Luật sư tư vấn khi tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng

Công ty Luật TNHH Everest tư vấn trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng khi tham gia giao thông.

​Hỏi: Tối ngày 9/9 khoảng 20h30, xe tải nhà tôi đậu ven đường để bốc dỡ hàng hóa. 1 nam thanh niên đi xe với tốc độ cao đâm vào đuôi xe và tử vong tại chỗ. Khi dừng xe lái xe vẫn để đèn báo hiệu sáng đầy đủ và có người đứng ở phía sau xe. Cảng xe bỏ xuống dưới nên che mất đèn đuôi xe. Theo lời kể thì nam thanh niên có hành vi của người say và trước khi đâm vào xe tải thì anh đã xém tông vào anh P đứng sau đuôi xe tải. Anh P có kể lại rằng: "nó đi sượt qua người tôi và đâm vào xe". Mặc dù đang là ban đêm, phạm vi trước chỗ xe đậu có đèn đường và đèn từ cửa hàng nơi xe đậu chiếu sáng. Xin hỏi trong trường hợp này thì phía bên xe tải có phải chịu trách nhiệm gì không và nếu có thì mức xử phạt như thế nào? (Gia Khánh - Long An)
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Bùi Thị Phượng - Tổ tư vấn pháp luật giao thông Công ty Luật TNHH Everest trả lời:

Theo như anh trình bày, hậu quả của vụ án “có một người chết”.

Điểm a.1 tiểu mục 3.4 Phần I TTLT 02/2001 TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP có quy định:

“3.4. Để xem xét trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng và trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về nguyên tắc chung phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các hậu quả (thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và các thiệt hại phi vật chất).

Nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản thì được xác định như sau: a) Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả nghiêm trọng: a.1) Làm chết một người”.

Điều 202 BLHS năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm".

Theo quy định trên, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, mà vi phạm quy định của pháp luật giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng của người khác thì sẽ bị truy cứu TNHS theo quy định tại điều 202 BLHS năm 2015.

Anh trình bày, ô tô của gia đình anh dừng, đỗ để bốc dỡ hàng và có một thanh niên đâm vào đuôi xe dẫn tới thiệt hại về tính mạng. Khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải thực hiện quy định sau đây:“a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó; d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh”.

Vậy, nếu dừng xe thì người tài xế phải thực hiện đúng các quy định theo khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008 nêu trên. Trường hợp đã thực hiện đúng các quy định, mà vẫn xảy ra hậu quả chết người thì người tài xế sẽ không bị truy cứu TNHS. Đồng thời, trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng trong trường hợp này cũng không phát sinh, bởi người tài xế trong trường hợp này không có lỗi nên cũng không có trách nhiệm dân sự.

Với lời trình bày của anh, thì trường hợp người tài xế đã thực hiện các biện pháp để hạn chế khả năng gây tai nạn giao thông. Tuy nhiên, chứng cứ để đưa ra quyết định là có hay không bị truy cứu TNHS trong trường hợp này sẽ dựa vào biên bản hiện trường vụ án, biên bản ghi lời khai,... chứ không đơn thuần chỉ thông qua những tình tiết mà anh thuật lại. Trường hợp trên có tín hiệu báo phần đuôi xe nhưng cáng xe đã che mất đèn; hơn nữa, nếu xe chiếm một phần đường thì trước và sau xe cần có biển báo nguy hiểm chứ không phải có “có người ngồi phía sau đuôi xe như anh trình bày”.

Khi không thực hiện đúng các quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ 2008, trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng “ thiệt hại về tính mạng” thì ngược lại người tài xế sẽ bị truy cứu TNHS.

Đồng thời, người tài xế cũng phải chịu trách nhiệm dân sự, tức trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tình tiết nạn nhân điều khiển xe có sử dụng rượu, bia sẽ là tình tiết làm giảm trách nhiệm hình sự, và trách nhiệm dân sự.

Điều 610 BLDS năm 2005 quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.


Người tài xế trong trường hợp này sẽ phải chi trả các chi phí hợp lí liên quan tới việc cứu chữa, chăm sóc nạn nhân trước khi chết; chi phí hợp lý cho mai táng,... và khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân của nạn nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 610 BLDS năm 2005.

Tuy nhiên, tình tiết nạn nhân có sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là tình tiết sử dụng để Hội đồng xét xử giảm mức bồi thường thiệt hại. Bởi, trường hợp trên nạn nhân cũng có lỗi, nên trách nhiệm dân sự sẽ được xem xét, giải quyết trong trường hơp bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi theo quy định tại điều 617 BLDS năm 2005: “Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”.

Việc xem xét có hay không truy cứu TNHS trong vụ án hình sự không đơn giản chỉ thông qua những lời tự thuật mang tính chủ quan của một bên. Chính vì lý do đó, khi tiếp nhận sự việc trên chúng tôi chỉ đưa ra được kết luận dựa trên lời trình bày của anh mà không thể nhìn nhận sự việc một cách khách quan. Anh có thể dựa vào những căn cứ pháp lí chúng tôi trích dẫn, kết hợp với những chứng cứ cơ quan điều tra thu thập để làm cơ sở xem xét toàn diện vụ án.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật giao thông mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.