Hướng giải quyết tình huống va chạm giao thông

Trong tình huống có va chạm gia thông cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định lỗi của 2 bên và từ đó xác định vấn đề bồi thường thiệt hại.

Hỏi: Tôi đi xe máy, đèo mẹ ra bến xe bus và có quay xe để đi về thì một bác gái 61 tuổi đi ngược chiều và có xảy ra va chạm. Ở chỗ tôi tôi quay xe không có biển cấm quay đầu. Khi xảy ra va chạm thì tôi tôi đã cùng mẹ nhanh chóng đưa bác vào bệnh viện chạy chữa.

Nhưng khi vào thì bác sĩ có nói phải mổ, nhưng khả năng nhiễm trùng cao vì bác ấy bị tiểu đường. Thế là tối hôm ấy bác ý đã trốn viện về nhà và tự ý đắp lá thuốc. Khiến cho bệnh tình nặng thêm. Sau đó mới lại quay vào viện điều trị tiếp. Trong suốt quá trình đó thì nhà tôi vẫn bảo bác nên vào viện nhưng bác không vào và liên tục gọi điện yêu cầu gia đình tôi mang tiền vào cho bác mua thuốc kháng sinh tự điều trị. Do đó việc hòa giải gặp khó khăn.Bây giờ bác ý ra viện lại thì bác sĩ chẩn đoán vỡ mắt cá chân, chờ mổ và vẫn sẽ phải đối mặt với khả năng nhiễm trùng cao. Và bác ý làm đơn kiện nhà tôi. Đề nghị Luật sư tư vấn, hướng giải quyết nên như thế nào ? (Kim Anh)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Ngọc Diệp - Tổ tư vấn pháp luật Giao thông - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định lỗi của 2 bên và từ đó xác định vấn đề bồi thường thiệt hại.

Nếu gia đình anh (chị) tự nguyện đứng ra bồi thường để kịp thời chữa bệnh cho bác ấy. Nhưng việc bồi thường cũng chỉ tối đa là bồi thường những thương tích trong vụ tai nạn cho bác ấy. Những biến chứng do bác ấy không chịu chữa bệnh là do lỗi của bác ấy và bác ấy sẽ phải tự chịu những chi phí tăng thêm đó.

Theo quy định tại Nghị quyết 03/2006 hướng dẫn áp dụng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì những thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại: Chi phí này là chi phí khám chữa bệnh, phục hồi chắc năng bị mất hoặc bị giảm sút cần thiết theo sự chỉ định của bác sĩ. Nó không bao gồm chi phí tăng thêm mà do lỗi của bệnh nhân không chịu điều trị kịp thời gây ra.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

- Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

Về việc khởi kiện ra Tòa của bác ấy thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm (ngày xảy ra tai nạn giao thông). Cần lưu ý là quá thời hiệu này thì Tòa án sẽ không thụ lí giải quyết nữa. Nếu chưa hết thời hạn 2 năm thì khi khởi kiện ra Tòa, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định lỗi của hai bên để đưa ra mức bồi thường tương xứng với mức độ lỗi của hai bên.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật giao thông mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.