Khái niệm và điều kiện của đồng phạm trong luật hình sự

Đồng phạm là trường hợp có từ hai người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm. (Khoản 1, Điều 20 BLHS)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198


Điều kiện về khách quan của đồng phạm: Là phải có ít nhất hai người có NLTNHS và cùng tham gia thực hiện một tội phạm (tức là phải có sự liên kết về khách quan giữa các hành vi của mỗi người trong đồng phạm).

Được coi là giữa những người trong đồng phạm cùng tham gia thực hiện một tội phạm là mỗi người tham gia vào đồng phạm phải có ít nhất một trong bốn loại hành vi đối với việc thực hiện một tội phạm, đó là: hành vi thực hành, hành vi tổ chức, hành vi xúi giục, hành vi giúp sức.

Giữa các hành vi của mỗi người trong đồng phạm có mối liên kết thống nhất với nhau, hành vi của người này quyết định hành vi của người khác và hành vi của mỗi người là điều kiện hỗ trợ cho hoạt động chung.

Trong các hành vi trong đồng phạm thì hành vi của người thực hành là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả còn các loại hành vi khác thông qua hành vi người thực hành mà gây ra hậu quả.

Điều kiện về chủ quan của đồng phạm: Theo khái niệm trên về đồng phạm thì về hình thức lỗi trong mặt chủ quan giữa những người trong đồng phạm phải cùng cố ý (tức là phải có sự liên kết về mặt chủ quan giữa những người trong đồng phạm).

Như vậy, đồng phạm chỉ có thể đặt ra với các tội thực hiện với hình thức lỗi cố ý (có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp). Tính chất cùng trong hình thức lỗi của đồng phạm thể hiện trong cấu trúc hợp thành bởi 2 bộ phận trong lỗi cố ý trực tiếp:

Cùng lý trí: Được hiểu là cùng lý trí giữa những người trong đồng phạm khi thoả mãn các điều kiện sau:

- Mỗi người trong đồng phạm đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình.

- Mỗi người trong đồng phạm phải thấy trước hậu quả của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.

Cùng ý trí: Được hiểu là cùng ý trí giữa những người trong đồng phạm khi thoả mãn các điều kiện sau:

- Giữa những người đồng phạm cùng mong muốn có sự liên kết của các hành vi.

- Giữa những người đồng phạm cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả chung phát sinh.

Ví dụ: Biết tin xe tải chở gạo qua đèo Hải Vân bị lật, A rủ B và C cùng nhau ra lấy gạo
(A, B, C phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản). Có thể xảy ra 2 trường hợp:

1- Mỗi người chở được số gạo tuỳ theo khả năng về nhà mình thì không phải là đồng phạm.

2- Mỗi người chở được số gạo tuỳ theo khả năng về tập kết tại một địa điểm, sau đó chia đều cho 3 người, thì A, B, C là đồng phạm của nhau.

Chú ý: Với các tội có dấu hiệu mục đích là bắt buộc thì giữa những người đồng phạm đòi hỏi phải có cùng mục đích hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó.

Ví dụ: A vượt biên ra nước ngoài hoạt động chống chính quyền nhân dân bằng đường biển. A thuê B là dân chài chở ra khỏi hải phận Việt Nam. Trong khi A chở B, hai người trò chuyện, B biết được mục đích của A nhưng vẫn tiếp tục chở (B là đồng phạm với vai trò người giúp sức), bởi trong trường hợp này B đã biết rõ và tiếp nhận mục đích đó.

Tổ bộ môn Luật Hình sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp


  1. Nội dung trong bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (chú thích rõ trong bài viết).
  2. Bài viết được sử dụng không nhằm mục đích thương mại, chỉ nhằm mục đích giảng dạy, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, quý Vị vui lòng liên hệ với các luật sư, luật gia của Công ty Luật TNHH Everest và Khoa Luật Kinh tế - Đại học Hòa Bình, qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: info@luatviet.net.vn, hoặc trực tiếp tại địa chỉ Khoa Luật kinh tế Đại học Hòa Bình, số 8 phố Bùi Xuân Phái, Nam Từ Liêm, Hà Nội.