Làm việc tại đồng thời hai công ty, tham gia bảo hiểm xã hội như thế nào?

Luật sư tư vấn về quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương làm thêm giờ của người lao động trong trường hợp làm việc đồng thời cả hai công ty.

Hỏi: Tôi đang ký hợp đồng lao động, làm việc tại hai công ty. Tại Công ty thứ nhất, tôi làm việc theo giờ hành chính (từ 08h00 đến 16h30 các ngày từ thứ hai tới thứ sáu). Tại Công ty thứ hai, tôi làm việc công việc bán hàng theo ca (từ 17h00 đến 22h00 hàng ngày, gồm cả thứ bảy và chủ nhật). Xin hỏi, quyền lợi của tôi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương làm vào ngày nghỉ cuối tuần sẽ được tính như thế nào? (Phan Ngọc Hà - Hà Nội)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của anh (chị) chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật để anh (chị) tham khảo, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Khoản 4, Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: "4. Người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên."

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 43 Luật việc làm năm 2013 quy định: “Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.”

Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2013 ngày của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động như sau: "a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật."

Như vậy, khi anh (chị) giao kết hợp đồng với hai công ty, anh (chị) thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, thì công ty mà anh (chị) giao kết hợp đồng lao động trước, công ty đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cho anh chị.

Đối với công ty thứ hai, công việc mang tính chất thường xuyên và bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội thì anh (chị) sẽ được trả tiền tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp vào mức lương, mức chi trả của công ty thứ hai bằng mức đóng BHXH, bảo hiểm tự nguyện bắt buộc thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Ngoài ra Điểm 1.2, khoản 1 Điều 38 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/09/2015 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về ban hành quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm Y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quảng lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, như sau: "1.2. Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất".

Thứ hai, về cách tính tiền lương, tiền công khi người lao động làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2012, thì tiền lương làm thêm giờ, cụ thể như sau: “1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.

Về cách tính tiền lương thì theo quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, cụ thể như sau: "Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm" (khoản 1 Điều 6).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 110 của Bộ luật Lao động năm 2012 về ngày nghỉ hàng tuần như sau: “1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. 2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.” Do đó, mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 24 (hai mươi tư) giờ liên tục và ngày nghỉ hàng tuần phải được ghi vào nội quy lao động.

Anh (chị) lưu ý, nếu tại hợp đồng lao động (của Công ty thứ hai), không ghi nhận thời gian làm việc bình thường của người lao động ngày nghỉ hàng tuần (chủ nhật), thì thời gian mà anh chị đi làm vào những ngày này sẽ được tính là thời gian làm thêm giờ và ngày nghỉ hàng tuần. Khi đó thì tiền lương làm thêm giờ (trong ngày chủ nhật) sẽ được tính theo quy định của pháp luật nêu trên (ít nhất bằng 200% tiền lương). Pháp luật quy định ít nhất là 200% là việc khuyến khích cho người sử dụng lao động có thể thanh toán nhiều hơn mức lương bình thường đó để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, nếu tại hợp đồng lao động hai bên đã thỏa thuận rõ người lao động làm việc vào cả ngày chủ nhật, không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. Trường hợp này, người sử dụng lao động không phải trả tiền lương làm thêm giờ.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.