Quản trị công ty đại chúng theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP: Có nhiều ưu điểm mới

Quản trị công ty đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch đối với môi trường đầu tư Việt Nam, cũng như đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nghị định 71/2017/NĐ-CP được ban hành là bước tiến lớn hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty tại Việt Nam.

Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng có hiệu lực từ ngày 1/8/2017 đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung cùng nhiều quy định mới sẽ giải quyết những khúc mắc trong thực tế và chạm đến các thông lệ quản trị tốt nhất. Tuy nhiên, cũng có những điểm mới sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu thêm sức ép khi thực hiện.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, cho phép vay công ty mẹ - con, trong công ty cùng tập đoàn kinh tế.

"1. Công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông là cá nhân và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ trường hợp công ty đại chúng là tổ chức tín dụng." (Khoản 1 Điều 26)
Đây là quy định không mới so với nội dung Thông tư 121/2012/TT-BTC. Thực tế thực thi Thông tư 121/2012/TT-BTC một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn, đặc biệt trong việc điều tiết nguồn lực tài chính giữa các công ty trong cùng một hệ thống. Năm 2016, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt một trường hợp phát sinh giao dịch cho vay giữa công ty con và công ty mẹ do đây là hoạt động không được phép, dù trên thực tế, giao dịch này mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cho cả công ty mẹ và công ty con. Tuy nhiên, cùng nội dung trên, nhưng Nghị định mới đã khắc phục được điểm khó của doanh nghiệp.
Khoản 2, 3, Điều 26 quy định những trường hợp ngoại lệ của Khoản 1, bao gồm: công ty đại chúng là tổ chức tín dụng, cổ đông là công ty con trong trường hợp công ty con là các công ty không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ và đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần của công ty đại chúng trước ngày 1/7/2015; công ty đại chúng và tổ chức là người có liên quan của cổ đông là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và giao dịch này phải được đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị chấp thuận theo quy định tại điều lệ công ty; các trường hợp pháp luật có quy định khác.
Để tránh các trường hợp lách luật trong các giao dịch với người có liên quan, Nghị định 71/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ: trừ trường hợp được đại hội đồng cổ đông chấp thuận, công ty đại chúng không được cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh khoản vay cho các thành viên hội đồng quản trị, kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc), các người quản lý…; các giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch từ 35% trở lên tổng tài sản của công ty đại chúng trên báo cáo tài chính gần nhất với các đối tượng này, cổ đông sở hữu từ 10% vốn cổ phần phổ thông trở lên và người có liên quan của họ; các tổ chức cá nhân trong diện phải công khai thông tin theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, Đại hội đồng cổ đông sẽ thông qua Quy chế nội bộ về quản trị công ty

"1. Quy chế nội bộ về quản trị công ty được Hội đồng quản trị xây dựng, trình Đại hội đồng cổ đông thông qua. Quy chế nội bộ về quản trị công ty không được trái với quy định của pháp luật và Điều lệ công ty." (Điều 7 Nghị định 71/2017/NĐ-CP)
Theo quy định cũ, quy chế nội bộ về quản trị công ty phải được hội đồng quản trị và công bố công khai trên trang điện tử, nhưng với quy định mới, cổ đông là chủ thể có thẩm quyền phê duyệt quy chế này.
Bên cạnh đó, một điểm mới khác là xuất hiện chức danh người phụ trách quản trị công ty. Theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP, người phụ trách quản trị công ty có thể kiêm thư ký công ty, phải đáp ứng một số yêu cầu như: có hiểu biết về pháp luật, không được đồng thời làm việc cho công ty kiểm toán độc lập đang thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của công ty…

Thứ ba, từ 1/8/2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Tổng giám đốc

Một trong những điểm nhấn của nghị định này là quy định tại Khoản 2, Điều 12. Theo đó, Chủ tịch hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc (tổng giám đốc) của cùng một công ty đại chúng. Quy định này sẽ có hiệu lực sau 3 năm kể từ ngày Nghị định 71 có hiệu lực, tức từ ngày 1/8/2020.

Theo các thông lệ quản trị tốt nhất được hướng dẫn bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC)…, chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc được nắm giữ bởi các cá nhân khác nhau và được quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ mỗi vị trí. Giải thích về lý do khuyến nghị này, các tổ chức trên cho rằng, việc tách rời vai trò chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc là để tránh các mâu thuẫn về lợi ích có thể phát sinh, đồng thời tránh sự tập trung quyền lực, cũng như đảm bảo tính công tâm trong các quá trình ra quyết định.

Như vậy, với việc yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm tổng giám đốc, các công ty đại chúng của Việt Nam sẽ bắt buộc phải tuân theo các chuẩn mực quản trị quốc tế hiện đại. Quy chuẩn này kỳ vọng làm tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản trị, điều hành tại các công ty đại chúng.

Chủ tịch HĐQT tách rời Tổng giám đốc: 3 năm có làm được không? Không phủ nhận những lợi ích của việc tách rời vị trí của chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc, nhưng trên thực tế, để doanh nghiệp Việt Nam làm được, lại là điều không hề dễ dàng. Tại Mỹ, theo các quy tắc quản trị áp dụng cho công ty đại chúng, công ty niêm yết do SEC ban hành hồi cuối tháng 11/2016, việc tách rời cá nhân đảm nhiệm chức danh chủ tịch và tổng giám đốc là nội dung khuyến cáo, không bắt buộc.

Thứ tư, Hội đồng quản trị phải có 1/3 là thành viên độc lập.

Về cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đại chúng niêm yết được Nghị định 71/2017/NĐ-CP quy định rõ “phải đảm bảo 1/3 tổng số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập HĐQT”. Theo đó, công ty niêm yết dù hoạt động theo mô hình có ban kiểm soát hoặc không có ban kiểm soát (theo quy định tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp) đều phải đảm bảo 1/3 số lượng thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập.

Theo đại diện của UBCKNN, quy định này tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP được kế thừa từ Thông tư số 121/2012/TT-BTC nhằm đảm bảo tính hoạt động độc lập của HĐQT công ty niêm yết, đáp ứng các tiêu chuẩn của doanh nghiệp niêm yết theo thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, một trong những vấn đề quan trọng cũng được Nghị định 71/2017/NĐ-CP quy định rõ, đó là quyền lợi của cổ đông. Theo đó, ngoài những quyền và nghĩa vụ cơ bản của cổ đông theo quy định tại Điều 114, Điều 115 Luật Doanh nghiệp, thì một số quyền và nghĩa vụ của cổ đông cũng đã được qui định cụ thể tại Điều 4 của NĐ 71, nhằm đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng, đảm bảo quyền lợi của cổ đông của công ty đại chúng.

Còn một số các quy định khác trong Nghị định 71/2017/NĐ-CP sẽ được Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn trong các văn bản dưới nghị định như về Điều lệ mẫu, Quy chế nội bộ về quản trị công ty… Theo chia sẻ của bà Hà, hiện nay, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2017/NĐ-CP của Bộ Tài chính cũng đang được dự thảo để bảo đảm tính đồng bộ trong cả hệ thống pháp lý và tính khả thi khi hướng dẫn thực hiện, nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ giúp cho hoạt động quản trị công ty tốt sẽ được nhân rộng tại các doanh nghiệp hơn nữa, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường chứng khoán./.

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.

Nguồn tổng hợp:
[1]http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2017-07-31/nghi-dinh-so-71-2017-nd-cp-gop-suc-nang-cao-tinh-minh-bach-moi-truong-dau-tu-viet-nam-46071.aspx
[2]http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/nghi-dinh-71-ve-quan-tri-cong-ty-dai-chung-da-cham-toi-thong-le-quan-tri-tot-nhat-191181.html

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.