Ký cam kết trước hôn nhân về quyền nuôi con và chia tài sản?

Việc phân chia tài sản chung, tài sản riêng được phân chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình: do các bên thỏa thuận hoặc có thể yêu cầu Tòa án chia.

Hỏi: Em chuẩn bị kết hôn, em muốn có bản cam kết trước hôn nhân về vấn đề nếu chồng không chung thủy thì em sẽ sẽ có quyền nuôi con và tất cả số tài sản của 02 vợ chồng thuộc về em và con. Vậy giờ em có thể công chứng tại xã, phường được không? Nên làm tại thời điểm cùng hay sau kết hôn, thủ tục có đơn giản không? (Thu Hằng - Cao Bằng)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Đào Thị Thu Hường - Tổ Tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 tại Điều 122 thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, có thể thấy việc thỏa thuận nội dung “nếu chồng bạn không chung thủy thì...” là không phù hợp. Hành vi “không chung thủy” hay còn gọi là "ngoại tình", nếu có đơn tố cáo và có bằng chứng xác thực thì sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Trong các quy định về xử lý hành chính cũng như về hình sự đối với hành vi "ngoại tình" không có hình phạt bổ sung. Pháp luật nói chung cũng không có điều khoản nào quy định "ngoại tình" sẽ không được chia hoặc bị mất tài sản" hay "có lỗi dẫn đến ly hôn là không được chia tài sản" hay “ không được quyền nuôi con”.

Bên cạnh đó, quyền nuôi con và việc chia tài sản sau khi ly hôn sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc trong Luật hôn nhân và gia đình. Theo điều 92 Luật hôn nhân và gia đình 2000 thì sau khi ly hôn thì vợ, chồng vẫn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái không ai có thể hạn chế quyền này của cha mẹ. Đồng thời, việc phân chia tài sản chung, tài sản riêng được phân chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình: do các bên thỏa thuận hoặc có thể yêu cầu Tòa án chia.

Mặt khác, nếu quy định "ngoại tình là không được chia tài sản và mất quyền nuôi” thì có thể tạo kẽ hở cho "đối phương" trốn tránh trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, khi ấy họ thoải mái ngoại tình. Vô hình trung, góp phần vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.

Như vậy, việc anh chị lập văn bản thỏa thuận nói trên là không phù hợp với quy định của pháp luật nên văn bản ấy sẽ không được công chứng hoặc chứng thực, đương nhiên không có giá trị pháp lý.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.