Hiến pháp Việt Nam là một đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý tối cao của nhà nước Việt Nam

Hiến pháp là một đạo luật cơ bản, khác với những đạo luật khác. Tính chất luật cơ bản và hiệu lực pháp tối cao của Hiến pháp Việt Nam thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau.

 Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Do vị trí đặc biệt quan trọng của Hiến pháp trong một hệ thống pháp luật, trong sinh hoạt Nhà nước và trong sinh hoạt của một xã hội nói chung, Hiến pháp được xem là luật cơ bản của Nhà nước. Người có công đề cập đến Hiến pháp như một đạo luật cơ bản là Lastxen. Trong một tác phẩm của mình, ông viết: “ Hiến pháp... phải trở thành không chỉ là một đạo luật, mà phải hơn là một đạo luật. Hiến pháp không phải là một đạo luật thông thường, như những đạo luật khác, mà là một đạo luật cơ bản của một nước”.

Khi nói đến Hiến pháp Việt Nam cũng như của các Nhà nước khác phải thấy được đặc tính đầu tiên cuả chúng là một đạo luật, tức là một văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thông qua. Đây chính là dấu hiệu quan trọng bậc nhất làm Hiến pháp với tính cách là một văn bản Nhà nước khác với các loại văn bản khác.

Hiến pháp không phải là một loại văn bản Nhà nước mang tính cá biệt, chỉ được áp dụng một lần, mà nó là một văn bản pháp quy, tức là một văn bản Nhà nước, mà nội dung của nó chứa đựng quy phạm pháp luật. Tuy vậy, Hiến pháp không phải là một loại văn bản pháp luật thông thường, do một cơ quan Nhà nước bất kỳ ban hành mà do một cơ quan Nhà nước có vị trí đặc biệt thông qua. Ở Việt Nam chúng ta Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất có quyền thông qua Hiến pháp, tức là làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp là một đạo luật cơ bản, khác với những đạo luật khác. Tính chất luật cơ bản và hiệu lực pháp tối cao của Hiến pháp Việt Nam thể hiện trên nhiều phương diện:

- Trước hết, Hiến pháp là một văn bản có hiệu lực cao nhất quy định việc tổ chức quyền lực Nhà nước, là hình thức pháp lý thể hiện một cách tập trung hệ tư tưởng của giai cấp lãnh đạo, ở từng giai đoạn phát triển, Hiến pháp là văn bản, là phương tiện pháp lý cao nhất thể hiện tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới hình thức những quy phạm pháp luật.

- Xét về mặt nội dung, nếu các luật khác thường chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống, chẳng hạn luật hôn nhân và gia đình, luật đất đai, luật lao động... thì đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp rất rộng, có tính chất bao quát tất cả các lĩnh vực của sinh hoạt xã hội: Chế độ chính trị; chế độ kinh tế; đường lối phát triển khoa học, kỹ thuật, văn hoá, giáo dục; đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

- Các quy định của Hiến pháp là nguồn, là căn cứ cho tất cả các ngành luật thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ở đây, cần chú ý đến các đặc tính của các quy phạm Hiến pháp: quy phạm tuyên ngôn - cương lĩnh, quy phạm điều chỉnh chung, quy phạm điều chỉnh trực tiếp.Trong đó loại quy phạm thứ nhất và loại quy phạm thứ hai, tuy tự chúng có sức chỉ đạo, định hướng, nhưng vẫn phải thông qua các quy phạm pháp luật của các ngành luật khác để chúng có thể phát huy đầy đủ hiệu lực.

- Các luật không những không được mâu thuẫn với Hiến pháp, mà còn phải hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nội dung các quy định của Hiến pháp, khi có mâu thuẫn thì chỉ quy định của Hiến pháp mới có hiệu lực.

- Tất cả các văn bản pháp luật khác dưới luật cũng không được mâu thuẫn mà phải phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp, được ban hành trên cơ sở Hiến pháp và để thi hành Hiến pháp.

- Các điều ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam tham gia không được mâu thuẫn, đối lập với quy định của Hiến pháp. Khi có mâu thuẫn, đối lập thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không tham gia ký kết, không phê chuẩn hoặc bảo lưu đối với từng điều riêng biệt.

- Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải ban hành các văn bản pháp luật mà Hiến pháp đã quy định.

- Tất cả các cơ quan Nhà nước phải thực hiện chức năng cuả mình theo quy định của Hiến pháp, sử dụng đầy đủ các quyền hạn, làm tròn các nghĩa vụ, chức năng mà Hiến pháp quy định.

- Tuân theo Hiến pháp nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Hiến pháp là nghĩa vụ cao quí, thiêng liêng bậc nhất của mỗi công dân Việt Nam.

Do nội dung, vị trí, vai trò đặc biệt của Hiến pháp, việc xây dựng, thông qua, ban hành, sửa đổi, thay đổi đều phải tuân theo một trình tự đặc biệt:

Thứ nhất, chủ trương xây dựng Hiến pháp thường được biểu thị bằng một nghị quyết của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

Thứ hai, Việc xây dựng dự thảo Hiến pháp thường được tiến hành bằng một uỷ ban (ban) dự thảo Hiến pháp được chính quốc hội lập ra gồm hàng chục người là những nhân vật tiêu biểu, đại diện của các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, quá trình xây dựng dự thảo Hiến pháp là quá trình kết hợp hoạt động tích cực, liên tục của tổ chức dự thảo và sự tham gia đông đảo tự giác của nhiều tầng lớp nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân thường được tiến hành rộng rãi có sự tham gia của hàng chục triệu người.

Thứ tư, việc thông qua Hiến pháp thường được tiến hành tại một kỳ họp đặc biệt của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Thứ năm, sau khi được Quốc hội sơ bộ thông qua, bản hiến pháp được đưa ra toàn dân trưng cầu ý kiến.

Thứ sáu, việc sửa đổi Hiến pháp thường được thực hiện theo một trình tự đặc biệt được quy định tại Hiến pháp.

Thứ bảy, cả quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp được sự quan tâm và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam. Thông thường, Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp công việc xây dựng Hiến pháp và trước khi trình Quốc hội chính thức thông qua bản dự thảo Hiến pháp thường được một hội nghị trung ương chính thức cho ý kiến.

Đối tượng điều chỉnh của luật Hiến pháp Việt nam cũng giống như đối tượng điều chỉnh chung của luật Hiến pháp các nhà nước khác. Trước hết là việc tổ chức quyền lực Nhà nước thông qua việc quy định cách thức tổ chức, hoạt động của các cơ quan Nhà nước Trung ương, nguồn gốc của quyền lực Nhà nước, mức độ tham gia của nhân dân vào công việc tổ chức Nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Bên cạnh đối tượng điều chỉnh chung này, Hiến pháp Việt nam có những đối tượng điều chỉnh riêng, có tính cách đặc biệt thể hiện Hiến pháp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp của một kiểu Nhà nước mới thể hiện ý chí của đa số nhân dân - Không như trước đây của Nhà nước thể hiện ý chí của giai cấp thống trị thiểu số. Vì vậy, trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta có rất nhiều quy định, mà chúng không thể có được trong Hiến pháp của các nước tư bản. Ví dụ, như quy định ở chương I và chương II về chế độ chính trị và chế độ kinh tế.

Là một loại Hiến pháp trong hệ thống các Hiến pháp thành văn, nên Hiến pháp Việt Nam thuộc loại về nguyên tắc rất khó thay đổi.(Hiến pháp cứng). Sự khó thay đổi này thể hiện tính pháp lý tối cao của Hiến pháp so với các đạo luật thường khác. Đồng thòi đây cũng là cơ sở cho việc đảm bảo ổn định chế độ Nhà nước. Nói như vậy không có nghĩa Hiến pháp Việt Nam là bất biến không thay đổi. Lịch sử lập hiến Việt nam như đã phân tích đã có 4 lần thay đổi lớn. Mỗi lần thay đổi là những điểm mốc đánh dấu bước chuyển mình của Nhà nước ta.

Chính việc mở rộng đối tượng điều chỉnh làm cho đối tượng điều chỉnh của luật Hiến pháp vượt ra khuôn khổ hạn hẹp của tuyên ngôn về quyền lực Nhà nước, thành tuyên ngôn của cả xã hội, nên Hiến pháp XHCN được nhiều người gọi là Hiến pháp xã hội. Đây cũng là đặc điểm chung của Hiến pháp các nước XHCN và của các nước chậm phát triển.

Tính tối cao của Hiến pháp các nước tư bản thường được bảo đảm bằng chế định kiểm hiến, do Uỷ ban Hiến pháp (Toà án Hiến pháp) hay do toà án tối cao đảm nhiệm. Khi có những hành vi vi phạm Hiến pháp thường là của cơ quan lập pháp ban hành những đạo luật vi phạm Hiến pháp, thì các cơ quan nói trên có trách nhiệm đình chỉ, bãi bỏ việc áp dụng các đạo luật vi hiến. Nhà nước Việt nam không quy định việc thành lập các cơ quan bãi hiến như nêu trên. Nhưng, sự giám sát sự tuân thủ Hiến pháp, được Hiến pháp Nhà nước Việt Nam rất coi trọng. Các cơ quan Nhà nước cấp trên đều có trách nhiệm theo sự tuân thủ Hiến pháp của các cơ quan Nhà nước trực thuộc. Và cuối cùng cơ quan có quyền giám sát việc tuân thủ Hiến pháp được Hiến pháp giao cho Quốc hội. Với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao, Quốc hội có quyền sửa đổi mọi quyết định của các cơ quan nhà nước, kể cả của chính mình, khi chúng vi phạm Hiến pháp.

Những điều phân tích trên cũng có những trường hợp cụ thể phải loại trừ, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi như của Việt Nam từ giai đoạn của nền kinh tế tập trung sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.Vào những năm 80 của thời kỳ đổi mới, mặc dù theo quy định của Hiến pháp đang hiện hành không có loại hình sở hữu tư nhân, nhưng với sự quyết tâm đổi mới của Đảng và Nhân dân, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn thông qua Luật Công ty, cho phép loại hình sở hữu này tồn tại và phát triển.

Việc Điều 2 Nghị quyết Sửa đổi một số điều Hiến pháp 1992, năm 2001 quy định rõ nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là cho sự thi hành Hiến pháp càng là một đòi hỏi cấp thiết hơn so với trước đây. Vì một trong những đòi hỏi của nhà nước pháp quyền là các chủ thể trong xã hội kể cả các cơ quan nhà nước phải tuân thủ việc thực hiện các quy định của hiến pháp.

Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình


Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.