Hợp đồng đại lý và hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hợp đồng đại lý và hợp đồng nhượng quyền thương mại giống và khác nhau ở điểm nào? Một số đặc điểm cần lưu ý về hợp đồng đại lý và hợp đồng nhượng quyền thương mại?

Những điểm giống và khác nhau giữa hợp đồng đại lýhợp đồng nhượng quyền thương mại xuất phát từ đặc điểm của hoạt động đại lý và hoạt động nhượng quyền thương mại.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Điểm giống nhau giữa Hợp đồng đại lý và hợp đồng thương mại

Hợp đồng đại lý và Hợp đồng nhượng quyền thương mại, thực chất là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên trong hoạt động thương mại. Các bên tự do thỏa thuận những nội dung không vi phạm điều cấm của pháp luật, tự nguyện, bình đẳng, nhằm mục đích lợi nhuận trong kinh doanh. Sự thỏa thuận này bắt buộc phải lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương

Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau:

Điều 285: "Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương".

Điều 168: "Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương".

Những điểm khác nhau giữa hợp đồng đại lý và hợp đồng nhượng quyền thương mại

Sự khác nhau giữa hợp đồng đại lý và hợp đồng nhượng quyền thương mại xuất phát từ bản chất quan hệ giữa các bên, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại tương ứng, vì vậy hai loại hợp đồng này sẽ có những điều khoản khác biệt về quyền và nghĩa vụ giữa các bên như sau:

Về khái niệm

Điều 166 Luật Thương mại năm 2005 quy định: "Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lýbên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao".

Điều 284 quy định về hoạt động nhượng quyền thương mại như sau: "Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh."

Điều khoản quyền sở hữu hàng hóa, tài sản

Trong quan hệ đại lý, Bên giao đại lý là chủ sở hữu của hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý. Bên giao đại lý sẽ chịu hầu hết rủi ro xảy ra đối với hàng hóa, tiền giao cho bên đại lý với tư cách là chủ sở hữu. "Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý." - Điều 170 Luật Thương mại năm 2005.

Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, bên nhận nhượng quyền và bên nhượng quyền là hai chủ thể độc lập, hoạt động mua bán, sở hữu hàng hóa do bên nhận nhượng quyền tự tiến hành, bên nhận nhượng quyền là chủ sở hữu của các hàng hóa, tài sản đó, vì vậy sẽ chịu mọi rủi ro liên quan đến hàng hóa.

Điều khoản về chất lượng hàng hóa/dịch vụ

Trong hợp đồng đại lý, chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa/dịch vụ là bên giao đại lý mà không phải là bên đại lý.

Trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhận nhượng quyền là chủ sở hữu của hàng hóa/dịch vụ, chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa/dịch vụ mà mình cung ứng.

Điều khoản tổ chức mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

Trong hợp đồng đại lý, quyền của bên đại lý là chủ động trong tổ chức hoạt động mua bán, cung ứng dịch vụ phù hợp với hoạt động, mô hình kinh doanh của mình. Không đặt ra yêu cầu đảm bảo sự thống nhất với các bên đại lý khác.

Trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhận nhượng quyền chịu sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền. Bên nhận nhượng quyền phải tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền và điều hành hoạt động phụ hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại. Bên nhượng quyền có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận nhượng quyền nhằm đảm bảo sự thống nhất nhượng quyền thương mại và ổn định về chất lượng hàng hóa/dịch vụ.

Bên cạnh những điểm khác biệt trên, hợp đồng đại lý và hợp đồng nhượng quyền thương mại còn khác nhau ở một số điều khoản về thanh toán thù lao đại lý, chi phí nhượng quyền, thời hạn đại lý, nhượng quyền, và hậu quả pháp lý khi chấm dứt hợp đồng, các doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình soạn thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: info@luatviet.net.vn.
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Thương mại mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.