Khái niệm và nguyên tắc của chế độ bầu cử

Bầu cử là một chế định trọng tâm của các chính phủ dân chủ kiểu đại diện. Vì trong một nền dân chủ, quyền lực của nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân (người bị quản lý).

Luật sư tư vấn pháp luật - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Khái niệm chế độ bầu cử

Bầu cử là một định chế trọng tâm của các chính phủ dân chủ kiểu đại diện. Vì trong một nền dân chủ, quyền lực của nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân (người bị quản lý). Cơ chế căn bản để chuyển sự nhất trí đó thành quyền lực nhà nước là tổ chức bầu cử tự do và công bằng.

Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là một vấn đề cơ bản nhất của Hiến pháp. Quyền lực đó phải có các hình thức và biện pháp thực hiện nhất định. Cho nên có hai hình thức cơ bản để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về mình: Dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Dân chủ trực tiếp tức là nhân trực tiếp thực thi bằng cách bỏ phiếu phúc quyết. Đây là cách thức chưa phổ biến hiện nay. Thứ hai, dân chủ gián tiếp, tức là nhân dân bỏ phiếu bầu ra những người đại diện, những người đại diện này thay mặt cho nhân dân, được nhân dân ủy nhiệm giải quyết các công việc của nhà nước. Hình thức dân chủ gián tiếp này còn đươc gọi là hình thức dân chủ đại diện. Đó là một trong những hình thức thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Phương pháp bầu cử trở thành một trong những hình thức thực hiện quyền tự do dân chủ, một trong những biểu hiện quyền con người trong lĩnh vực chính trị - quyền tự do dân chủ. Cho đến hiện nay ở các nước dân chủ tư sản cũng như ở các nước dân chủ xã hội chủ nghĩa bầu cử được sử dụng một cách rộng rãi như là một biện pháp nhân dân trao quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước. Bầu cử trở thành một chế độ bầu cử một hình thức hoạt động quan trọng của xã hội dân chủ, một phương pháp phổ biến nhất hiện nay để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Chế độ bầu cử được xác định bởi tổng thể các mối quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình tiến hành các cuộc bầu cử, từ lúc lập danh sách cử tri, cho đến khi kết thúc việc xác định được danh sách những người trúng cử. Qua những mối quan hệ xã hội đó cho phép khái quát được chế độ bầu cử được hình thành qua các cuộc bầu cử của một đất nước là chế độ bầu cử dân chủ không áp đặt, nhân dân tự nguyện thể hiện ý chí của mình tìm ra được những người xứng đáng làm đại diện cho nhân dân, thay mặt nhân dân quản lý và điều hành đất nước.

Thực ra nguyên tắc bầu cử đã xuất hiện từ rất lâu, ngay từ thời chiếm hữu nô lệ. Ngoài chính thể quân chủ là phổ biến, ngay từ thời kỳ này đã tồn tại chính thể cộng hoà, với Viện Nguyên lão bao gồm đại diện của những chủ nô quý tộc, đại diện nhân dân (Commita centuria), và bao gồm cả đại diện của những người cầm vũ khí. Nhưng mãi cho đến hiện nay kể từ cách mạng tư sản mới trở một trong những biện pháp quan trọng để nhân dân có thể thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về mình.

Mục tiêu của cách mạng tư sản là phế bỏ chế độ truyền ngôi, thế tập, khẳng định quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân. Những người cầm quyền nhà nước thực sự chỉ có thể có được quyền lực nhà nước từ nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng cách bầu ra những người đại diện thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.

Khác với chế độ xã hội chủ nghĩa, nhà nước tư sản được tổ chức và thành lập theo nguyên tắc phân chia quyền lực. Vì vậy, đối tượng bầu cử trong nhà nước tư sản được áp dụng rộng rãi hơn. Không những chỉ trực tiếp bầu ra các nghị sĩ như trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, cử tri của nhà nước tư bản còn bầu ra các quan chức cao cấp khác như tổng thống, các thị trưởng. Như vậy có thể suy ra rằng, số lần bầu cử được tỷ lệ thuận với mức độ phân quyền của mỗi quốc gia. Càng phân quyền bao nhiêu, càng có bầu cử nhiều bấy nhiêu và sự hạn chế quyền lực nhà nước càng được gia tăng bấy nhiêu.

chế độ nhà nước Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Cũng như những hiện tượng khác, quyền lực xã hội thuộc về nhân dân phải có hình thức thực hiện. Có hai hình thức mà nhân dân dùng để thực hiện quyền lực Nhà nước của mình: trực tiếp và gián tiếp, tạo nên hai hình thức dân chủ cơ bản của xã hội đương đại: Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước là hình thức dân chủ trực tiếp. Hình thức thứ hai được thể hiện bằng việc nhân dân bỏ phiếu bầu ra những người đại diện, thay mặt nhân dân giải quyết các công việc của Nhà nước, được gọi là dân chủ đại diện.

Cả hai hình thức nêu trên đều dùng biện pháp bỏ phiếu để thực hiện quyền lực Nhà nước. Đồng thời với ý nghĩa nêu trên, bầu cử còn là phương pháp thành lập nên các cơ cấu của bộ máy Nhà nước. Đây là phương pháp dân chủ thể hiện quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, khác biệt hoàn toàn với biện pháp truyền ngôi, thế tập với quyền lực thần bí do nhà trời định đoạt, tạo thành hình thức chính thể quân chủ. Với bầu cử cho phép chúng ta xác định chính thể dân chủ cộng hoà. Với tầm quan trọng như vậy, bầu cử trở thành một yếu tố không thể thiếu được trong chế độ xã hội dân chủ đương đại, góp phần không nhỏ cho việc xây dựng chế độ xã hội tiên tiến, trong đó lẽ đương nhiên có cả chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Với phương pháp này chính quyền được tổ chức ra là một chính quyền hợp pháp. Và chính các hoạt động bầu cử được hình thành dần dần thành một chế độ bầu cử, một phần của chế độ xã hội. Qua những cuộc bầu cử diễn ra ở mỗi quốc gia cho phép chúng ta xác định chế độ bầu cử.

Hình thức dân chủ trực tiếp, nhân dân trực tiếp giải quyết các công việc của nhà nước, hiện nay áp dụng rất còn hạn chế. Hình thức dân chủ gián tiếp mà loại hình biểu hiện của nó là dân chủ đại diện, hiện nay được áp dụng hết sức rộng rãi. Bầu cử chỉ định ra những người lãnh đạo quốc gia. Theo Hiến pháp và luật lệ của các nhà nước dân chủ, các đại diện do nhân dân bầu ra phải có trách nhiệm chèo lái con thuyền quốc gia. Các nhân vật này không phải là những bù nhìn hay là các nhà lãnh đạo tượng trưng.

Dân chủ đại diện là một thể thức dân chủ, trong đó nhân dân thực hiện chủ quyền của mình qua khâu trung gian của những đại diện được chọn bằng phương pháp bầu cử. Phương pháp này được áp dụng rất rộng rãi trong chế độ tư bản và trong chủ nghĩa xã hội. Vì thế cho nên, các nhà nước tư bản hoặc xã hội chủ nghĩa phần lớn chỉ được tổ chức theo chính thể cộng hoà, mà không được tổ chức theo một loại hình chính thể nào khác.

Về tầm quan trọng của bầu cử Hồ Chủ Tịch nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.Trong cuộc tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không phân chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam đều có hai quyền đó".

Chế độ bầu cử là chế độ của sự hình thành bằng tổng thể các mối quan hệ xã hội xảy ra qua các cuộc bầu cử từ lúc lập danh sách cử tri, xác định những người được quyền đi bỏ phiếu, giới thiệu ứng cử viên, xác định những người có thể được bầu làm đại diện trong các cơ quan Nhà nước cho đến giai đoạn cuối cùng là xác định, tuyên bố kết quả của các ứng cử viên. Qua những cuộc bầu cử cho phép chúng ta thấy được các cuộc bầu cử được diễn ra một cách dân chủ, không áp đặt, không giả dối, một phương thức dân chủ thực hiện quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân tự nguyện thể hiện ý chí của mình bỏ phiếu tìm ra được những người có uy tín, xứng đáng làm đại diện cho nhân dân, thay nhân dân quản lý và điều hành đất nước.

Với tư cách là một biện pháp dân chủ thành lập ra bộ máy Nhà nước, cho nên các cơ quan Nhà nước của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều trực tiếp, hoặc gián tiếp do nhân dân bầu ra. Là cơ quan duy nhất do nhân dân toàn quốc trực tiếp bầu ra, cho nên Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao. Quốc hội thay mặt nhân dân, giải quyết các công việc quan trọng nhất của đất nước, từ việc đặt ra Hiến pháp và pháp luật cho đến việc thành lập ra các cơ quan Nhà nước khác. Hiến pháp năm 1992 cũng như của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước đây đều xác định rõ chỉ có các cơ quan Nhà nước do nhân dân trực tiếp bầu ra mới được xác định là cơ quan quyền lực Nhà nước.

Với tầm quan trọng như vậy, cho nên ngay từ khi mới thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh tiến hành các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ngay từ phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời ngày 3 tháng 9 năm 1945, Hồ chủ tịch đã đề nghị Chính phủ sớm tổ chức cuộc Tuyển cử và xây dựng Hiến pháp. Người nói:

Truớc ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai, gái, từ 18 tuổi đều có quyền bầu cử, ứng củ, không phân biệt giàu nghèo, dòng giống”.

Về phương diện pháp luật, thì chế độ bầu cử còn được hiểu là một chế định quan trọng nằm trong hệ thống ngành luật Hiến pháp, bao gồm các quy định của pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến bầu cử, quyền ứng cử và các quy trình để tiến hành bầu cử từ lúc lập danh sách cử tri cho đến khi xác định kết quả bầu cử, quá trình bầu cử còn được gọi là pháp luật tố tụng bầu cử (Trình tự bầu cử).

Dù chính phủ có thể cơ cấu tổ chức chặt chẽ đến đâu, hoạt động có hiệu quả đến đâu đi chăng nữa, mà các quan chức - những người đảm trách các chức năng quan trọng của nhà nước không do bầu cử mà ra, cũng là một chế độ phi dân chủ. Chế độ đó chỉ là dân chủ khi các quan chức lãnh đạo chính phủ được bầu ra một cách tự do dân chủ bởi các công dân công khai và công bằng. Cơ chế bầu cử các chế độ chính trị có thể là khác nhau, nhưng những yếu tố cơ bản của chúng là giống nhau đối với tất cả các xã hội dân chủ, kể các dân chủ tư sản lẫn dân chủ xã hội chủ nghĩa: Tất cả các công dân đến tuổi trưởng thành đều có quyền bầu cử, các cá nhân được bảo vệ không bị tác động tiêu cực trong khi bỏ phiếu, kiểm phiếu công khai và trung thực...
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Các nguyên tắc bầu cử


Với tính chất quan trọng của bầu cử như vậy, pháp luật bầu cử của chúng ta được xây dựng trên một số nguyên tắc nhất định. Việc bầu cử đại biểu ở nước ta được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các nguyên tắc đó thống nhất với nhau, đảm bảo cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Các nguyên tắc bầu cử còn quy định quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm những quy định về bầu cử. Các nguyên tắc này có thể được pháp luật quy định bằng một quy phạm nhất định, hoặc bằng nhiều quy phạm trong các văn bản pháp luật bầu cử.

Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu


Nhà nước ta là Nhà nước của dân, người dân làm chủ trong việc bầu ra những người đại diện cho mình. Vì vậy Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân đều có thể tham gia bầu cử. Đây là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong chế độ bầu cử của mỗi Nhà nước nói chung, trong đó có Việt Nam chúng ta. Mức độ dân chủ của xã hội thể hiện chủ yếu hay về cơ bản thông qua nguyên tắc này. Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trong bầu cử của nhà nước ta hòan toàn đối nghịch với nguyên tắc hạn chế quyền bầu cử và ứng cử của các nhà nước phản dân chủ trước đây của nhiều nhà nước tư sản phát triển.

Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu thể hiện tính công khai, dân chủ rộng rãi, đòi hỏi sự bảo đảm để công dân thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của mình.

Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu được thể hiện ở tính toàn dân và toàn diện của bầu cử. Bầu cử là công việc của mọi người, là sự kiện chính trị của xã hội, cuộc bầu cử được tiến hành đều khắp trong cả nước nếu đó là bầu cử Quốc hội, trong cả địa phương nếu đó là bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu là một nguyên tắc hiến định được điều 54 Hiến pháp ghi nhận và cụ thể hoá tại Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân:

“Công dân, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo qui định của pháp luật, trừ những người mất trí và những người bị pháp luật hoặc toà án nhân dân tước các quyền đó".

Khác với các nhà nước tư bản, ở Nhà nước ta quân nhân trong quân đội vẫn có quyền bầu cử và ứng cử. Họ quan niệm rằng quân đội không được tham gia chính trị.

Những người có quyền bầu cử được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập danh sách cử tri. Việc lập danh sách cử tri có ý nghĩa quan trọng xác nhận về mặt pháp lý quyền bầu cử của công dân. Về nguyên tắc chỉ những người có quyền bỏ phiếu thì mới có thể là ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Danh sách cử tri phải được niêm yết ở nơi ở, nơi công tác để các cử tri kiểm tra xem xét quyền bầu cử của mình. Trong trường hợp không có tên, hoặc sai tên sai họ... cử tri có quyền khiếu nại lên chính cơ quan lập danh sách cử tri. Khi nhận được khiếu nại của cử tri, Uỷ ban nhân dân, hoặc chỉ huy đơn vị quân đội nơi lập danh sách cử tri phải giải quyết. Nếu cử tri không nhất trí với cách giải quyết của các cơ quan nêu trên, có quyền khiếu nại lên Toà án nhân dân huyện. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại Toà án phải giải quyết. Quyết định của Toà án là quyết định cuối cùng.

Về tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu, Hồ Chí Minh nói:“Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó vô cùng lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thực sự của mỗi công dân ta. Vì vậy đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri”.

Nguyên tắc bình đẳng


Nguyên tắc bình đẳng là một nguyên tắc rất quan trọng trong suốt quá trình bầu cử, từ khi lập danh sách cử tri cho đến khi xác định kết quả bầu cử. Hình thức biểu hiện của nguyên tắc rất đa dạng. Nhưng trước hết ở chỗ mỗi một cử tri đều có số lần bỏ phiếu như nhau. Trong một cuộc bầu cử, mỗi một cử tri chỉ có một lá phiếu. Đủ tiêu chuẩn theo quy định của luật bầu cử thì được lập danh sách cử tri. Muốn cho cử tri chỉ có một lá phiếu trong một cuộc bầu cử thì mỗi một cử tri chỉ được ghi tên trong một danh sách của một cuộc bầu cử.

Nguyên tắc bình đẳng bảo đảm để mọi công dân có khả năng như nhau trong việc tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Nguyên tắc bình đẳng nhằm đảm bảo sự khách quan trong bầu cử, không thiên vị.

Nguyên tắc này thể hiện trong quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử của công dân; quy định số lượng dân như nhau thì được bầu số đại biểu bằng nhau; mỗi cử tri được ghi tên vào danh sách ở một nơi cư trú, mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử, mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu.

Để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, Nhà nước có các biện pháp bảo đảm để đồng bào dân tộc cũng như phụ nữ có số đại biểu thích đáng trong Quốc hội và thích đáng trong Hội đồng nhân dân các cấp.

Nguyên tắc bầu cử trực tiếp


Nguyên tắc này đảm bảo để cử tri trực tiếp lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực Nhà nước bằng lá phiếu của mình không qua khâu trung gian. Cùng với các nguyên tắc khác, nguyên tắc này là điều kiện cần thiết đảm bảo tính khách quan của bầu cử.

Không phải nước nào trên thế giới cũng bầu cử theo nguyên tắc trực tiếp. Ở nhiều nước bầu cử được tiến hành gián tiếp qua nhiều cấp. Thường ở các nước này cử tri bầu ra đại cử tri, đại cử tri bầu ra người đại diện. Những cuộc bầu cử này được gọi là những cuộc bầu cử gián tiếp.

Trên cơ sở nguyên tắc bầu cử trực tiếp, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử Hội đồng nhân dân ở nước ta có một loạt quy định nhằm đảm bảo để cử tri trực tiếp thể hiện nguyện vọng của mình từ khâu đề cử, ứng cử đến khâu bỏ phiếu; Cử tri tự mình đi bầu, tự tay mình bỏ phiếu vào thùng phiếu; không được nhờ người khác bầu thay, không được bầu bằng cách gửi thư.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín


Nguyên tắc này bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn, để sự lựa chọn đó không bị ảnh hưởng bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. Pháp luật quy định rõ việc bố trí nơi viết phiếu phải kín, không có ai được đến xem lúc cử tri viết phiếu bầu.

Bầu cử là hoạt động có tính chất dân chủ. Hoạt động này luôn luôn gắn liền với nguyên tắc công khai. Tất cả mọi công đoạn của bầu cử phải diễn ra công khai, nhưng chỉ riêng công đoạn bỏ phiếu phải diễn ra trong phòng kín, không có sự tham gia của bất cứ nhân vật nào, kể cả nhân viên phụ trách công việc bầu cử tại phòng bỏ phiếu.

Bài viết được thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, Giảng viên khoa Luật kinh tế - Trường Đại học Hòa Bình


Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:


  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest quaTổng đài tư vấn pháp luật:19006198, E-mail: info@everest.net.vn.