Hợp đồng thương mại, có đơn thuần là hợp đồng mua bán hàng hóa?

Hợp đồng thương mại là một khái niệm không được bất cứ văn bản pháp luật chính thức nào giải thích, định nghĩa, tuy nhiên khái niệm "hợp đồng thương mại" lại được sử dụng rất phổ biến.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Hợp đồng thương mại là một khái niệm không được bất cứ văn bản pháp luật chính thức nào giải thích, định nghĩa, tuy nhiên khái niệm Hợp đồng thương mại lại được sử dụng rất phổ biến.

Hợp đồng thương mại thực ra là một cách gọi đối với loại hợp đồng được giao kết giữa các pháp nhân hoặc giữa cá nhân với pháp nhân. Bản chất của Hợp đồng thương mại chính là một loại giao dịch dân sự, thế nhưng không phải là giao dịch dân sự giữa cá nhân và cá nhân, đây là giao dịch dân sự giữa các pháp nhân, hoặc tối thiểu một trong hai bên chủ thể phải là pháp nhân; các bên giao kết hợp đồng vì mục đích thương mại.

Có nhiều cách phân loại hợp đồng thương mại, chính vì vậy có nhiều loại hợp đồng thương mại như: Hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng thương mại quốc tế...

Doanh nghiệp có thể thấy rằng hợp đồng thương mại không đơn thuần là hợp đồng mua bán hàng hóa.

Các điều khoản cơ bản cần có trong Hợp đồng thương mại

Theo quy định tại khoản 2 Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) thì nội dung cơ bản của Hợp đồng có thể có các nội dung:
"a) Đối tượng của hợp đồng;
b) Số lượng, chất lượng;
c) Giá, phương thức thanh toán;
d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
g) Phương thức giải quyết tranh chấp".

Tuy nhiên đây là những nội dung được khuyến nghị, ngay tại khoản 1 của Điều 398 đã quy định: “Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng”. Đây là một quy định được xây dựng trên cơ sở quyền tự do thỏa thuận của các bên – nguyên tắc cơ bản nhất trong giao kết hợp đồng không chỉ của pháp luật Việt Nam mà còn của hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng như của pháp luật quốc tế về Hợp đồng.

Các bên có quyền tự do thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, sự tự do thỏa thuận phải trong khuôn khổ, đó là tự do thỏa thuận những nội dung pháp luật không cấm, không vi phạm đạo đức xã hội, tránh những trường hợp dẫn đến hợp đồng vô hiệu.

Những nội dung cơ bản được đề cập trong khoản 2 Điều 398 BLDS 2015 được trích dẫn trên cũng là những nội dung cơ bản nhất cần được đề cập trong Hợp đồng mua bán (kể cả trong nước hoặc quốc tế), hợp đồng cung ứng dịch vụ, hợp đồng xây dựng, hợp đồng đầu tư...

Một vài điều cần lưu ý khi ký kết Hợp đồng thương mại

Những vấn đề cần lưu ý khi ký kết Hợp đồng thương mại thường là những vấn đề liên quan đến các điều khoản quan trọng, cần thiết, tuy nhiên Doanh nghiệp thường không quá chú trọng, không quan tâm, thậm chí có sự quy định chung chung, không rõ ràng, tới khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, hai bên rất khó giải quyết do không thể hiện rõ ý chí ngay từ ban đầu, hoặc không dự liệu được các rủi ro có khả năng xảy ra.

Đó thường là những điều khoản liên quan đến vấn đề phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường hợp đồng, giải quyết tranh chấp, lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, pháp luật điều chỉnh, điều khoản về chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa, điều khoản về trường hợp bất khả kháng, tư cách chủ thể ký kết hợp đồng, đối tượng của hợp đồng không rõ ràng...

Ở Việt Nam, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 90% tuy nhiên các doanh nghiệp này thường sử dụng mẫu hợp đồng có sẵn được tải trên internet, không được tư vấn cụ thể, đầy đủ về các vấn đề pháp lý khi giao kết hợp đồng, về các điều khoản trong hợp đồng, dẫn tới việc ký kết nhanh chóng, gia tăng rủi ro khi thực hiện hợp đồng do áp dụng sai quy định pháp luật đã hết hiệu lực, các quy định pháp luật không phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp, các điều khoản không phù hợp quy định pháp luật,... dẫn tới hợp đồng khó thực hiện, khi thực hiện thì dễ nảy sinh tranh chấp, khi nảy sinh tranh chấp thì thiệt hại lớn, phải bồi thường, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Doanh nghiệp cần tự trang bị những kiến thức cơ bản về Hợp đồng thương mại, hoặc được tư vấn, hướng dẫn cụ thể khi đàm phán, ký kết, soạn thảo Hợp đồng thương mại, để tránh được những rủi ro trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Luật gia Nguyễn Thị Liên - Phòng Dân sự - Thương mại của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài 1900 6198, tổng hợp.

Khuyến nghị:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, hoặc phổ biến kiến thức pháp luật;
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi đây có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: info@luatviet.net.vn, info@everest.net.vn