Nếu tuyên bố phá sản thì chỉ chia tỷ lệ % có đúng không?

Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau: a) Chi phí phá sản; b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc...

Hỏi: Trước đây tôi có đứng bảo lãnh vay cho ông A là doanh nghiệp tư nhân số tiền 150 triệu không trả đã thưa ra tòa và tòa án đã ra quyết định ông A phải trả cho tôi số tiền trên. Khi đội thi hành án chấp hành viên mời 2 bên đến đội thi hành án giải quyết, thì ông A nói tôi không có tiền trả tôi chỉ có miếng đất 268m2 trên đất có 6 căn nhà tiền chế, giá trị đất của tôi trên số tiền tòa án ra quyết định. Nếu cô đưa thêm tôi 165 triệu nữa thì tôi đưa cô miếng đất trên, tổng cộng là 345 triệu đồng nhưng phải cho tôi thời gian 5 tháng tôi lo tiền trả cho cô, nếu trong 5 tháng mà tôi không trả thì phần đất và tài sản trên đất thuộc về Cô. Thỏa thuận trước chấp hành viên (CHV). Chấp hành viên nếu 2 bên đồng ý ra xã làm giấy thỏa thuận có UBND ấp, xã chứng nhận và ông A đưa giấy QSDĐ tôi giữ. Khi hết hạn ông A không giao đất, tôi ra xã, xã nói ông A không chịu giao đất nên tôi không làm gì được nữa, tôi tiếp tục kiện lên tòa án huyện, từ khi nộp đơn cho đến nay hơn 1 năm không giải quyết, tòa án có mời 1 lần hòa giải, ông A đưa cho tôi chỉ giao 3 căn là nữa miếng đất trên tôi không chịu, ngày 7/5/2015 mời lần nữa thì lại hoãn, tối đến ông A gọi điện nói nếu tôi không lấy 3 căn thì mất ráng chịu. Hiện ông đang công bố phá sản. Đề nghị Luật sư tư vấn, nếu công bố phá sản thì chỉ chia tỷ lệ % có đúng không? (Ngô Thị Thảo - Hải Dương)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Văn Vinh - Tổ tư vấn pháp luật thương mại của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 54 Luật phá sản năm 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản như sau: “Thứ tự phân chia tài sản: 1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau: a) Chi phí phá sản; b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ. 2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về: a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên; b) Chủ doanh nghiệp tư nhân; c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần; đ) Thành viên của Công ty hợp danh. 3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ".

Như vậy, khi công ty của ông A bị tòa án tuyên bố là phá sản thì thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ tuân theo các quy định của Điều 54 Luật phá sản. Theo đó mỗi điểm a,b,c,d khoản 1 điều 54 được coi là một thứ tự ưu tiên. Theo khoản 3 điều 54 thì nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỉ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. Như vậy, nếu giá trị tài sản của công ty A sau khi thanh toán các khoản chi phí phá sản và các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc và các khoản nợ được đề cập tới trong điểm b khoản 1 điều 54 mà số giá trị tài sản còn lại không đủ để thanh toán tất cả các khoản nợ phát sinh sau khi phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của công ty A thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên này được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. Các khoản nợ trong hàng thứ tự ưu tiên được quy định tại điểm d khoản 1 điều 54 tức các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ sẽ không được thanh toán. Hoặc trong trường hợp khác mà tài sản của ông A đủ để thanh toán hết các khoản nợ phát sinh sau khi phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh đoanh của công ty A nhưng không đủ để thanh toán tất cả các khoản nợ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước,khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ, khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ, thì từng đối tượng này sẽ được thanh toán theo tỉ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. Trong trường hợp tài sản của ông A thanh toán được đủ hết các khoản nợ mà vẫn còn thừa thi số tài sản còn lại được trả cho ông A. Đối với các khoản nợ có bảo đảm thì sẽ được thanh toán bằng tài sản bảo đảm. Trong trường hợp tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán khoản nợ thì khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán còn lại sẽ được xếp vào mục thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại điểm d khoản 1 điều 54 LPS 2014. Trong trường hợp của anh (chị) là Nếu anh (chị) đưa thêm 165 triệu nữa thì ông A đưa anh (chị) miếng đất trên, tổng cộng là 315 triệu đồng nhưng phải cho ông A thời gian 5 tháng để ông A lo tiền trả cho anh (chị), nếu trong 5 tháng mà ông A không trả thì phần đất và tài sản trên đất thuộc về anh (chị), thỏa thuận trước chấp hành viên (CHV ) và được lập thành văn bản có UBND xã chứng nhận. Như vậy căn cứ khoản 6 điều 406 BLDS 2005 quy định :"Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định" thì trường hợp của anh (chị) là hợp đồng có điều kiện theo đó ông A không thanh toán khoản nợ 150 triệu thì anh (chị) có quyền trả thêm ông A 165 triệu nữa và nhận 6 căn nhà trên đất và quyền sử dụng đất và ông A có nghĩa vụ giao 268m2 đất và 6 căn nhà trên đất cho anh (chị). Hợp đồng trên của anh (chị) không có giao dịch bảo đảm bằng tài sản do vậy khi ông A phá sản thì thứ tự thanh toán của anh (chị) thuộc vào điểm d khoản 1 điều 54 LPS 2014. Vậy sau khi ông A thanh toán hết tất cả các chi phí phá sản, lương, bảo hiểm cho nhân viên, các khoản nợ phát sinh sau khi tuyên bố phá sản để nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh mà còn thừa tiền nhưng không đủ để thanh toán hết các khoản nợ thuộc mục ưu tiên theo điểm d khoan1 thì anh (chị) sẽ được thanh toán khoản nợ dựa trên tỉ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thương mại mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.