Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý theo pháp luật và đề cao quyền của con người, quyền của công dân.

 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Tổng quan về Nhà nước pháp quyền.

Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới sau hơn 10 năm thực hiện được sửa đổi vào năm 2001. Một trong những đổi mới quan trọng của lần sửa đổi Hiến pháp này là việc ghi nhận rõ chủ trương và mục địch xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Những năm đầu tiên của sự nghiệp tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc, mà sau này là Chủ tịch nước của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, đã có một mong muốn một nhà nước pháp quyền cho nhân dân Việt Nam, và ở Người nhà nước pháp quyền rất gần với Hiến pháp, như là một biểu hiện nội dung, mục đích của Hiến pháp:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Nhà nước pháp quyền là một hình thức tổ chức quyền lực nhà nước được phân tích dưới góc độ tương quan giữa công quyền và pháp luật. Nhà nước pháp quyền là học thuyết về việc tổ chức và hoạt động nhà nước được sinh ra trong phong trào đấu tranh để giải phóng nhân loại khỏi chế độ phong kiến chuyên chế. Mặc dù được sinh ra cách mạng tư sản của Châu Âu, nhưng phải khẳng định rằng các tác giả của học thuyết đã tiếp thụ các thành quả tư tưởng các lĩnh vực có liên quan của nhân loại. Ví dụ như học thuyết pháp luật tự nhiên, các học thuyết về nhân quyền, tư tưởng pháp trị...Trong cuốn từ điển Xã hội học dưới sự chủ biên của Nguyễn Khắc Viện cho rằng:“Nhà nước Pháp quyền – Một loại hình nhà nước được xây dựng trên cơ sở dân chủ, đối lập với nhà nước độc tài, chuyên chế toàn trị. Thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” được xác định trong luật học nước Đức vào đầu thế kỷ thứ XIX (tiếng Đức là Rechtsstaat) và sau đó được sử dụng ngày càng rộng rãi, đặc biệt trong trào lưu dân chủ hoá có tính phổ biến ngày nay.

Nhà nước pháp quyền không đồng nghĩa với Nhà nước cai trị bằng pháp luật. Nhà nước độc tài, chuyên chế trong lịch sử cũng cai trị bằng pháp luật. Vì rằng những hệ thống pháp luật là những hệ thống pháp luật không bảo vệ quỳen tự do bình đẳng giữa con người với con người. Ngoài đòi hỏi trên, nhà nước phải được xây dựng trên cơ sở “xã hội công dân” và trở thành một bộ phận của nó. Điều kiện đầu tiên của nhà nước pháp quyền là bảo đảm các quyền và tự do của công dân bằng các quy định của pháp luật rành mạch, không ai được vi phạm. Trong nhà nước pháp quyền pháp luật là thước đo (chuẩn mực) của tự do...Nhà nước pháp quyền được xây dựng theo những nguyên tắc dân chủ. Các cơ quan quyền lực nhà nước (về lập pháp, hành pháp và tư pháp ) được bầu cử một cách tự do với sự tham gia một cách trực tiếp của mọi công dân để có thể thể hiện một cách đầy đủ nhất ý chí cuả họ. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy các quyền lực đó phải được tổ chức như thế nào để mỗi quyền lực có tính độc lập thực sự. Tất cả những người được cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Nhà nước pháp quyền là loại hình nhà nước có nhiều khả năng nhất trong việc chống lại xu hướng độc quyền về quyền lực và xu hướng quan liêu hoá bộ máy quyền lực Nhà nước pháp quyền phải là một nhà nước dân chủ, mà không thể là một nhà nước phản dân chủ. Như phần trên đa phân tích nhà nước pháp không thể là nhà nước độc tài chuyên chế của các chế độ chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến, nơi mà ở đó chế dộ nhà nước gắn với tôn giáo với thần quyền với chế độ thần dân hoặc chế độ nô lệ. Nhà nước pháp quyền phải là nhà nước của dân, do dân và vì dân, không có điều ngược lại nhà nước của một thế lực tôn giáo, quý tộc phong kiến. Nhà nước đó phải được tổ chức trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân. Tức là một nhà nước dân chủ, không có điều ngược lại. Vậy thì một khi chúng ta đã thừa nhận rằng:

“Dân chủ là một hình thức Nhà nước, thì sẽ cũng là rất có lý khi chúng ta nói rằng, Nhà nước pháp quyền cũng là một hình thức nhà nước.

Nhà nước pháp quyền có những đặc tính sau đây:

Tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật là cơ sở của mọi hình thức tổ chức quyền lực công khai, mọi chủ thể trong xã hội, trong đó có cả những cơ quan nhà nước bất kể ở cương vị nào đều phải tuôn theo pháp luật. Mọi đường lối, chính sách và quyết định của nhà nước đều phải dựa vào luật, phục tùng luật và tất cả các mối quan hệ qua lại giữa nhà nước và cá nhân cũng phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Hiến pháp là bản văn có hiệu lực pháp lý tối cao có tác dụng hạn chế quyền lực của các cơ quan tối cao của nhà nước, bảo đảm cho mọi cơ quan nhà nước tôn trọng pháp luật. Mọi cơ quan nhà nước phải đặt trong vòng kìm chế của pháp luật, với mục đích bảo vệ quyền con người trong một xã hội văn minh. Mọi cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở phải được tổ chức và hoạt động trong một cơ chế tự kiểm tra, một cách mặc nhiên, tránh tình trạng để cho đến hậu quả khôn lường phải nhờ vào sự xét xử xủa các cơ quan tư pháp. Khác với nhà nước pháp trị, pháp luật của nhà nước pháp quyền phải vươn tới sự đầy đủ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với phương châm “ Đối với cá nhân thì cho phép làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, còn đối với “cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những gì mà pháp luật quy định”. Pháp luật của nhà nước pháp quyền còn có mục tiêu vì con người, quyền con người. Bởi vì tính tối cao của pháp luật cũng có thể có và rất cần có trong nhà nước cực quyền, bao gồm những đạo luật phản nhân quyền, tước bỏ mọi quyền của công dân.

Nhà nước pháp quyền có mục tiêu đảm bảo quyền tự do của con người, đối lập với nhà nước bạo lực, nhà nước độc tài. Điều đó có nghĩa là nhà nước thừa nhận và có nghĩa vụ đảm bảo tự do của con người, không được can thiệp vô hạn vào đời sống cá nhân của con người. Nhà nước được xây dựng trên nền tảng của xã hội công dân. Một xã hội mà ở đó công dân là chủ thể, nhà nước có trách nhiệm phải phục tùng lợi ích của công dân, mà không có điều ngược lại. Pháp luật phải đứng trên nhà nước và nhà nước phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Để bảo đảm cho tính chất này nhà nước pháp quyền phải nêu cao vị trí vai trò của toà án. Tính độc lập của toà án được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Chỉ có toà án mới có chức năng phán xét các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội.

Nhà nước pháp quyền tư sản còn đặt ra tiêu chí nữa là nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền. Mọi thiết chế quyền lực nhà nước phải được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ và bị kiểm soát bởi pháp luật. Không ai có thể lạm dụng quyền lực. Muốn không có sự lạm dụng quyền lực, thì phải sắp xếp quyền lực sao cho quyền lực ngăn chặn quyền lực. Cũng không phải là một nhà nước ít nhất, mà cũng chẳng phải là nhà nước là câu trả lời, mà là một nhà nước tinh hơn, nhanh gọn hơn và cũng là hợp lý hơn, chứ không phải là một nhà nước mà ở đó chính phủ phải mạnh theo nghĩa hẹp của từ này.

Trong khoa học luật hiến pháp chúng ta có thể gặp những hình thức nhà nước khác rất phổ biến như là hình thức nhà nước theo cấu trúc lãnh thổ của nhà nước liên bang, đơn nhất; hoặc hình thức nhà nước được tổ chức theo chính thể cộng hoà đại nghị, cộng hoà tổng thống... Vậy thì thử đặt vấn đề giữa nhà nước pháp quyền – một hình thức nhà nước rất phổ biến trên có quan hệ gì với nhau?

Trước hết cần phải khẳng định rằng, cùng một cái nội dung của việc tổ chức và hoạt động của nhà nước được xem xét và giải quyết ở nhiều giác độ khác nhau thành các hình thức khác nhau. Trước hết hình thức nhà nước được phân tích dưới giác độ cơ cấu lãnh thổ hình thành. Nhà nước đơn nhất với cấu trúc lãnh thổ thống nhất bất phân chia, lẽ dĩ nhiên nhà nước này cơ cấu tổ chức tập trung, có một hệ thống pháp luật thống nhất, về nguyên tắc không cần thiết phải giải quyết mâu thuẫn giữa trung ương và địa phương. Ngược lại ở nhà nước có cơ cấu lãnh thổ từ các tiểu bang hợp thành, thì buộc phải tổ chức theo cơ cấu liên bang gồm: nhà nước trung ương - liên bang và các nhà nước địa phương - tiểu bang hợp thành.

Thứ đến, nhà nước được phân tích dưới giác độ không phải là cấu trúc lãnh thổ, mà là theo mức độ tham gia của nhân dân vào công việc tổ chức và hoạt động của chúng, thì có các mô hình chính thể quân chủ, mà ở đó không có sự tham gia của nhân dân và ngược lại, khi có sự tham gia của nhân dân thì được gọi là cộng hoà (pucblic). Còn muốn biết rõ hơn, nhà nước được tổ chức theo chính thể đại nghị hay là cộng hoà tổng thổng, thì buộc phải xem xét mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp. Nếu chúng có sự phối hợp, và hành pháp phải chịu trách nhiệm trước lập pháp, thì đó là hình thức nhà nước của chính thể đại nghị kể cả cộng hoà lẫn quân chủ; điều ngược lại hành pháp không hịu trách nhiệm trước lập pháp thì đó là của chính thể tổng thống cộng hoà. Như vậy cách phân tích trên về cơ bản chỉ dựa vào cơ cấu tổ chức, chủ yếu là cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước trung ương, mà chủ yếu là dựa trên cơ sở của mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp. Bên cạnh đó không thấy vị trí vai trò của các cơ quan tư pháp. Còn cách phân tích hình thức nhà nước pháp quyền hay không là nhà nước pháp quyền, nhà nước nhân trị, nhà nuớc cực quyền, nhà nước pháp trị, ... là căn cứ vào giá trị và tính chất của pháp luật trong việc tổ chức hoạt động của nhà nước. Nhà nước được xem xét ở góc độ toàn diện hơn, vì vậy phân quyền - chỉ ra mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp, chỉ là một biểu hiện của nhà nước pháp quyền mà thôi. Hơn nữa với cách phân tích này còn cho phép chúng ta thấy được hai vấn đề mà cách phân tích hình thức nhà nước theo cấu trúc lãnh thổ và theo chính thể không thấy được. Đó là vị trí vai trò của toà án và giá trị của con người nằm trong các bảo đảm an bình của một xã hội công dân. Những đặc điểm này là rất càn thiết cho mọt xã hội công bằng và văn minh.

Từ những điều phân tích trên chúng ta có thể hiểu rằng, nhà nước pháp quyền là một hình thức nhà nước được phân tích trong mối tương quan giữa nhà nước và pháp luật. Bản chất của mối tương quan này là nhà nước đặt dưới sự kiểm soát của pháp luật.


Như những điều đã được nêu ở phần trên, nhà nước pháp quyền và yêu cầu của nó lãnh tụ kính yêu của Việt Nam ý thức được một cách rất sớm, nhưng rất tiếc rằng, những năm trước đây của cơ chế thời chiến, hậu thời chiến ở Việt nam chúng ta không thể có những điều kiện khách quan và chủ quan để có thể xây dựng nhà nước pháp quyền. Chỉ trong điều kiện của thời bình, xây dựng và phát triển kinh tế chúng ta mới bắt tay vào việc xây dựng một nhà nước theo những tiêu chí nêu trên. Ngay cả trong điều kiện của nhà nước tập trung, bao cấp chúng ta cũng không thể nào nói đến việc có thể xây một nhà nước pháp quyền.

Phải khẳng định một điều rằng việc xây dựng nhà nước pháp quyền thành một chủ trương, một đường lối, thì mới có mới đây, của những năm nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, cụ thể là từ Nghị quyết của Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII, năm 1994 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Và cũng chỉ giai đoạn hiện nay mới có đầy đủ những điều kiện cho việc bắt tay vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền với tư cách là một chủ trương, một đường lối.

Nhưng nhà nước pháp quyền của Việt Nam xây dựng bên cạnh những đòi hỏi chung của nhà nước pháp quyền, còn phải thể hiện những nét riêng. Đó là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đặc biệt là với việc sửa đổi Hiến pháp 1992 vào năm 2001, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền đã được trực tiếp khẳng định trong Hiến pháp tại Điều 2: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân".

Vấn đề ở đây đặt ra ở đây là Nhà nước pháp quyền Việt nam trong giai đoạn tới có những đặc điểm gì khác với Nhà nước của chúng ta đã từng có trước đây? Hoặc hay là nhà nước của chúng ta trước kia và hiện nay đã có hay đã là nhà nước pháp quyền, hoặc đã có những biểu hiện nào đó của nhà nước pháp quyền?

Khái niệm về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng là khái niệm mới rất khó thống nhất. Nhưng chúng ta có thể tạm thống nhất với khái niệm với nội hàm cụ thể như sau, trong bài phát biểu của Đồng chí Trần Đức Lương, Chủ Tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

"Nhà nước pháp quyền, nói một cách khái quát là hệ thống các tư tưởng, quan điểm đề cao pháp luật, pháp chế trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và trong đời sống xã hội. Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý theo pháp luật và đề cao quyền của con người, quyền của công dân. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là cách thức cơ bản để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật nhằm thực hiện các quyền tự do dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân, ngăn ngừa mọi sự tuỳ tiện lạm dụng quyền từ phía nhà nước và các cán bộ viên chức nhà nước, ngăn ngừa hiện tượng dan chủ cực đoan, vô kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm hiệu lực hiệu quả của nhà nước. Đó là nhà nước mà tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức, kể cả các tổ chức đảng đều phải hoạt động theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các hoạt động của mình. Mọi công dân đều có nghĩa vụ chấp hành hiến pháp và pháp luật, phải sống và làm việc theo pháp luật".

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có rất nhiều đặc điểm. Trước hết phải là những đặc điểm của nhà nước pháp quyền tư sản sau khi đã gạt bỏ những biểu hiện vì đồng tiền, vị tài sản, và sau đấy là phải thể hiện những đặc thù của xã hội Việt Nam. Đó là nhà nước, mà ở đó:

Quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân với đầy đủ ý nghĩa của từ này, nhà nước phải là nhà nước hợp pháp;

Quyền con người phải được bảo đảm;

Những người nắm quyền lực phải được tiết chế, mọi cơ quan phải tôn trọng hiến pháp và pháp

Những biểu hiện của xã hội làng xã phải được thay dần bằng những biểu hiện của một xã hội công dân.

Tất cả những đặc điểm trên đều khác và xa lạ với của nhà nước trước đây đã từng và đang tồn tại trong nhà nước chúng ta, mà sự tiếp nối của đặc điểm trên là không cần thiết và thậm chí có khi là còn có hại, cản trở cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Kết luận:

Từ những điều được phân tích ở phần trên có thể kết luận rằng, hình thức nhà nước một khái niệm bao trùm có tính khái quát cao mọi hoạt động của Nhà nước Việt Nam thông qua cách thức thành lập và hoạt của các cơ quan nhà nước, một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tổ chức và họa động của nhà nước đó đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đó là một nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa có nguồn gốc bản chất là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, và một nhà nước pháp quyền, một nước đơn nhất, quyền lực nhà nước được đơn nhất, quyền lực nhà nước thống nhất ở trung ương, các đơn vị hành chính không những có chức năng giải quyết các công việc liên quan đến địa phương, mà còn có chức năng thực hiện các quyết định các quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên. Toàn bộ hoạt động của nhà nước Việt Nam đặt dưới sựlãnh đạo của Đảng Cộng sản với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình


Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.