Phương pháp điều chỉnh và nguồn của ngành Luật Hiến pháp

Ngành luật Hiến pháp được hình thành không những từ đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng mà còn được hình thành từ tập hợp các văn bản riêng, gọi là nguồn của ngành Luật Hiến pháp.

 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Ngoài đối tượng điều chỉnh là các mối quan hệ xã hội, có liên quan đến việc tổ chức quyền lực Nhà nước, cho phép xác định Luật Hiến pháp là một ngành luật độc lập. Việc xác định này, còn phải dựa trên các phương pháp mà các quy phạm Luật Hiến pháp sử dụng để tác động nên các mối quan hệ xã hội cần điều chỉnh. Mỗi một ngành luật có một phương pháp điều chỉnh đặc thù, trước hết phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội mà các ngành luật cần phải điều chỉnh, và sau đây là thân trạng chủ thể tham gia vào các mối quan hệ xã hội đó.

Quan hệ xã hội có liên quan đến việc tổ chức quyền lực Nhà nước là những mối quan hệ xã hội rất quan trọng, như đã phân tích ở phần trên. Đây là mối quan hệ có tính chất cơ sở cho mọi mối quan hệ khác. Nhiều nhà khoa học cho rằng, đây là những mối quan hệ cội nguồn, đặt nền móng cho các quan hệ xã hội khác phát sinh. Với tư cách là cội nguồn của mọi mối quan hệ xã hội, cho nên trước hết, ngành Luật Hiến pháp hay dùng phương pháp định nghĩa bắt buộc, quyền uy. Phương pháp điều chỉnh quyền uy, bắt buộc, rất dễ nhận ra, nếu chúng ta nhìn vấn đề dưới giác độ hiến pháp là một phần của công pháp quốc nội giống như ở các nưốc tư bản khác, khi nói đến phương pháp điều chỉnh của công pháp thì phương pháp cơ bản bao giờ cũng là quyền uy, áp đặt. Đành rằng phương pháp này dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta phải tính đến quy luật dân chủ khách quan của hiện tượng tổ chức quyền lực chúng ta phải tính đến quy luật dân chủ khách quan của hiện tượng tổ chức quyền lực Nhà nước.

Khác với các chủ thể tham gia các mối quan hệ khác được các ngành luật khác điều chỉnh, chủ thể của các quan hệ xã hội có liên quan đến tổ chức quyền lực Nhà nước là hết sức đa dạng phong phú, không cân bằng nhau về quyền lợi và trách nhiệm. Đó là nhân dân, Nhà nước, dân tộc,... có khái niệm chung nhất. Đó là tập thể một nhóm người khó xác định, hay một đơn vị hành chính lãnh thổ, thậm chí là một cá nhân không hoặc có quốc tịch của bất kỳ nhà nước nào... Trong nhiều trường hợp để bảo tồn sự tồn tại của quốc gia, cơ sở cho sự tồn tại của cá nhân, cá nhân phải hy sinh quyền lợi của mình, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của quốc gia.

Vì vậy, với tư cách là một ngành luật công pháp quốc nội, Luật Hiến pháp sử dụng nhiều biện pháp đặc thù của ngành công pháp. Đó là biện pháp quyền uy, áp đặt..

Ngoài ra, với tư cách là ngành luật cơ bản có hiệu lực pháp tối cao, luật hiến pháp phải định ra các quy tắc cơ bản cho các ngành luật khác. Những quy tắc này bên cạnh việc thể hiện tính quy luật khách quan của hiện tượng tổ chức quyền lực Nhà nước, cũng không khỏi mang nặng tính quyền uy, áp đặt.(Tìm hiểu chi tiết về Luật Hiến pháp Việt Nam)


Ngành luật này được hình thành không những từ đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng mà còn được hình thành từ tập hợp các văn bản riêng, gọi là nguồn của ngành Luật Hiến pháp.

Ngành luật này có nguồn chủ yếu là Hiến pháp, đạo luật cơ bản của nước CHXHCN Việt Nam, cho nên ngành luật này được gọi là ngành Luật Hiến pháp như đã được nói ở phần trên. Bên cạnh đạo luật cơ bản, nguồn của ngành luật này còn được tạo nên từ bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Mặc dù không chứa đựng các quy phạm pháp luật, nhưng Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp thường gắn liền với nhau và bảo trợ khẳng định lẫn cho nhau, nhất là đối với các nhà nước vốn trước kia là thuộc địa của một nhà nước khác, đồng thời chính nội dung của các bản tuyên ngôn độc lập lại là nền tảng caho các quy định của hiến pháp.

Dưới luật Hiến pháp, nguồn của ngành luật này còn có các đạo luật nói về việc tổ chức các cơ quan nhà nước: Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức Toà án, Viện Kiểm sát; Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân...

Những đạo luật nêu trên đều có hiệu lực pháp lý thấp hơn Hiến pháp, nghĩa là phải tuân theo những quy định của Hiến pháp, nhưng lại cao hơn những đạo luật bình thường khác. Vì vậy, những bộ luật người ta gọi là luật mang tính Hiến pháp. Ngoài những văn bản Hiến pháp, các đạo luật nói trên, các văn bản khác như Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các nghị quyết của Quốc hội, các nghị định của Chính phủ về việc tổ chức Nhà nước, cũng đều tạo nên nguồn của ngành luật Hiến pháp.

Các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến việc tổ chức Nhà nước, được chứa đựng trong các văn bản khác nhau tạo nên nguồn của ngành luật Hiến pháp có thể được nghiên cứu được mổ xẻ theo một nguyên tắc thống nhất sắp xếp chúng thành cấu trúc thống nhất gọi là hệ thống ngành Luật Hiến pháp.

Từ mối quan hệ xã hội bao quát chung nhất là tổ chức quyền lực do tổng thể các quy phạm ngành Luật Hiến pháp tác động đến, có thể được chia ra các cụm các mối quan hệ xã hội chung tương đối nhỏ hơn: Như mối quan hệ xã hội về chế độ chính trị; Chế độ kinh tế; Chế độ bầu cử; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Việc tổ chức Chính phủ, Quốc hội... Các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội được chia như nói trên hợp thành các chế định của ngành Luật Hiến pháp.

Đó là các chế định:

- Chế định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;
- Chế định về bầu cử;
- Chế định về Quốc hội;
- Chế định về Nguyên thủ quốc gia;
- Chế định về Chính phủ;
- Chế định về Toà án;
- Chế định về Viện kiểm sát;
- Chế định về Hội đồng nhân dân;
- Chế định về Uỷ ban nhân dân;
- Chế định về biểu tượng Nhà nước: Ngày quốc khánh, cờ, quốc huy, quốc ca.

Bộ phận cấu thành nhỏ nhất của hệ thống Luật Hiến pháp là các quy phạm. Là một bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật Việt Nam nên các quy phạm Luật Hiến pháp có những đặc điểm giống như các quy phạm pháp luật khác như: Do Nhà nước đặt ra, mang tính bắt buộc chung và được Nhà nước đảm bảo thực hiện, những quy phạm đó được thể hiện trong một hình thức pháp luật duy nhất là các văn bản pháp luật... Tuy nhiên, các quy phạm Luật Hiến pháp còn có những đặc điểm riêng nhất định. Những đặc điểm đó là:

- Thứ nhất, phần lớn các quy phạm Luật Hiến pháp được quy định trong Hiến pháp và ngược lại phần lớn các quy định trong Hiến pháp là những quy phạm của Luật Hiến pháp. Đây là một đặc điểm rất dễ nhận thấy và được giải thích bởi đối tượng điều chỉnh của Luật Hiến pháp và đặc điểm của Hiến pháp trong sự so sánh với các văn bản pháp luật khác.

- Thứ hai, vì phần lớn các quy phạm Luật Hiến pháp có trong Hiến pháp nên các quy phạm Luật Hiến pháp không có đủ cơ cấu ba thành phần ( giả định, quy định và chế tài). Các quy phạm Luật Hiến pháp chủ yếu chỉ có phần quy định. Rất ít các quy phạm Luật Hiến pháp có cơ cấu ba thành phần như các quy phạm pháp luật khác. Ví dụ: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, vì nhân dân...” (Điều 2 Hiến pháp 1992) chỉ chứa quy định xác định bản chất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Không chứa đựng giả định, và chế tài. Một ví dụ khác, Điều 4 Hiến pháp 1992 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, xã hội. Trong quy định này không nêu rõ điều kiện hoàn cảnh cụ thể đối với những đối tượng cụ thể. Những quyền và nghĩa vụ cụ thể cũng như trách nhiệm, nếu quy định đó không được thực hiện cũng không được xác định. Tuy nhiên một số quy phạm Luật vẫn còn có cơ cấu ba thành phần. Ví dụ Điều 91 khoản 6 Hiến pháp 1992 quy định: Uỷ ban thường vụ Quốc hội có quyền giải tán các Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương khi các Hội đồng đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nhân dân địa phương. Hoặc tại Điều 7 Hiến pháp 1992 quy định:

“Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với tín nhiệm của dân” .

Trong các quy phạm trên không chỉ có giả định, quy định mà còn có cả chế tài.
Sở dĩ các quy phạm của Luật Hiến pháp thường chỉ có phần quy định mà không có phần giả định, phần chế tài, vì Hiến pháp là đạo luật cơ bản, nguồn chủ yếu của ngành luật này là cơ sở của các ngành luật khác. Chính vị trí vai trò này buộc các quy phạm của nó thường chỉ nêu những nguyên tắc chung cho mọi trường hợp, nó được khái quát hoá nên từ trường hợp cụ thể được pháp luật của các ngành luật khác quy định. Đã là nguyên tắc thì quy phạm của Luật Hiến pháp thường mất đi hoàn cảnh cụ thể, điều kiện cụ thể, cho nên chúng không có giả định và chế tài như những quy phạm pháp luật của các ngành luật khác.
Các quy phạm Luật Hiến pháp có rất nhiều trong các văn bản pháp luật khác nhau. Để tiện cho việc hệ thống hoá, nghiên cứu, áp dụng chúng ta có thể gộp thành từng nhóm với những dấu hiệu giống nhau.

- Trước hết dựa vào khách thể mà quy phạm Luật Hiến pháp tác động đến, chúng ta có thể chia các quy phạm luật đó thành những quy phạm quy định nguyên tắc quan trọng nhất có tính chất ổn định của chế độ xã hội như: Chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ. những quy phạm quy định hệ thống, tính chất, vị trí cũng như nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước. Những quy định về quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan quyền lực nhà nước với cử tri.

- Các quy phạm Luật Hiến pháp có thể được chia thành từng nhóm dựa vào mức độ xác định hành vi của các chủ thể. Trên cơ sở này các quy phạm Luật Hiến pháp được chia thành những quy phạm trong đó hành vi (quyền và nghĩa vụ của các bên) được xác định một cách rõ ràng cụ thể và những quy phạm không quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể, chỉ xác định một nguyên tắc chung nào đó cho các chủ thể. Ví dụ, điều 2 Hiến pháp 1992 có quy định: Tất cả quyền lực trong nước thuộc về nhân dân. Hay điều 4 Hiến pháp 1992 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước...

- Các quy phạm Luật Hiến pháp có thể được chia ra thành từng nhóm theo phạm vi áp dụng. Có nhiều quy phạm chung, được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ví dụ: Quy phạm quy định tất cả quyền lực trong nước thuộc về nhân dân. Hay quy phạm: Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa... Còn những quy phạm khác có thể gọi là những quy phạm riêng, trong đó chỉ áp dụng đối với một loại quan hệ nhất định. Ví dụ: Những quy phạm điều chỉnh những quan hệ xảy ra trong quá trình bầu cử, hoặc những quy phạm điều chỉnh những quan hệ xảy ra trong việc cho nhập, cho thôi quốc tịch Việt Nam.

Luật Hiến pháp không chỉ có một hệ thống nhất định mà còn là một bộ phận hợp thành của một bộ phận khác lớn hơn hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong hệ thống lớn đó, Luật Hiến pháp có một vị trí đặc biệt của ngành luật chủ đạo.

Các quy phạm Luật Hiến pháp hợp thành những chế định quan trọng nhất của pháp luật Việt Nam. Những chế định suy cho cùng là cội nguồn, là cơ sở điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của các ngành luật khác. Tất cả các ngành luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội đều phải bắt nguồn từ những nguyên tắc mà những quy phạm Luật Hiến pháp đã quy định. Ví dụ: Các quy phạm Hiến pháp quy định các hình thức sở hữu ở Nhà nước ta trong thời kỳ quá độ cùng với các khách thể của các hình thức sở hữu đó là cơ sở pháp lý để các ngành luật như Luật dân sự, Luật kinh tế, Luật kinh tế tập thể... cụ thể chi tiết hoá. Các quy phạm Luật Hiến pháp quy định tính chất, vị trí của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hệ thống các cơ quan nhà nước, cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước các cơ quan đại diện là cơ sở pháp lý của các quy phạm Luật Hành chính trong việc điều chỉnh những quan hệ xã hội hình thành trong quá trình quản lý Nhà nước.

Các quy phạm Luật Hiến pháp quy định quyền và nghĩa vụ lao động của công dân, quyền được nghỉ ngơi, được giúp đỡ vật chất khi đau ốm, mất sức lao động. Những quyền và nghĩa vụ này là cơ sở pháp lý để Luật Lao động cụ thể hoá trong việc điều chỉnh những quan hệ lao động cụ thể của cán bộ công nhân viên chức nhà nước.

Các quy phạm Luật Hiến pháp quy định tài sản xã hội chủ nghĩa là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, cũng như bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân, phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất... Là cơ sở pháp lý của luật hình sự khi quy định các tội trộm cắp, tham ô, hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa cũng như tội gián điệp, âm mưu lật đổ chính quyền...
Tìm hiểu thêm tại Pháp trị


Sau khi được ban hành các quy phạm của luật Hiến pháp không thể có đời sống thực tế ngay mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trước hết và quan trọng là có sự xuất hiện của sự kiện pháp lý. Đó là những hiện tượng khách quan hay chủ quan dẫn đến việc các chủ thể phải áp dụng các quy định của ngành luật hiến pháp vào đời sống xã hội. Các quan hệ xã hội mới được các quy phạm đó điều chỉnh gọi là quan hệ luật Hiến pháp. Quan hệ pháp luật, luật Hiến pháp là những quan hệ xã hội được các quy phạm của luật Hiến pháp. Cũng giống như tất cả các quan hệ pháp luật khác, các quan hệ pháp luật luật Hiến pháp đều có những điểm chung như: Cần có những điều kiện để phát sinh, thay đổi hoặc đình chỉ và các bảo đảm để thực hiện; tính xác định của các chủ thể, khách thể; nội dung của các quan hệ luật Hiến pháp bao giờ cũng phản ánh ý chí của các chủ thể... Tuy nhiên các quan hệ luật Hiến pháp bao giờ cũng có những đặc điểm riêng so với các quan hệ pháp luật khác.

a. Chủ thể của quan hệ luật Hiến pháp là đa dạng có rất nhiều loại, có vị trí và tính chất rất khác nhau, bao gồm:

- Nhân dân (với cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp).

Nhân dân nghĩa hẹp bao gồm các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội là một loại chủ thể đặc biệt chỉ có trong các quan hệ luật Hiến pháp mà không có trong các quan hệ của các ngành luật khác. Ví dụ: Điều 2, Hiến pháp 1992 quy định “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” hoặc: “ Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân...” (Điều 6, Hiến pháp 1992).
Trong một số trường hợp, khái niệm nhân dân được hiểu với nghĩa rộng hơn như: Dân tộc, hội nghị cử tri, cử tri (Xem Điều 5 Hiến pháp 1992, Điều 24 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội...).

- Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Là một tổ chức chính trị đặc biệt của xã hội, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia vào rất nhiều quan hệ luật Hiến pháp với tư cách là chủ thể trong các quan hệ đó. Ví dụ: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân” (Điều 3, Hiến pháp 1992). Hoặc, “ Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài” (Điều 18, Hiến pháp 1992). Trong các quan hệ này, Nhà nước là một chủ thể...

- Các cơ quan Nhà nước.

Trong phần lớn các quan hệ pháp luật luật Hiến pháp, các cơ quan Nhà nước như: Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân là những chủ thể. Ví dụ: Quốc hội có quyền quy định tổ chức và hoạt động của Chính phủ (Xem Điều 84, Điểm 6, Hiến pháp 1992. Trong quan hệ pháp luật này, Quốc hội và Chính phủ là những chủ thể. Hoặc Chính phủ phải hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên (Xem Điều 112, điểm 1 Hiến pháp 1992). Trong quan hệ pháp luật này, Chính phủ và Hội đồng nhân dân là những chủ thể.

Ngoài các cơ quan Nhà nước hoạt động thường xuyên, các cơ quan lâm thời của Nhà nước như: Uỷ ban dự thảo (sửa đổi) Hiến pháp, Uỷ ban kiểm tra tư cách đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Uỷ ban bầu cử... cũng là những chủ thể trong nhiều quan hệ luật Hiến pháp. Ví dụ: Uỷ ban kiểm tra tư cách đại biểu Quốc hội báo các trước Quốc hội về tư cách của các đại biểu hoặc những trường hợp cá biệt mà việc bầu cử đại biểu không có giá trị (Điều 69, Luật tổ chức Quốc hội). Hay, Hội đồng bầu cử phải trình Quốc hội biên bản tổng kết bầu cử và những hồ sơ tài liệu về bầu cử (Xem Điều 12, điểm 8 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội).


Cùng với sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, các tổ chức xã hội ngày càng phát triển và tham gia ngày càng nhiều vào các quan hệ xã hội trước hết là quan hệ luật Hiến pháp. Ví dụ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền trình dự án trước Quốc hội (Xem Điều 87 Hiến pháp 1992). Theo Hiến pháp 1992 vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được xác định lại, được đề cao hơn “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” tham gia vào rất nhiều quan hệ pháp luật luật Hiến pháp, đặc biệt trong hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu củ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Với tư cách là người đại diện cho nhân dân thực hiện quyền lực của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật luật Hiến pháp như: Đại biểu Quốc hội phải thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri (xem Điều 97 Hiến pháp1992); “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân” (Điều 122, Hiến pháp 1992).

Trong những quy định này, đại biểu Hội đồng nhân dân là một chủ thể.

- Công dân Việt Nam.

Trong quan hệ với Nhà nước, Công dân Việt Nam (là người có quốc tịch Việt Nam) với tư cách là người chủ của một nước, có một địa vị pháp lý khác với những người không phải là công dân Việt Nam. Công dân Việt Nam là chủ thể của rất nhiều quan hệ pháp luật luật Hiến pháp. Người đến tuổi trưởng thành có quyền tham gia vào các công việc Nhà nước, đồng thời gánh vác nghĩa vụ đối với Nhà nước. Ví dụ: “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ một cá nhân nào” (Điều 74, Hiến pháp 1992). Hoặc “Công dân phải làm tròn nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân” (Điều 77, Hiến pháp
1992).

- Những người có chức trách trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội.
Trong nhiều quan hệ pháp luật hiến pháp, những người có chức trách trong các cơ quan Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao...) và trong các tổ chức xã hội (Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam...) là những chủ thể trong các cơ quan hệ pháp luật luật hiến pháp. Ví dụ: Chủ tịch Quốc hội chủ toạ các phiên họp của Quốc hội, lãnh đạo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Xem Điều 92, Hiến pháp 1992) Hoặc “Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng liên đoàn Việt nam và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân được mời tham dự các phiên họp của chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan” (Điều 111, Hiến pháp
1992).

- Người nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam) sinh sống, làm việc ở Việt Nam. Trong một số trường hợp, người nước ngoài tham gia vào các quan hệ pháp luật luật hiến pháp là chủ thể trong các quan hệ đó. Ví dụ: ”Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hoà bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét việc cho cư trú” (Điều 82, Hiến pháp 1992). Hoặc người nước ngoài xin gia nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 7, Luật Quốc tịch Việt Nam. Trong những quan hệ này, người nước ngoài là một loại chủ thể.

Như vậy, các quan hệ pháp luật luật Hiến pháp có một phạm vi chủ thể đặc biệt - đó là nhân dân, dân tộc, hội nghị cử tri, các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như các cơ quan Nhà nước lâm thời: Uỷ ban dự thảo (sửa đổi) Hiến pháp,Uỷ ban kiểm tra tư cách đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Uỷ ban bầu cử...

b. Khách thể của quan hệ luật Hiến pháp cũng rất là đa dạng.

Đó là những vấn đề hoặc những hiện tượng thực tế mà các quy phạm luật Hiến pháp tác động đến, trên cơ sở đó gắn quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật luật Hiến pháp.

Khách thể tổng quát của quan hệ luật Hiến pháp là hiện tượng tổ chức quyền lực Nhà nước. Các quan hệ luật Hiến pháp về cơ bản chỉ được tồn tại, phát triển theo xu hướng tác động đến khách thể duy nhất này. Ở mức độ cụ thể hoá thì căn cứ vào tính chất, các khách thể trong quan hệ pháp luật luật Hiến pháp có thể chia thành các nhóm sau đây:

- Lãnh thổ quốc gia và địa giới giữa các địa phương.

Loại khách thể này được các quy phạm Luật Hiến pháp điều chỉnh trong nhiều trường hợp. Ví dụ: Quốc hội có quyền điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Xem Điều 84 điểm 8, Hiến pháp 1992). Hoặc, Chính phủ có quyền điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Xem Điều 112, điểm 10, Hiến pháp 1992).

- Những giá trị vật chất như: Đất đai, rừng núi, sông, hồ, nước, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, thềm lục địa... (như quy định tại các Điều 17, 18, 62... Hiến pháp
1992).

- Những lợi ích tinh thần của cá nhân như danh dự, nhân phẩm, sự tín ngưỡng...
Ví dụ: Công dân được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm (xem điều 71, Hiến pháp 1992). Hoặc: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào” (Điều 70, Hiến pháp 1992).
- Hành vi của con người hoặc các tổ chức (các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội) như lao động, học tập, trình dự án luật, báo cáo công tác, quyết định kế hoạch và ngân sách, chất vấn của đại biểu Quốc hội... Loại khách thể này chiếm phần lớn trong các quan hệ pháp luật Luật Hiến pháp.
Ngoài những đặc điểm chung so với các quan hệ xã hội khác, quan hệ pháp luật luật Hiến pháp còn có những đặc điểm riêng. Những đặc điểm này bắt nguồn từ đối tượng điều chỉnh của Luật Hiến pháp và cho phép chúng ta phân biệt được với các quan hệ pháp luật khác. Những đặc điểm đó là:

- Các quan hệ Luật Hiến pháp có nội dung pháp lý đặc biệt quan trọng, thường đó là những quan hệ chính trị, tức là những mối quan hệ quyền lợi của cả cộng động quốc gia, hoặc chí ít cũng là có mối liên quan đến cộng đồng quốc gia.
Luật Hiến pháp điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất, trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, tổ chức và hoạt động của bộ mày Nhà nước... Vì vậy, nội dung của những quan hệ này thường mang tính định hướng, tính nguyên tắc. Những nội dung đó làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mới, sửa đổi hay hủy bỏ các quy phạm của các ngành luật khác. Ví dụ: Luật Hiến pháp điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 52, Hiến pháp 1992). Nội dung của quan hệ này mang tính nguyên tắc, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy phạm của các ngành luật khác như: Luật hành chính, Luật hình sự, Luật dân sự...

- Các quan hệ pháp luật Luật Hiến pháp là những mối quan hệ xã hội được xuất hiện khi có sự điều chỉnh của các quy pháp luật hiến pháp. Cũng giống như các quan hệ pháp luật khác chỉ được xuất hiện khi có quy phạm pháp luật và nhất là phải có sự kiện pháp lý tương ứng xuất hiện. So với các quan hệ pháp luật của các ngành pháp luật khác, quan hệ pháp luật luật hiến pháp có một số dấu hiệu đặc biệt sau:

Trước hết là sự kiện pháp lý của mối quan hệ pháp luật luật hiến pháp thường là rất đa dạng, từ những sự kiện có ý nghĩa đến sự phát triển hưng thịnh của quốc gia, ví dụ như vấn đề chiến tranh và hòa bình…, cho đến những sự kiện chỉ liên quan đến cuộc sống cua rmột cá nhân. Ví dụ việc không ghi tên, hoặc ghi tên sai của một công dân trong danh sách của cử tri có quyền đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới..

Thứ hai, chủ thể của các quan hệ pháp luật luật hiến pháp rất đa dạng, từ những chủ thể đặc biệt như: Nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng bầu cử, Uỷ ban bầu cử... Đó là những chủ thể chỉ thấy trong các quan hệ pháp luật Luật Hiến pháp, cho đến các chủ thể rất bình thường như các công dân, thậm chí cả những ngời không có quốc tịch, tức là những người không là công dân của nhà nước sở tại. Vì vậy, đây được xem là đặc trưng thứ hai của các quan hệ pháp luật Luật Hiến pháp. (Xem thêm: Bộ máy nhà nước theo Hiến pháp)

5. Mối quan hệ của ngành Luật Hiến pháp với các ngành luật khác

Nằm trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dĩ nhiên luật Hiến pháp có quan hệ mật thiết với các ngành luật khác, cùng góp phần tạo nên hệ thống pháp luật thống nhất của Nhà nước Việt Nam. Nhưng so với các ngành luật khác, luật Hiến pháp có một vị trí quan trọng, tạo thành ngành luật cơ bản trong hệ thống các ngành luật Việt Nam. Chính vị trí vai trò này của luật Hiến pháp làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam có tính thống nhất. Sở dĩ luật Hiến pháp có vị trí như vậy, vì đối tượng điều chỉnh của luật Hiến pháp là những mối quan hệ xã hội quan trọng tạo nên chế độ chính trị của Nhà nước. Các mối quan hệ xã hội khác được các ngành luật khác điều chỉnh đều bắt nguồn từ các mối quan hệ được Luật Hiến pháp điều chỉnh. Vì vậy, về cơ bản các ngành luật khác đều phải bắt nguồn hay nói một cách khác hơn phải dựa vào các quy phạm cuả ngành luật Hiến pháp. Dựa trên quan điểm nhiều người cho rằng, không những hiến pháp là luật cơ bản của quốc gia, mà cả ngành luật hiến pháp này cũng là ngành luật cơ bản của mỗi quốc gia.

Luật Hiến pháp quy định những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho các ngành luật khác điều chỉnh. Nói như vậy, điều này hoàn toàn không có nghĩa các ngành luật khác không tác động ngược trở lại tới luật Hiến pháp. Nghĩa là giữa luật Hiến pháp và các ngành luật khác vẫn có tác động qua lại lẫn nhau. Luật Hiến pháp là ngành luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thượng tầng kiến trúc xã hội đòi hỏi phải phù hợp với mối quan hệ xã hội. Cơ sở được các ngành luật khác điều chỉnh như: luật dân sự, kinh tế, đất đai... Ví dụ quyền sở hữu có tính chất tự nhiên trong xã hội là đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự, luật Hiến pháp không thể vì là cơ bản mà bất chấp quy luật khách quan phát triển của cuộc sống, điều chỉnh tùy tiện theo ý chí chủ quan của giai cấp thống trị.

Luật Hiến pháp và luật hành chính có mối quan hệ rất gắn bó và mật thiết với nhau. Cùng nằm trong hệ thống công pháp Quốc hội, hai ngành luật này có rất nhiều điểm chung với nhau, cùng quy định về vấn đề quản lý Nhà nước, tổ chức Nhà nước ở nghĩa rộng. Nhưng giữa chúng có những điểm khác nhau cần phải phân biệt. Nếu như Luật Hiến pháp quy định việc tổ chức quyền lực Nhà nước ở tầm vĩ mô thì luật Hành chính lại chủ yếu dừng lại ở tầm vi mô. Nếu như luật Hiến pháp tĩnh hơn quy định việc tổ chức quyền lực Nhà nước, thì luật Hành chính lại quy định việc tổ chức quyền lực Nhà nước ở mức độ động hơn, thực thi quyền lực Nhà nước. Ví dụ: Luật Hiến pháp quy định thẩm quyền chung cho mọi Chủ tịch tỉnh và tương đương được quyền cấp đất phi nông nghiệp đến 2 ha thì đó là thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Hiến pháp. Chủ tịch của một tỉnh nào đó dùng cái quyền quyết định của mình mà cấp cho một công dân cụ thể, thì mối quan hệ đi lại là thuộc phạm vi của luật Hành chính.

Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình


Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.