thì HĐXX có đảm bảo đủ số lượng là 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm không. Khi có một trong các vi phạm trên được xem là căn cứ để HĐXXPT hủy án sơ thẩm để xét xử lại.
Đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, theo quy định tại tiểu mục 4.4 mục 4 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP thì “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp BLTTHS quy định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành theo thủ tục tố tụng đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện” và theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ điều tra bổ sung (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 01/2010) thì “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại khoản 3 Điều 168 và điểm c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án”.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 còn liệt kê các trường hợp được xem là việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, như phân tích bên trên thì sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thuộc trường hợp hủy án để điều tra lại nên trong nội dung này chỉ xem xét trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục ở giai đoạn xét xử sơ thẩm.
Tuy nhiên, dựa vào quy định của BLTTHS thì có thể xác định các vi phạm sau của cấp sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: (1) cấp sơ thẩm xét xử sai thẩm quyền; (2) khi thuộc một trong các trường hợp phải hoãn phiên tòa do vắng mặt người tham gia tố tụng nhưng cấp sơ thẩm vẫn xét xử; (3) triệu tập thiếu người tham gia tố tụng mà theo quy định họ phải có mặt tại phiên tòa; (4) Chủ tọa phiên tòa điều khiển phiên tòa không đúng quy định; (4) nghị án không đúng quy định; (5) việc xét xử không liên tục; (6) Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án thuộc trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đối nhưng vẫn tham gia phiên tòa … Vì vậy, khi có một trong các vi phạm này thì hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại. Ngoài ra, nếu một người mà hành vi của họ đã đáp ứng đầy đủ tất cả các yêu tố cấu thành một tội cụ thể được quy định trong BLHS nhưng TACST lại tuyên họ không phạm tội thì TACPT không được sửa án tuyên bố bị cáo phạm tội mà phải hủy án để xét xử sơ thẩm lại. Quy định này đã khắc phục hạn chế quy định của BLTTHS năm 1988 nhằm đảm bảo quyền bào chữa và quyền kháng cáo của bị cáo.
Bên cạnh các căn cứ bên trên, khi hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Toà án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điều khoản Bộ luật hình sự và hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm sẽ phải áp dụng. Trong trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì HĐXXPT ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung.

Luật gia Vũ Thị Hường, Công ty Luật TNHH Everest